Phần Lan bỏ trung lập, nhập liên minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở Phần Lan, việc đất nước này gia nhập NATO trở thành chuyện gần như đã được quyết định sau khi cả Tổng thống lẫn Thủ tướng đều công khai tuyên bố ủng hộ và mong muốn NATO thu nạp Phần Lan làm thành viên mới của liên minh quân sự.
Thành phố Hensinki - thủ đô Phần Lan.
Thành phố Hensinki - thủ đô Phần Lan.

Quốc hội Phần Lan sẽ đưa ra quyết định chính thức cuối cùng nhưng việc phê chuẩn này chỉ còn là hình thức. NATO cho biết sẽ vận hành rất nhanh quy trình kết nạp Phần Lan. Sau Phần Lan, Thụy Điển nhiều khả năng cũng sẽ quyết định ra nhập NATO.

Cả 2 nước Bắc Âu này trên danh nghĩa chính thức cho đến nay đều theo đuổi chính sách trung lập, tức là không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào. Chính sách trung lập của Thụy Điển có gốc rễ từ thế kỷ 19 và gần như không có liên quan gì đến nước Nga. Còn chính sách trung lập của Phần Lan lại là hệ lụy trực tiếp của hai cuộc chiến tranh giữa nước này với Liên Xô vào năm 1939 và 1941. Nó được quy định trong một hiệp ước giữa Phần Lan và Liên Xô. Đấy cũng là khác biệt cơ bản nhất về bản chất và nguồn gốc chính sách trung lập giữa Phần Lan và Thụy Điển.

Tuy nhiên trong thực chất, cả hai nước này từ lâu đã gây dựng và tăng cường hợp tác về chính trị và quân sự với NATO. Năm 1995, cả Phần Lan lẫn Thụy Điển đều gia nhập Liên minh châu Âu (EU) Sau đó, cả hai tham gia chương trình quan hệ đối tác với NATO và Hội đồng hợp tác Đại Tây Dương giữa Mỹ, Canada với các nước thành viên NATO ở châu Âu. Cả hai đều đã đặt nền móng cho việc bất cứ khi nào cũng đều có thể nhanh chóng trở thành thành viên mới của NATO.

Không như đối với các nước khác ở châu Âu muốn gia nhập, NATO luôn mời chào Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh. Trong nội bộ NATO luôn có sự đồng thuận quan điểm rất sâu rộng về việc nhanh chóng chấp nhận Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự. Hai nước này giúp NATO gia tăng vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị, quân sự và an ninh ở châu Âu, đặc biệt là giúp NATO vừa tiến sát Nga nhờ hơn 1.300 km đường biên giới chung giữa Phần Lan và Nga, lại vừa giúp NATO tạo thế vây hãm Nga về chiến lược ở châu Âu.

Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã vừa thôi thúc NATO thuyết phục Thụy Điển và Phần Lan nhanh chóng gia nhập, vừa tạo cơ hội thuận lợi và nguyên cớ thích hợp để chính phủ Phần Lan và Thụy Điển có được sự đồng thuận quan điểm và chấp nhận cần thiết trên chính trường và trong nội bộ xã hội cho việc gia nhập này. Lập luận được đưa ra là hai nước này có thể bị Nga đe dọa an ninh, hoặc thậm chí còn cả bị Nga tấn công quân sự như Ukraine, khi đó chỉ có dựa vào NATO thì mới đảm bảo được an ninh trước thách thức và đe dọa an ninh từ Nga.

NATO coi việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập là thắng lợi quan trọng của NATO và thất bại to lớn của Nga trong vấn đề mở rộng NATO, và là một hệ lụy tai hại đối với Nga từ chiến sự ở Ukraine.

Đó đúng là một hệ lụy trực tiếp từ chiến sự hiện tại ở Ukraine. Lâu nay, Nga luôn phản đối việc NATO mở rộng liên minh và tiến tới gần biên giới của mình Nga luôn coi việc NATO kết nạp thêm thành viên ở khu vực biên giới xung quanh Nga là mối đe dọa an ninh trực tiếp, đã nhiều lần cảnh báo và răn đe NATO.

Một trong những điều kiện tiên quyết và trọng tâm của Nga cho việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine là NATO không được kết nạp Ukraine và Ukraine phải trung lập. Bây giờ, NATO chưa thể thu nạp Ukraine vào liên minh quân sự, nhưng có thêm biên giới chung với Nga ở Phần Lan.

Tác động, hậu quả và hệ lụy của diễn biến mới này thật khó lường hết nhưng chắc chắn sẽ rất tai hại cho an ninh, ổn định ở châu Âu cũng như cho mối quan hệ giữa NATO với Nga và triển vọng nhanh chóng chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Biện pháp đối phó của Nga chắc chắn sẽ khiến NATO đau đầu và mức độ đối địch giữa hai bên sẽ thêm quyết liệt. Cục diện chính trị, quân sự và an ninh ở châu Âu tiếp tục thay đổi cơ bản.

Cả hai phía rồi đây đều sẽ phải thay đổi chiến lược và bài binh, bố trận lại trên khắp châu lục để đối địch và đối phó lẫn nhau. Phần Lan và Thụy Điển có được sự đảm bảo an ninh từ NATO. NATO lại một lần nữa thắng thế trong chuyện mở rộng liên minh, nhưng châu Âu có được an ninh và ổn định nhiều hơn không thì lại là chuyện rất khác.

Đọc thêm