|
Đường Quốc lộ 3 mới đang được thi công |
Năm 2010 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010, là năm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, là năm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của quốc gia. Vì vậy, việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2010 có ý nghĩa rất quan trọng; đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2011-2015.
Năm 2009 là năm tiếp nối những khó khăn của sự khủng hoảng và suy thoái kinh tế, tuy nhiên với những chủ trương đúng đắn của cấp uỷ, sự giám sát kịp thời, hiệu quả của HĐND và sự điều hành với nhiều giải pháp cụ thể của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, chuyển hướng ưu tiên từ “kiềm chế lạm phát” sang chủ động “ngăn chặn suy giảm kinh tế” góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển vượt bậc vững chắc: tốc độ tăng trưởng kinh kế (GDP) đạt 9%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 1.526,5 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng; giá trị sản xuất: công nghiệp tăng 13,7%, nông nghiệp tăng 4,02%, dịch vụ lưu chuyển hàng hoá tăng 19,7% so với năm 2008, các chỉ tiêu văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và có thể tổng kết qua 10 sự kiện nổi bật như sau:
1. Khởi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên;
2. Thủ tướng Chính phủ công nhận 5 Khu công nghiệp của Thái Nguyên vào danh mục các Khu công nghiệp Quốc gia;
3. Khởi công xây dựng nhà máy Cán thép Thái Trung 500 ngàn tấn/năm lớn nhất Việt Nam hiện nay;
4. Nhà máy xi măng Quang Sơn 1,5 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động và có sản phẩm;
5. Khởi công xây dựng Nhà máy may Sihwon Hàn Quốc 15 triệu USD, 100% vốn nước ngoài tại Thái Nguyên;
6. Khởi công xây dựng nhà máy Fero Măngan 30.000 tấn/năm;
7. Khởi công xây dựng 52 công trình nhà ở cho sinh viên;
8. Xây dựng trên 4.000 nhà ở cho người nghèo vượt hơn 4 lần so với kế hoạch;
9. Năm phát triển hạ tầng giao thông đột phá lớn nhất với trên 100 dự án đã và đang được thực hiện;
10. Năm thực hiện thành công ngoại giao phát triển kinh tế với trên 200 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, với số vốn đăng ký trên 100 ngàn tỷ đồng;
Những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội trong năm 2009 tiếp tục tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2010 và những năm tiếp theo. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2010 tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nên tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân trong thực hiện quyết liệt, hiệu qủa các giải pháp chỉ đạo điều hành của các cơ quan Trung ương đi đôi với phát huy tính năng động, sáng tạo tại các địa phương, cơ sở nhằm đạt và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, trọng tâm là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, ngăn chặn lạm phát cao trở lại, tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Các nhóm giảp pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của các cấp ủy, HĐND các cấp và thông qua chỉ tiêu giao nhiệm vụ, kế hoạch của UBND các cấp. Tuy nhiên, với chức năng điều hành, quản lý của Nhà nước và toàn dân thực hiện, cần sự phối hợp thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như:
Một là tiếp tục thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách, giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh… của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương với tư duy “năng động, sáng tạo, sát tình hình và hiệu quả”. Tiếp tục thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp “năm đẩy, bốn quản, ba chống với phương châm ba thân thiện” trên địa bàn tỉnh; tập trung các nguồn lực thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2010 là: “Tập trung phát triển kinh tế công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Chỉ đạo thực hiện thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII”
Hai là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh như: hoàn thiện và thực hiệu hiệu quả cơ chế ưu đãi đầu tư trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và cắt giảm trên 30 % thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện thủ tục quy trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng cơ bản... yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ cần công khai minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, giảm chi phí xã hội, thời gian thực hiện và nâng cao hiệu quả về kinh tế từng bước góp phần việc hoàn thiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Ba là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển: đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm phát huy hiệu quả các dự án trọng điểm trên địa bàn, các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, chương trình mục tiêu, trái phiếu Chính phủ và các chương trình nhà ở cho người nghèo, cho công nhân, cho sinh viên và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc các nguồn vốn do các ngành, các địa phương làm chủ đầu tư ngay trong những tháng đầu năm. Tập trung giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của Trung ương và địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm như: đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3; xây dựng cụm cảng Đa Phúc; Nhà Máy điện An Khánh; cảng ICD; đường Bắc Sơn, nghĩa trang Ngân Hà Viên, các dự án giao thông thuộc nguồn vốn OFID và WB3...
Tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện nhanh các dự án đã đăng ký đầu tư. Khẩn trương triển khai lập, thực hiện quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp Nam Phổ Yên, Tây Phổ Yên, Điềm Thuỵ - Phú Bình, Quyết Thắng - thành phố Thái Nguyên, Tổ hợp công nghiệp - dịch vụ Yên Bình.
Bốn là tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm 3 thân thiện: thân thiện với doanh nghiệp, thân thiện với nông dân và thân thiện với môi trường để đảm bảo cho môi trường và quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triên kinh tế - xã hội bền vững.
Tập trung phát triển công nghiệp làng nghề, tiến hành quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, CCN đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu hút đầu tư đảm bảo hiệu quả suất đầu tư vào các KCN, CCN.
Chú trọng giải quyết lao động và việc làm cho nhân dân các vùng dự án, phát triển làng nghề và dịch vụ đào tạo nghề. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp ở các vùng, địa phương và tập trung sản xuất lúa giống, cây giống các loại... sớm hình thành làng nghề mới trong nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các cơ sở giáo dục đào tạo, trung tâm đào tạo cần quyết liệt hơn nữa thực hiện chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm mới cho trên 16.000 người trong năm 2010, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh lên trên 40% để cung cấp cho các KCN, CCN và các nhà đầu tư trên địa bàn.
Năm là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch là khâu đột phá:
Triển khai nhanh chóng công tác lập quy hoạch vùng hồ Núi Cốc, ATK – Định Hóa, khu đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên, trung tâm hành chính mới. Kêu gọi và thu hút đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng nhanh chóng để khởi công xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn 5 sao tại thành phố Thái Nguyên và hồ Núi Cốc.
Triển khai xây dựng tuyến đường quanh khu vực vùng hồ Núi Cốc và khai thác cảnh quan hai bên bờ Sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên. Phát triển mạnh hệ thống giao thông đô thị, vùng nông thôn; lập dự án kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua Sông Cầu.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kết luận của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Thái Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội; đánh giá kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị để báo cáo Trung ương và Chính phủ có kế hoạch thực hiện tiếp theo.
Sáu là tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, ổn định chính trị. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác củng cố quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập; đẩy mạnh trấn áp các hoạt động tội phạm, đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội và đảm bảo công tác phục vụ đại hội Đảng các cấp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết hiệu quả các đơn thư khiếu nại tố cáo. Đẩy mạnh hoạt động phòng chống tội phạm, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội, trật tự an toàn giao thông.
Tăng cường tổ chức phân cấp và xác định chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan hành chính các cấp và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính để đạt được mục tiêu thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội./.
Phạm Xuân Đương