Trong tuần, đạo diễn tài hoa của điện ảnh Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã vinh dự được Trường Đại học Yale nổi tiếng ở Mỹ trao bằng tiến sĩ Mỹ thuật danh dự. Vinh dự này một lần nữa khẳng định tên tuổi của ông đối với ngành nghệ thuật thứ bảy.
Lão Tỉnh - bộ phim đã đem lại cho Trương Nghệ Mưu giải nam diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế Tokyo năm 1987. |
Tại buổi lễ diễn ra hôm 24-5, ông Richard Charles, Hiệu trưởng Trường Đại học Yale đã nêu bật những thành tựu của đạo diễn Trương, từ bộ phim đầu tay “Cao lương đỏ” tới phim bom tấn “Thập diện mai phục”. Richard cũng nhấn mạnh rằng, đạo diễn tài ba này còn gây ấn tượng mạnh mẽ với chương trình khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008.
Tại buổi lễ, Trương Nghệ Mưu đã cảm ơn sự ghi nhận của Trường Đại học Yale dành cho mình và nói rằng, mục tiêu của ông trong tương lai là mỗi năm tung ra một tác phẩm điện ảnh. Khán giả thế giới từ lâu đã từng biết tới tài đạo diễn của Trương Nghệ Mưu qua các bộ phim “Cao lương đỏ” (1987), “Cúc Đậu” (1990), “Đèn lồng đỏ treo cao” (1991), “Thu Cúc đi kiện” (1992), “Phải sống” (1994), “Hội Tam hoàng Thượng Hải” (1995), “Anh hùng” (2001), “Thập diện mai phục” (2004), “Đơn thân độc mã ngàn dặm” (2005) và “Hoàng kim giáp” (2006).
Mới đây, tại cuộc họp báo ở Viện Hàn lâm Điện ảnh Bắc Kinh, đạo diễn Trương cho biết, được giữ cương vị tổng đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc Olympic và Paralympic là cơ hội “độc nhất vô nhị” trong đời ông. “Olympic đã tác động lớn tới tôi. Qua đây, tôi mới nhận thấy rằng làm một bộ phim dễ dàng hơn nhiều, cả về quy mô lẫn nỗ lực. Song quan trọng hơn, đây là cơ hội học hỏi. Tổng quát cả 5.000 năm lịch sử Trung Hoa và giới thiệu nó theo cách vừa có tính văn học vừa có tính nghệ thuật… là một quá trình giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa Trung Hoa”, ông nói.
Kể từ sau thành công vang dội tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, Trương Nghệ Mưu càng được dư luận và giới chuyên môn quan tâm. Giới chuyên môn từng đánh giá về ông rằng, bằng những hình ảnh thể hiện ở Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, Trương Nghệ Mưu đã gửi một thông điệp tới thế giới. Dư luận cho rằng, Trương Nghệ Mưu đã tạo được sự bất ngờ bởi quy mô hoành tráng, mang đậm bản sắc văn hóa Trung Hoa khi Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 khai mạc.
Đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu. |
Giới chuyên môn còn đánh giá, bằng tài năng và sự tinh tế, chỉ trong lễ khai mạc và bế mạc, Trương Nghệ Mưu đã khéo léo truyền bá văn hóa và nền văn minh Trung Hoa tới bạn bè khắp năm châu. Olympic Bắc Kinh 2008 là dịp để Trương Nghệ Mưu quảng bá với thế giới về sự xán lạn, rực rỡ của nền văn hóa 5.000 năm lịch sử, cũng như phong cách của Trung Quốc hiện nay, nhưng vẫn tôn vinh tinh thần Olympic. Trương Nghệ Mưu từng cho biết, Olympic Bắc Kinh 2008 đã tiêu hao công sức của ông khá nhiều - Lễ khai mạc còn hơn cả một bộ phim. Nhiều người nói rằng, sau lễ khai mạc, bế mạc cùng màn pháo hoa ấn tượng tại Sân vận động Quốc gia Tổ Chim, cả thế giới đã biết tới danh tiếng của Trương Nghệ Mưu.
Sinh ngày 14-11-1951 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây với tên gọi theo giấy khai sinh là Trương Di Mâu và tốt nghiệp Khoa Quay phim tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (1982), nhưng Trương Nghệ Mưu lại thành danh bằng nghề đạo diễn. Trong lần đầu “xuất binh”, phim “Cao lương đỏ” đã mang về cho Trương Nghệ Mưu cả 2 giải thưởng Phim truyện hay nhất trong Liên hoan phim “Kim Kê” và “Bách Hoa” 1988, cùng giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin và 9 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác. Mọi người đều thừa nhận, Trương Nghệ Mưu luôn làm việc khoa học và nghiêm túc.
Tuy bước vào nghề đạo diễn khá muộn (37 tuổi), nhưng chỉ sau khoảng 10 năm, Trương Nghệ Mưu đã khẳng định đẳng cấp của mình và buộc giới chuyên môn ở Hollywood phải quan tâm. Ông Trương đúc kết từ chính cuộc sống của mình rằng: “Con người ta có thể làm được bất cứ việc gì mình mong muốn”. “Nhiều người nói rằng, tôi là một thiên tài. Không, tôi nghĩ mình chỉ là một người bình thường. Nhưng tôi có thể nói một cách tự tin rằng, tôi là đạo diễn làm việc hăng say nhất Trung Quốc”, đạo diễn Trương bộc bạch.
GIA HUY