Bà Hứa Thị Phấn đã lừa Phạm Công Danh như thế nào?

(PLO) - Năm 2014, thông qua Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương), ông Phạm Công Danh đã bỏ ra 4.600 tỷ đồng mua lại hơn 84% cổ phần của bà Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín mà không hề biết rằng thương vụ này là một cái bẫy bà Phấn cố ý kéo ông Phạm Công Danh vào tròng...
Nguyên TGĐ NH Xây dựng nhìn nhận quả lừa của bà Hứa Thị Phấn đã đẩy Phạm Công Danh vào con đường phạm tội
Nguyên TGĐ NH Xây dựng nhìn nhận quả lừa của bà Hứa Thị Phấn đã đẩy Phạm Công Danh vào con đường phạm tội

Hành trình đưa Phạm Công Danh “vào tròng”

Hành trình nghiệt ngã này bắt đầu bằng mối quan hệ cá nhân giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm. Theo lời khai của Phạm Công Danh, sau nhiều lần gặp nhau, Hà Văn Thắm đặt vấn đề về việc thành lập một ngân hàng trong lĩnh vực xây dựng và cho biết nếu Phạm Công Danh đồng ý làm thì Thắm sẽ giới thiệu.

Do không thể thành lập ngân hàng mới vì thiếu vốn nên sau khi suy nghĩ Phạm Công Danh đồng ý với giải pháp tái cơ cấu một ngân hàng nào đó thay vì thành lập mới.

Sau khi Phạm Công Danh đồng ý, Hà Văn Thắm đã sắp xếp cho Danh tiếp xúc với bà Hứa Thị Phấn và thương vụ mua bán này đã diễn ra nhanh chóng sau đó.

Tuy nhiên, sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín và cho đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (CB), Phạm Công Danh mới phát hiện ra rằng trước khi chuyển giao cho mình, bà Hứa Thị Phấn đã sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau để tạo ra một bộ hồ sơ màu hồng để lừa mình.

Khai trong một phiên xử mình vào tháng 7/2016, Phạm Công Danh cho biết trước khi chuyển giao, bà  Phấn không hề nói thật về hiện trạng của Ngân hàng Đại Tín. 

“Tôi trả tiền không phải để mua ngân hàng này mà là để mua các bất động sản của nhóm khoảng 30 doanh nghiệp trong này do bà Phấn nói rằng bà đại diện cho nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang đang được thế chấp trong ngân hàng. Tôi định giá các bất động sản đó có giá trị và bất động sản tốt lên, sẽ bán được. Hai bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè sẽ có tiền để tái cơ cấu ngân hàng…”.

Tuy nhiên, trên thực tế số tài sản trên Phạm Công Danh không bán được vì 30 doanh nghiệp kia không ủy quyền cho bà Phấn và cũng không chịu ủy quyền cho Phạm Công Danh.

Do không bán được số tài sản cộng với việc căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (chiếm 42% vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín vào thời điểm đó) nên Phạm Công Danh buộc phải lấy tiền khách hàng gửi vào ngân hàng ra để trả nợ và từng bước lún sâu vào khủng hoảng.

"Có khách hàng ở Cần Thơ cần rút tiền và ngân hàng cần huy động để trả. Có khi tôi phải lấy tiền của tôi gửi vào cho khách hàng rút ra. Tôi cũng đã nghĩ tình trạng ngân hàng là xấu nhưng không ngờ xấu đến thế", Phạm Công Danh cho biết thêm.

Bà Phấn 'sơn phết' hồ sơ trước khi bán NH Đại Tín cho Phạm Công Danh

Như đã đề cập, để có một bộ hồ sơ đẹp, bà Hứa Thị Phấn đã tìm mọi cách để cho Phạm Công Danh thấy rằng trước mắt mình là một tương lai màu hồng với khối tài sản khổng lồ.

Đó là căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trị giá 1.260 tỷ đồng, 9.400 tỷ đồng dư nợ của Công ty Phương Trang, 3.500 tỷ đồng dư nợ của 29 khoản vay đất ở quận 2 và quận 7.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không như Phạm Công Danh nghĩ bởi căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch đã bị bà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm nâng khống giá trị lên gấp 8 lần (giá trị thực tế sau khi định giá căn nhà này chỉ là 181 tỷ đồng – PV). Dư nợ của Công ty Phương Trang đã bị bà Phấn rút ruột hơn 5.256 tỷ đồng, trong khi đó đất ở quận 2 và quận 7 toàn là đất nông nghiệp bị thổi giá.

Trả lời luật sư Trần Minh Hải trong phiên xử 11.5, Phạm Công Danh cho rằng “vì nghĩ hồ sơ căn nhà 5 Phạm Ngọc Thạch nằm trong  hồ sơ ngân hàng nên tôi tin tưởng, nhưng khi tại cơ quan điều tra thì tôi quá bất ngờ vì bất động sản không thể tăng giá gấp nhiều lần như vậy. Toàn bộ hồ sơ mua bán cổ phần với bà Phấn, tôi không nghe gì về việc căn nhà được bán với giá cao gấp 8 lần giá trị thực tế như vậy. Tôi chưa bao giờ tiếp nhận căn nhà có giá lên tới 1.268 tỉ đồng. Khi thẩm định giá lại, tôi thấy bàng hoàng.

Trả lời về vấn đề này, Phan Thành Mai – nguyên TGĐ ngân hàng Xây dựng cho rằng để giúp thanh khoản, Phạm Công Danh phải bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, nhưng không bán được vì giá trị trên sổ sách của căn nhà quá cao, trong khi thẩm định giá thì lại quá thấp nhưng giá trị thẩm định tương đương giá thị trường”.

Phan Thành Mai khẳng định trước Hội đồng xét xử: “Là người có mặt trong tất cả các vụ án liên quan đến NH Đại Tín thì đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến chúng tôi có động cơ dẫn đến sai phạm”.

Mặc dù trước toà, các bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT) và Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc) đều cho rằng “thấy người ta ký thì mình ký”. Tuy nhiên, điều này chưa thực sự thuyết phục bởi cả hai đều là những người làm việc lâu năm trong ngành ngân hàng thế nên việc để bà Hứa Thị Phấn lừa dễ dàng như vậy là rất khó xảy ra.

Từ đó dẫn đến việc dư luận đang nghi ngờ đã có “đi đêm” giữa những người này với bà Hứa Thị Phấn để đưa Phạm Công Danh vào gánh khoản nợ hơn 6.000 tỷ đồng mà bà Phấn đã chiếm đoạt, qua đó đẩy ông này vào tù./.

Đọc thêm