Phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định sớm trở thành trung tâm vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng

Dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định khoá XVII trình đại hội đại biểu lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015), trong phần "Phương hướng, mục tiêu tổng quát 5 năm tới" có một nội dung rất quan trọng được xác định là: "Sớm xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I, trung tâm của vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng".

Nguyễn Viết Hưng 
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định

Dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định khoá XVII trình đại hội đại biểu lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015), trong phần "Phương hướng, mục tiêu tổng quát 5 năm tới" có một nội dung rất quan trọng được xác định là: "Sớm xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I, trung tâm của vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng". Đảng bộ và nhân dân thành phố Nam Định rất vui mừng và nhận thức sâu sắc rằng: Đây không những là nhiệm vụ chính trị có tính chiến lược của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, mà còn là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị của Đảng bộ và nhân dân thành phố, là cơ hội, động lực mới để phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định sớm trở thành đô thị loại I, trung tâm của vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng; xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh…

Hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định.  Ảnh: Xuân Thu
Hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu

Nhìn lại 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị về: "Phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020"; Quyết định 109/CP ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 05/TU của BCH Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 60/UB của UBND tỉnh về xác định định hướng, lộ trình xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng, những năm qua thành phố Nam Định đã được tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, toàn diện. UBND tỉnh đã ban hành quyết định danh mục các dự án đầu tư đến năm 2025 với tổng nhu cầu đầu tư gần 30 nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Hai khu công nghiệp Hoà Xá, Mỹ Trung và cụm công nghiệp An Xá trên địa bàn thành phố đã đi vào hoạt động, thu hút các doanh nghiệp và các nhà đầu tư mới, thu hút nguồn vốn FDI tạo sức bật cho công nghiệp địa phương tăng trưởng cao, dịch vụ thương mại phát triển. Nhiều khu đô thị mới đã được hình thành và xây dựng cơ bản về hạ tầng kinh tế kỹ thuật như các khu đô thị mới Hoà Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung cùng với các khu tái định cư Trầm Cá, Đồng Quýt, Phạm Ngũ Lão, Tây đường 38 đã được nâng cấp cải tạo. Cùng với các dự án cải tạo đô thị, nâng cấp hạ tầng khu dân cư thu nhập thấp, cải tạo hệ thống thoát nước trong các khu dân cư và toàn thành phố, xây dựng trụ sở cơ quan hành chính cơ sở xã, phường, trạm y tế, trường học… bằng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tạo điều kiện phát triển đô thị theo hướng hiện đại, cải thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao điều kiện sống cho người dân. Một loạt các dự án giao thông trọng điểm như quốc lộ 10, đường S2, quốc lộ 21 được nâng cấp, tạo điều kiện tăng cường khả năng giao thông, kết nối của thành phố với các huyện trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Giao thông nội thị được nâng cấp hoàn chỉnh đồng bộ từ đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, chiếu sáng. Một số dự án thuộc chức năng trung tâm vùng như: Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, các công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn được xây dựng; các siêu thị mi ni, trung tâm thương mại được đầu tư. Hệ thống các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư quy mô lớn, năng lực thiết bị hiện đại tăng nhanh chóng bên cạnh hệ thống bệnh viện công được đầu tư, nâng cấp… Thị trường tài chính ngày càng phát triển với hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần, Cty tài chính, quỹ tín dụng như Maritime bank, VP bank, NH Đông Á, Cty tài chính Dầu khí, sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch vàng… ngoài các Ngân hàng thương mại truyền thống như Ngân hàng Công thương, Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Đầu tư và phát triển minh chứng cho sức hấp dẫn và khả năng phát triển của thành phố. Kết quả thống kê mới nhất của thành phố cho thấy những tín hiệu đáng mừng về "sức hút" của thành phố với kết quả tăng trưởng dương (+) giữa số người đi và về thành phố (+0,25%). Như vậy nhịp độ xây dựng và phát triển thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng đã có những bước khởi động theo chiều hướng tích cực và đáng mừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này cũng còn những khó khăn, hạn chế: Tốc độ phát triển của thành phố với mục tiêu để trở thành trung tâm, hạt nhân phát triển của vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do điều kiện nguồn vốn cho phát triển còn khó khăn; vai trò chủ động và những cơ chế đặc thù cho thành phố còn hạn chế. Kinh tế thành phố nói riêng và của tỉnh phát triển chưa mạnh. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển…

Để thực hiện thắng lợi phương hướng tổng quát là sớm xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị loại 1, trung tâm của vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng, trong 5 năm tới, Đảng bộ và nhân dân thành phố Nam Định tiếp tục phấn đấu phát triển hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch điều chỉnh đã được duyệt; tạo điều kiện thuận lợi để các dự án lớn đã chuẩn bị được triển khai thực hiện như: dự án xây dựng cầu Tân Phong trên tuyến đường nối quốc lộ 21 và quốc lộ 10; xây dựng kè nam bờ sông Đào, phát triển khu tái định cư và khu đô thị hai bên bờ bắc và nam sông Đào. Hiện tại thành phố đang triển khai dự án khu đô thị ở khu vực giữa xã Mỹ Xá và Lộc Hòa, khu tái định cư Cửa Nam với diện tích 10ha phục vụ GPMB các dự án phía nam thành phố và một số dự án khác. Đồng thời với việc triển khai thực hiện các dự án về hạ tầng đô thị, các dự án hạ tầng văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, các công trình dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch… trong đó lớn nhất là dự án tôn tạo Khu di tích Lịch sử Văn hóa Trần, Trung tâm thể thao cấp vùng, Bệnh viện Đa khoa quy mô 700 giường bệnh; Trung tâm thương mại BigC ven quốc lộ 10, trung tâm thương mại Minh Khôi… thuộc chức năng trung tâm vùng cũng được triển khai tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó là công tác quản lý đô thị, vận động, giáo dục nâng cao ý thức người dân về xây dựng văn minh đô thị, nếp sống văn hóa hiện đại cũng là vấn đề thành phố cần tập trung với nhiều biện pháp đồng bộ… Tiếp tục rèn luyện, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thành phố đồng đều đáp ứng các yêu cầu quản lý đô thị, xây dựng nền hành chính công hiện đại… Tổ chức thực hiện thắng lợi các giải pháp của BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII sắp tới về xây dựng thành phố Nam Định thành đô thị loại 1, trung tâm của vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng, đồng thời với việc thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, văn hóa xã hội đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Nam Định lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015). Chắc chắn Đảng bộ và nhân dân thành phố sẽ thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào trước năm 2015, khẳng định vai trò hạt nhân trung tâm phát triển của vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng./.

Đọc thêm