Tình báo viên Romania Gabriel Grecu vừa bị bắt tại Moscow, Nga khi nhận tài liệu quân sự mật từ một công dân Nga, Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) thông báo.
Tình báo viên Romania Gabriel Grecu vừa bị bắt tại Moscow, Nga khi nhận tài liệu quân sự mật từ một công dân Nga, Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) thông báo. Phía Nga tịch thu được từ Grecu vật dụng liên quan đến hoạt động gián điệp, cho thấy hoạt động thù địch chống Liên bang Nga của Grecu. Grecu là tình báo viên chuyên nghiệp của Cục thông tin đối ngoại (tình báo đối ngoại) SIE (Serviciul de Informaţii Externe) của Romania hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao ở cương vị bí thư thứ nhất phòng chính trị tại sứ quán Romania ở Moscow. Ngoài ra, ông này còn là đại biện lâm thời Romania tại Armenia.
Thông tin về ông Grecu không nhiều. Trong bản khai thu nhập nộp tháng 5/2009 có nêu ông không hề có bất động sản nào, kể cả ở Romania, không có ô tô và các phương tiện giao thông cần đăng ký khác, không mắc nợ, cũng chẳng có các tài khoản nhà băng. Thu nhập hàng năm của ông là 6.000 USD. Nghi can gián điệp Gabriel Grecu bị phía Nga tuyên bố là “nhân vật không được hoan nghênh” (persona non grata) và phải rời Nga trong vòng 48 giờ. Trung tâm quan hệ xã hội của FSB cho biết, Bộ Ngoại giao Nga qua kênh ngoại giao có công hàm phản đối liên quan đến hoạt động không phù hợp với quy chế ngoại giao của Grecu.FSB được quyền tuyên bố FSB khẳng định Grecu mưu toan nhận tin mật quân sự từ một công dân Nga. Thông báo của FSB đăng trên website của cơ quan này cho hay, năm 2008, FSB chú ý đến hoạt động của Dinu Pistolea (người tiền nhiệm của Grecu ở cương vị bí thư thứ nhất phòng chính trị sứ quán Romania) lôi kéo công dân Nga mang bí danh M, một người am hiểu tình hình Moldova và Pridnestrovie (Transnistria). Dinu đề nghị M bán cho Romania các tài liệu phân tích về tình hình Moldova và Transnistria, các thông tin bôi nhọ các quan chức cao cấp và các chính trị gia hàng đầu của nước cộng hòa tự phong này. FSB cho hay, các cuộc liên lạc trực tiếp giữa Dinu và M được tổ chức rất bí mật, ngày giờ gặp gỡ được ấn định qua thư điện tử có sử dụng các quy ước. Tháng 12/2008, Dinu rời nước Nga khi hết nhiệm kỳ và M được chuyển giao cho người đến thay thế là Grecu. Grecu trước đó làm việc ở sứ quán Romania tại Yerevan, Armenia. Ngoài thông tin chính trị công khai, Grecu yêu cầu M cung cấp các tài liệu chứa thông tin mật quân sự về Transnistria. “Sau đó, M hiểu rằng mình đang bị lôi kéo hoạt động phản quốc nên tự nguyện đến khai báo với FSB về việc này và xin sẵn sàng giúp đỡ các cơ quan an ninh ngăn chặn hành động của nhà ngoại giao”, Trung tâm quan hệ xã hội FSB cho biết. Sau khi phân tích các tài liệu mà tình báo Romania muốn có, FSB thấy rằng, nếu chuyển giao những tin tức này có thể gây tổn hại lớn cho an ninh của Nga nên quyết định ngăn chặn hoạt động gián điệp của Grecu. FSB hiện điều tra các mối quan hệ của Grecu với các công dân Nga mà nhiều quan hệ trong số đó có dấu hiệu tình báo.Một số hình ảnh vụ bắt giữ Vụ bắt giữ diễn ra tại một trung tâm thương mại ở phía Tây Moscow. Một người đàn ông Nga giấu một gói màu đen vào trong ngăn tủ gửi đồ. Một lát sau, Grecu mở ngăn tủ lấy ra gói đồ này. Mưu toan chuyển tin mật quân sự này được các camera theo dõi ghi lại rõ ràng. Vài phút sau, các nhân viên phản gián Nga lao đến bắt giữ Grecu. Họ thu được từ Grecu các vật dụng liên quan đến hoạt động gián điệp. Đoạn băng theo dõi ngoại tuyến này của FSB được các đài truyền hình và báo mạng Nga đưa tin rộng rãi.
|
M (dấu X) gửi tài liệu vào ngăn gửi đồ tại siêu thị |
|
Một lát sau Gabriel Grecu tiến đến... |
|
Vài phút sau, FSB xông ra bắt giữ Grecu... |
|
...và dẫn giải về cơ quan an ninh |
|
Grecu tại cơ quan an ninh Nga |
Romania trả đũa Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Romania lên án việc Nga bắt giữ, trục xuất Grecu với cáo buộc làm gián điệp là “sự vi phạm thô bạo các thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực quan hệ ngoại giao”, công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và bày tỏ sự không tán thành với việc “cách thức tình huống này được đưa công khai”. Để trả đũa, ngày 17/8, Bộ Ngoại giao Romania tuyên bố không hoan nghênh (persona non grata) đối với một nhà ngoại giao Nga cùng cấp với Grecu (bí thư thứ nhất) và yêu cầu ông này phải rời lãnh thổ Romania trong vòng 48 giờ.Cài bẫy hay “thẻ vàng”? Nhà báo Andrei Soldatov, một chuyên gia về các vấn đề an ninh nhận định: "Qua thông tin do FSB cung cấp (đoạn video và tuyên bố trên website của FSB), có thể kết luận rằng, FSB không định công khai họ tên và chuyển cho tòa án M định chuyển tin mật cho Grecu. Chắc chắn M một lúc nào đó cảm thấy an ninh Nga chú ý đến hoạt động của mình nên tự đến gặp họ. Hoặc là người này ngay từ đầu được đưa ra làm “mồi nhử” Grecu. Lúc đó thì đây không còn là chuyện chuyển thông tin có giá trị mà đơn thuần chỉ là trò chơi nghiệp vụ”. Dư luận và báo chí Romania lại cho rằng, bằng việc bắt giữ và trục xuất Grecu, Nga giơ “thẻ vàng” đối với Romania nhằm cảnh báo khả năng quan hệ song phương tiếp tục xấu đi xung quanh những vấn đề liên quan đến Moldova và việc Romania gia nhập NATO. Cựu Thủ tướng Romania Adrian Nestase nhận định, đây có thể là tín hiệu của Moscow ngay trước thềm trưng cầu dân ý ở Moldova dự định tổ chức vào ngày 5/9/2010 để vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị do Nghị viện nước này không thể bầu chọn Tổng thống mới. Theo Hiến pháp, Tổng thống Moldova được bầu chọn bằng đa số 61/101 phiếu tại nghị viện. Năm 2009, Moldova có một số lần bầu Tổng thống song bất thành. Nếu cuộc trưng cầu dân ý thành công thì Hiến pháp sẽ được sửa đổi để quay trở lại thể thức bầu Tổng thống bằng phổ thông đầu phiếu. Một trong những lập luận mà ông Nestase (từng là Ngoại trưởng) đưa ra là việc báo chí Nga rất chú ý đến vụ việc này; trong khi việc bắt giữ và trục xuất nhà ngoại giao vì tội gián điệp trước đó chỉ có một số ít nhân viên các cơ quan thẩm quyền biết. Còn cựu đại tá tình báo GRU Vitaly Shlykov thì coi chuyện này là sự ồn ào quan liêu, đơn thuần chỉ là việc một bên (tình báo Romania) có nhiệm vụ phải làm gì đó, còn bên kia (FSB) thì bắt họ. Ông cũng loại trừ khả năng tình báo Romania làm việc cho các nước thứ ba. Lần gần đây nhất phản gián Nga phát giác được gián điệp ngoại giao là vào năm 2006 khi phía Nga đưa ra chứng cứ buộc tội bốnnhà ngoại giao làm việc tại sứ quán Anh ở Moscow là Christopher Pirt, Marc Doe, Paul Crompton and Andrew Fleming thu thập tin tức tình báo, trong đó Marc Doe là bí thư thứ 2 sứ quán Anh. Họ sử dụng một thiết bị điện tử được ngụy trang thành một hòn đá để truyền thông tin mật. Họ còn bị cáo buộc hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phi Chính phủ của Nga, trong đó có Moscow Helsinki Group và Quỹ Euroasia.
Theo Phương Mai
Đất Việt