30 tháng tù cho “giám đốc” làm thuê

(PLO) - Được hưởng lương Giám đốc nhưng thực chất chỉ là người làm thuê, Huế đã ký hợp đồng mua bán nông sản và 2 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) giúp sức cho Phượng và Lắng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 70 triệu đồng tiền thuế của Nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Thị Huế
Bị cáo Nguyễn Thị Huế

Hôm qua (25/4), TAND TP Hà Nội đã đưa Nguyễn Thị Huế (SN 1968, trú tại Hải Dương, nguyên Giám đốc Doanh nghiệp thương mại Kim Long) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2000 đến tháng 9/2001, Nguyễn Thị Lắng cùng Nguyễn Thị Phượng (Giám đốc Doanh nghiệp thương mại dịch vụ Phượng Bình) và Nguyễn Thị Huế đã ký kết hợp đồng kinh tế, lập và ký khống bảng kê thu mua hàng nông sản; xuất khống hóa đơn GTGT để Lắng sử dụng các chứng từ này hợp thức hồ sơ gửi Cục Thuế TP Hà Nội hoàn thuế GTGT, rút tiền để chiếm đoạt.

Cụ thể, vào tháng 2/2000, Phượng đã gặp, bàn bạc với Huế thành lập Doanh nghiệp. Huế đồng ý và đã đưa giấy tờ tùy thân cho Phượng làm thủ tục. Ngày 29/3/2000, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho phép thành lập Doanh nghiệp Kim Long, do Nguyễn Thị Huế làm Giám đốc, có chức năng kinh doanh mua bán, chế biến hàng nông sản thực phẩm, dịch vụ cầm đồ.

Sau khi thành lập Doanh nghiệp Kim Long, Huế khai đến Cục Thuế tỉnh Hải Dương mua quyển hóa đơn GTGT về ký tên trên các tờ hóa đơn rồi giao lại quyển hóa đơn và con dấu Doanh nghiệp Kim Long cho Phượng giữ và quản lý.

Ngày 19/9/2000, với danh nghĩa đại diện cho Doanh nghiệp Kim Long, Huế đã ký Hợp đồng kinh tế với Nguyễn Thị Lắng là Giám đốc Công ty Chấn Hưng để xuất bán cho Công ty này mặt hàng nhãn quả khô, vải quả khô, quả long nhãn với số lượng 250 tấn, trị giá tiền là 16.785.000.000 đồng.

Sau đó, Huế ký khống bảng kê thu mua hàng nông sản và 2 hóa đơn GTGT, tổng số tiền thuế suất GTGT tại 2 hóa đơn là 73.580.400 đồng, đồng thời ký biên bản thanh lý hợp đồng ngày 20/10/2000. Các chứng từ trên sau khi ký xong, Huế chuyển lại cho Phượng và được Phượng chuyển cho Lắng để Lắng hợp thức hồ sơ, làm thủ tục để đề nghị Cục Thuế TP Hà Nội cho hoàn thuế.

Trên cơ sở hồ sơ và đề nghị của Công ty Chấn Hưng, ngày 18/10/2000 Cục Thuế TP Hà Nội có quyết định cho Công ty Chấn Hưng được hoàn thuế GTGT với số tiền 993.632.992 đồng, trong đó có số tiền 73.580.400 đồng từ 2 hóa đơn của Doanh nghiệp Kim Long. Sau khi được hoàn thuế, các đối tượng đã rút ra và chiếm đoạt số tiền trên. Ngoài việc ký hợp đồng, xuất hóa đơn bán hàng trên, từ khi thành lập đến khi giải thể, Doanh nghiệp Kim Long không phát sinh bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác.

Theo tài liệu điều tra, Huế khai nhận hợp đồng kinh tế và biên bản thanh lý hợp đồng giữa Doanh nghiệp Kim Long và Công ty Chấn Hưng là do Phượng mang về yêu cầu Huế ký, khi đó đã có chữ ký của Lắng; hóa đơn GTGT thì Huế đã ký từ trước, sau đó Phượng ghi nội dung vào hóa đơn. Cùng với đó, bảng kê theo mẫu về việc Doanh nghiệp Kim Long thu mua long nhãn và nhãn quả khô của các hộ dân Bắc Giang cũng do Phượng lập, xin xác nhận của chính quyền địa phương đem về đưa cho Huế ký.

Ngoài Lắng, Huế không biết bất cứ cá nhân nào khác của Công ty Chấn Hưng, không biết gì về Công ty Chấn Hưng. 

Huế cũng khai nhận việc xuất 2 hóa đơn khống, ký khống bảng kê hàng hóa, ký Hợp đồng mua bán bà biên bản thanh lý hợp đồng kinh tế giữa Doanh nghiệp Kim Long và Công ty Chấn Hưng đều thông qua Nguyễn Thị Phượng. Mặc dù không trực tiếp gặp gỡ bàn bạc với Lắng nhưng thông qua Phượng, Huế biết mục đích của các việc này là để hợp thức hóa hồ sơ nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước.

Đồng thời, Huế cũng nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật bởi chính từ hợp đồng và 2 hóa đơn GTGT mà Huế ký giúp cho Phượng và Lắng lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Huế thừa nhận chữ ký trên Hợp đồng kinh tế và 2 hóa đơn GTGT, bảng kê thu mua hàng nông sản và biên bản thanh lý hợp đồng là chữ ký của mình.

Tại phiên tòa, Huế khai nhận mình chỉ là người làm thuê, không được bàn bạc và không được đọc hợp đồng, khi Phượng đem giấy tờ về bảo ký thì bị cáo ký. Khi bị cáo thắc mắc “Sao không cho đọc mà bắt ký nhiều giấy tờ thế” thì Phượng bảo: “Tao không cho mày vào chỗ chết đâu, cứ ký đi”, bị cáo được trả tất cả khoảng 3 triệu đồng cho vụ làm ăn này, Huế khai thêm.

Đối với hành vi của mình, Nguyễn Thị Lắng đã bị phạt 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với Nguyễn Thị Phượng, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Phượng đã bỏ trốn khỏi địa phương và đang bị truy nã. Còn với Huế, sau một thời gian bỏ trốn, hiện đang chấp hành án tại Trại giam Hoàng Tiến theo Bản án hình sự sơ thẩm ngày 18/6/2015 của TAND tỉnh Hải Dương, thời hạn 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận định hành vi của bị cáo đã giúp sức cho Lắng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước, vì vậy phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Xét thấy bị cáo đã nhận thức được sai phạm và thành khẩn khai báo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm