Phận làm mẹ trong những gia đình vắng bóng người cha

Có nhiều lý do khiến đứa trẻ không được sống bên cạnh cha. Để xóa đi khoảng trống thiếu cha trong đời sống tinh thần của trẻ, mỗi người mẹ tìm cho mình một giải pháp riêng...

Có nhiều lý do khiến đứa trẻ không được sống bên cạnh cha: Cha mẹ ly hôn, cha mất sớm, cha đi làm ăn xa, hoặc người mẹ thích sống đơn thân (không lấy chồng mà “xin” con). Để xóa đi khoảng trống thiếu cha trong đời sống tinh thần của trẻ, mỗi người mẹ đã tìm cho mình một giải pháp riêng...

Giữ cho con hình ảnh tốt về người cha

Chị Vân Nga (Viện Khoa học xã hội, Hà Nội) tâm sự: “Chúng tôi chia tay khi con gái tôi 8 tuổi. Ban đầu cháu bị sốc và rất buồn, nhưng tôi đã giải thích cho con hiểu rằng, sống xa nhau như vậy bố mẹ cảm thấy thoải mái và giữ được mối quan hệ với nhau tốt hơn. Tôi cũng nhắc bố cháu hàng tuần thu xếp công việc để đến thăm, đưa con đi chơi và tặng quà con...

Tình mẫu tử. Ảnh minh họa

Những khi đó tôi để hai bố con được bày tỏ tình cảm một cách vui vẻ, thoải mái nhất. Sau này có gia đình mới, bố cháu ít đến hơn, cháu có vẻ buồn, tôi phải nói với cháu rằng bố vẫn yêu con, nhưng vì bố bận nhiều công việc nên không thường xuyên về thăm con như trước được. Cháu tin lời tôi và vui vẻ trở lại”.

“Tôi cho rằng, vợ chồng thà chia tay mà vẫn dành cho con tình cảm và những hình ảnh tốt về nhau, còn hơn hàng ngày bắt con phải chứng kiến bi kịch tồi tệ của cha mẹ chúng”, chị Nga nói.

Luôn nhắc đến sự có mặt của người bố đã “đi xa”

Khi chồng chị Hồng (ở huyện Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên) mất, con trai chị mới lên 7 tuổi. Hai mẹ con thành bầu bạn, cùng chia sẻ nỗi buồn.

“Tôi dùng những hiểu biết về Phật học giải thích một cách đơn giản nhất cho con hiểu rằng, bố đã ra đi nhưng linh hồn vẫn ở bên con. Tôi tạo nên sự “có mặt” của bố cháu bằng cách khi có dịp thích hợp lại nhắc đến những kỷ niệm, những tấm ảnh, hoặc sự vật, sự việc có liên quan đến anh ấy.

Ví dụ, mỗi lần cháu tiến bộ trong học tập hoặc làm được việc tốt, tôi lại khích lệ: “Biết được việc này chắc bố vui lắm”, hoặc khi con lỡ phạm lỗi hay thất bại trong một việc gì đó, tôi động viên: “Mẹ biết là bố không thất vọng như con nghĩ đâu, bố chỉ muốn con cố gắng hơn”. Trong trí óc của cháu, bố luôn hiện hữu qua những lời mẹ nói” - chị Hồng kể.

Nhắc chồng thường xuyên quan tâm đến con cái

Chị Kim Thanh (giáo viên ở huyện Thanh Trì, Hà Nội), chia sẻ: “Chồng tôi công tác trong quân đội nên thường xuyên xa nhà. Vài tháng, có khi cả năm trời anh ấy mới về thăm gia đình được một hai lần. Để các con cảm nhận được rằng, dù không ở bên cạnh nhưng bố rất thương yêu và quan tâm đến các con, tôi nhắc anh thường xuyên gọi điện về thăm hỏi, động viên việc học tập và cuộc sống của các con, đồng thời anh cũng kể về công việc của mình để các con hình dung được bố đang sống như thế nào.

Những ngày anh được về phép, tôi nhường anh việc đưa đón các con đến trường, đưa con đi chơi, chụp ảnh kỷ niệm, mua sách vở, quần áo... Những việc cụ thể đó giúp các con gần gũi, tự hào hơn về bố chúng. Các cháu rất quấn quýt mỗi khi có cơ hội được gặp bố, hoặc rất vui, háo hức khi có đồng nghiệp của bố đi công tác ghé vào thăm gia đình... Hè này tôi định đưa các con vào thăm đơn vị của anh ở miền Trung, để chúng hiểu rõ hơn về cuộc sống, công việc của người chiến sĩ  bảo vệ tổ quốc và càng tự hào hơn về người cha của mình”.

Tìm người “đóng thế”

Chẳng ai muốn làm người mẹ đơn thân, nhưng vì hoàn cảnh riêng mà xã hội vẫn có nhiều người mẹ “hai trong một”. Chị Tuyết Nga (Bắc Ninh) cho biết: “Từ khi mang bầu, tôi đã tìm đọc rất nhiều sách báo về nuôi dạy, chăm sóc con, đặc biệt là những cuốn học làm cha, nghệ thuật làm cha. Tôi biết người cha có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và phát triển, hình thành nhân cách của đứa con, vì thế tôi đã tìm cách bổ sung vào chỗ thiếu hụt đó.

Người đàn ông “thay thế” có thể là ông ngoại, cậu, bác của cháu, hay một người cha đỡ đầu, một người bạn thân của mẹ... Mặc dù không hoàn toàn thay thế được người cha, nhưng sự hiện hữu của những người này có thể hạn chế được phần nào sự thiệt thòi của đứa con không có bố, nhất là con trai.

Ngoài ra, tôi mua những cuốn sách về danh nhân, về những người thành đạt, những tấm gương rèn luyện cho con đọc để cháu dần hình thành đức tính kiên cường, mạnh mẽ, nỗ lực tự chủ vươn lên của người đàn ông”.

Có nhiều cách để hóa giải sự thiếu vắng hình bóng người cha trong mái ấm gia đình với trẻ thơ. Nhưng điều cốt yếu nhất mà các bà mẹ phải luôn nhớ rằng dù là giải pháp gì cũng cần được thực hiện một cách thông minh, linh hoạt, mềm mại. Được như thế, sự vắng mặt của người cha trong ngôi nhà sẽ không còn là khoảng trống quá lớn lao, hay quá thiệt thòi đối với những đứa trẻ.

An Nhiên

Đọc thêm