Bản án cho 'nữ quái' chế rượu độc làm hại não nam thực khách

(PLO) - Nguyễn Thị Hảo sản xuất rượu bằng cách pha trộn cồn, nước… bán ra thị trường. Do không biết trong rượu của Hảo có chứa Methanol, một người tiêu dùng sử dụng nên bị ngộ độc, phải đi viện cấp cứu.
Bản án cho 'nữ quái' chế rượu độc làm hại não nam thực khách

TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Nguyễn Thị Hảo (SN 1980, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) ra xét xử về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

“Hô biến” nước lã, rượu sắn, cồn thành rượu

Theo cáo trạng, đầu năm 2016, Nguyễn Thị Hảo xây dựng lán trại tại thôn Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) để làm nơi sản xuất, pha chế rượu. Để đựng rượu thành phẩm, Hảo mua các loại can nhựa từ 5 lít đến 20 lít, các vỏ chai nhựa, vỏ chai rượu Hà Nội tại các cửa hàng phế liệu. Sau đó, Hảo thuê chị Nguyễn Thị Tiến (cùng địa phương) xúc, rửa, vệ sinh các loại chai mua từ cửa hàng phế liệu về.

Về tem nhãn, Hảo thuê anh Lưu Đức Trường (ở Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) in các loại tem nhãn: “Rượu gia truyền - Rượu Duy Hảo Nếp Ngâm hạ thổ”; “Rượu gia truyền – rượu nếp ngâm hạ thổ Duy Hảo”, “Rượu gia truyền – Rượu táo mèo Duy Hảo”; “Rượu chuối hột Duy Hảo”. Trên các loại tem nhãn này, Hảo đều in thông tin địa chỉ nơi sản xuất, số điện thoại, thành phần và dòng chữ: “Đặc biệt đã qua chế độ khử độc tố cho phép trên dây chuyền công nghệ tiên tiến Nhật Bản”. Thực tế, các loại rượu của Hảo được pha chế từ nước lã, cồn…

Theo tài liệu điều tra, trước khi “chế biến rượu theo cách riêng của mình”, Hảo mua rượu trắng loại rượu nấu bằng sắn của anh Đỗ Trọng Quỳnh (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) với giá 7.200 đồng/lít; mua cồn 96 độ của chị Phạm Thị Thanh Dung (ở Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá 13.000 đồng/lít; mua máy bơm nước, thùng phuy nhựa, vỏ thùng sơn loại 20 lít, táo mèo, đường đỏ, gạo nếp lức về nấu thành cơm, ủ với men rượu rồi ngâm với rượu trắng đã pha chế.

Tài liệu điều tra thể hiện, sau khi mua cồn của chị Dung, rượu của anh Quỳnh, Hảo tự pha chế rượu theo tỷ lệ 50 lít rượu, 50 lít cồn và 50 lít nước (lấy từ nguồn nước máy của địa phương). Sau đó, Hảo cho hỗn hợp trên vào thùng phuy, dùng máy bơm hút từ đáy thùng rồi xả lại vào thùng với thời gian khoảng 30 phút để trộn đều nhau. Thành phẩm, Hảo đóng rượu trắng “công thức” này vào chai nhựa 500ml đến 20 lít. 

Đối với rượu nếp hoặc rượu táo mèo “công thức”, Hảo san chiết ra chai thủy tinh rồi dán tem vào chai của từng loại. Sau đó, Hảo giao bán rượu với mức giá từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/chai rượu trắng, 8.000 đồng đến 10.000 đồng/chai rượu nếp hoặc táo mèo cho các quán cơm, cửa hàng tạp hóa tại khu vực quận Hà Đông, quận Đống Đa, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Trong số khách hàng của Hảo có chị Nguyễn Thị Lan – chủ một quán bún ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Quá trình bán hàng ăn, chị Lan thường nhập lẻ rượu trắng của Hảo để bán cho khách đến ăn bún, phở. 

Nhập viện vì 2 chén rượu

Theo cáo trạng, ngày 28/2/2017, Hảo giao bán cho chị Lan 5 chai rượu đựng trong chai nhựa lavie loại 500ml. Đến khoảng 17h30 cùng ngày, anh Nguyễn Minh Khương cùng vợ con tới quán của chị Lan ăn uống. Quá trình ăn phở bò, anh Khương có gọi rượu trắng – loại rượu do Hảo bán cho chị Lan và uống hai chén. Sau khi ăn uống xong, vợ chồng anh Khương về phòng trọ gần cổng Bệnh viện Nhi. Khoảng 30 phút sau, anh Khương thấy nhức gáy, gai người, nổi da gà. Tuy nhiên, anh Khương không đi bệnh viện mà nằm ngủ. 

Đến khoảng 2h ngày 1/3/2017, thấy anh Khương mệt hơn, bị choáng nên người thân vội đưa anh vào Bệnh viện Giao thông Vận tải cấp cứu trong tình trạng hôn mê, da xanh, niêm mạc hồng nhạt… Tại đây, bệnh nhân Khương được chẩn đoán, xác định ngộ độc cấp Methanol. Theo bản kết luận giám định pháp y thương tích của Trung tâm pháp y – Sở Y tế Hà Nội, anh Khương bị tổn hại 35% sức khỏe do tổn thương não vùng nhân bèo thủy trán hai bên. 

Bị mời lên làm việc, Nguyễn Thị Hảo khai nhận hành vi sản xuất rượu tại địa phương chị ta sinh sống. Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hảo đã bồi thường cho anh Khương số tiền hơn 20 triệu đồng gồm chi phí khám, điều trị do bị ngộ độc và tiền mất thu nhập ngày công lao động.

Ngoài ra, theo cáo trạng, trong giai đoạn điều tra vụ án, Cơ quan điều tra còn xác định cùng thời gian trên, tại TP Hà Nội còn có 4 vụ ngộ độc rượu chứa thành phần chất Methanol. Trong đó, có vụ ngộ độc xảy ra hồi 18h30’ ngày 20/2/2017 tại quán cơm thuộc phường Mỗ Lao (Hà Đông) gây hậu quả nặng nề, khiến anh Nguyễn Ngọc Giao tử vong vào ngày 9/3/2017; Vụ ngộ độc rượu xảy ra hồi 13h ngày 8/3/2017 tại Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) khiến 9 sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở Cầu Giấy) bị ngộ độc do uống rượu có chứa Methanol…

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh nhưng do các nạn nhân trong các vụ ngộ độc đã tử vong hoặc không hợp tác hoặc chưa xác định được chính xác nơi mua bán rượu có chứa chất Methanol và người cung cấp rượu có chứa Methanol đã để xảy ra 4 vụ ngộ độc trên. Do hết thời hạn điều tra nên cơ quan điều tra đã quyết định tách rút tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra, khi nào xác định rõ sẽ xử lý sau.

Vừa qua, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Hảo ra xét xử sơ thẩm về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tại tòa, Nguyễn Thị Hảo khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên bị cáo Hảo 18 tháng tù theo đúng tội danh bị truy tố. 

Đọc thêm