'Bận' điều trị bệnh tâm thần, giám đốc chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng vắng mặt tại phiên tòa

(PLO) - TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Đỗ Xuân Hai (SN 1962, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu) ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan tới vụ án này còn có 11 người khác cũng bị đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong các hoạt động tổ chức tín dụng. 
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Tuy nhiên, phiên tòa đã phải tạm hoãn do bị cáo Hai phải điều trị bệnh tâm thần. Ngoài ra, một số luật sư tham gia phiên tòa cũng có đơn xin hoãn phiên tòa.

Theo cáo trạng, Công ty Đức Hiếu thành lập từ năm 2003, vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Quá trình hoạt động, công ty này có quan hệ tín dụng với Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) từ năm 2008.

Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến tháng 4/2011, Hai cùng Nguyễn Trọng Năm (SN 1965, chủ doanh nghiệp tư nhân Năm Hường), Đỗ Quang Bình (SN 1976, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình) đã thực hiện hành vi lập khống chứng từ hàng hóa là ngô, sắn làm tài sản đảm bảo, thế chấp VIB chi nhánh Nguyễn Huệ.

Giúp sức cho nhóm của Hai là Bùi Đắc Liệu (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH Đức Linh) và Đỗ Xuân Trường (SN 1981, chủ danh nghiệp tư nhân Hùng Liên)…

Theo đó, do cần tiền trả nợ và sử dụng vào nhiều mục đích khác, Đỗ Xuân Hai đã đề nghị VIB chi nhánh Nguyễn Huệ gia tăng hạn mức tín dụng từ 95 tỷ đồng lên 115 tỷ đồng và ký hợp đồng tín dụng. Phía ngân hàng chấp thuận cho Công ty Đức Hiếu vay vốn và giải ngân qua 62 khế ước nhận nợ, tổng số tiền hơn 219 tỷ đồng.

Công ty Đức Hiếu đã trả được một phần nợ, đến tháng 4/2012 còn dư nợ 109 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán. Sau này, Công ty Đức Hiếu đã bán tài sản bảo đảm bao gồm hàng hóa trong kho, 3 xe ô tô và 4 bất động sản để trả nợ cho ngân hàng. Đến nay không còn khả năng thanh toán số tiền nợ gốc là hơn 79 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, Đỗ Xuân Hai khai nhận để thực hiện việc rút tiền của ngân hàng đã chỉ đạo Bùi Văn Hợp (em rể) lập khống chứng từ mua bán hàng hóa là ngô, sắn; lập khống các biên bản giao nhận hàng hóa thế chấp để hoàn thiện hồ sơ vay tiền. Thực tế, Công ty Đức Hiếu có kinh doanh các mặt hàng ngô, sắn nhưng chỉ có lượng hàng nhỏ, mua lẻ của cá nhân. Hàng hóa là ngô, sắn nhiều nhất trong kho chỉ khoảng 5.000 tấn. Việc ký kết hợp đồng thuê bảo vệ hàng hóa thế chấp chỉ là hình thức.

Cũng theo lời khai của Hai, đối với số tiền được rút ra từ ngân hàng thông qua việc ngân hàng giải ngân vào doanh nghiệp tư nhân Hùng Liên, Công ty TNHH Đức Linh, tài khoản của Công ty Đức Hiếu…, ông ta sử dụng một phần để trả nợ của các khế ước đã vay, trả tiền vay ngoài xã hội và chi tiêu cá nhân.

Theo cáo trạng, trong vụ án này, phía cán bộ ngân hàng đã không thực hiện đúng việc thẩm định hàng hóa thế chấp, kiểm tra, đánh giá tài sản là hàng hóa tồn kho luân chuyển./.

Đọc thêm