"Phản đối của "DN dùng inox" không phải là "gà nhà đá nhau"

Liên quan đến việc mấy chục DN sản xuất có sử dụng inox làm nguyên liệu đầu vào gửi  tới Bộ Công Thương văn bản phản đối vụ kiện chống án phá giá thép cán nguội không gỉ, luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng: Không nên gọi việc phản đối của các DN sản xuất có sử dụng inox làm nguyên liệu đầu vào là "gà nhà đá nhau"...

[links()]Liên quan đến việc mấy chục DN sản xuất có sử dụng inox làm nguyên liệu đầu vào gửi tới Bộ Công Thương văn bản phản đối vụ kiện chống án phá giá thép cán nguội không gỉ, luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng:

- Không nên gọi việc phản đối của các DN sản xuất có sử dụng inox làm nguyên liệu đầu vào là "gà nhà đá nhau". Họ có quyền làm điều đó nếu có căn cứ chứng minh rằng hai DN nộp đơn yêu cầu không phải là đại diện của ngành sản xuất trong nước. Còn trong trường hợp các DN này không chứng minh được thì việc điều tra vẫn tiến hành bình thường.

v
Luật gia Vũ Xuân Tiền

- Theo ông, với vụ kiện này, các DN Việt Nam có cơ hội thắng không? Vì sao?

- Lúc này khó có thể kết luận ngay là các DN Việt Nam thắng hay thua trong vụ kiện này. Tuy nhiên có thể thấy rằng, trong việc kiện bán phá giá, chúng ta gặp một khó khăn lớn là phải có chứng cớ về hàng hoá nhập khẩu chiếm tỷ trọng vượt quá 3% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam (với trường hợp hàng hoá được nhập khẩu từ một nước) hoặc vượt quá 7% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam với trường hợp hàng hoá được nhập khẩu từ nhiều nước.

Trong không ít trường hợp, khi tổng hợp số lượng hàng nhập vào Việt Nam lại ít hơn 3%, bởi một số lượng lớn hàng nhập khẩu tiểu ngạch đã không được quản lý, cập nhật. Điều này xẩy ra phổ biến đối với hàng nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Lào về Việt Nam. Một khó khăn nữa là chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong những vụ kiện bán phá giá. Song, dù thành công hay không thành công, khởi kiện và điều tra hành vi bán phá giá là việc làm cần thiết để qua đó chứng ta sẽ có kinh nghiệm trong những vụ việc tiếp theo.

- Thực trạng khung pháp lý của Việt Nam về chống bán phá giá còn đơn giản, các pháp lệnh và nghị định về chống bán phá giá mới ra đời chưa bao lâu. Theo ông, điều này gây trở ngại gì đối với việc bảo vệ DN nội địa thông qua phòng vệ thương mại?

- Đúng là khung pháp lý của nước ta về chống bán phá giá còn đơn giản. Quan trọng hơn là Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 và Nghị định số 90/2005/NĐ-CP được ban hành trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Do đó, đã đến lúc cần tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh nêu trên và nâng lên thành Luật chống bán phá giá nhằm tạo hành lang pháp lý cao hơn để bảo vệ DN nội địa thông qua phòng vệ thương mại phù hợp với cam kết trong WTO.

- Giải pháp nào để nâng hiểu biết của DN, hiệp hội DN trong việc sử dụng các quyền của mình được luật pháp trong nước và quốc tế công nhận để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

- Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp để nâng cao năng lực quản trị cho các DN Việt Nam. Chẳng hạn, Chương trình hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DN nhỏ và vừa từ năm 2004 đến năm 2008 đã chi 120 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập một Đề án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa giai đoạn 2013 - 2016 với tổng chi phí tới 1,8 tỷ đôla Mỹ.

Vấn đề còn lại là, các DN phải nhận thấy, yếu kém trong quản trị DN, thiếu minh bạch đang là "tử huyệt" của mình và tự giác tham gia các khoá đào tạo, chủ động sử dụng luật sư tư vấn để phòng ngừa rủi ro. Còn các cơ quan quản lý được giao quản lý, sử dụng nguồn kinh phí 1,8 tỷ đôla nói trên cần sử dụng kinh phí có hiệu quả, tránh thất thoát trong quá trình thực hiện.

- Xin cám ơn ông!

Hoàng Thủy (thực hiện)

Đọc thêm