Bi hài 10 người hầu kiện vì nhầm heo nhà là heo rừng

(PLO) - Một vụ kiện hy hữu “tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản” xảy ra khi một nhóm người bắt “heo rừng” nhà hàng xóm ăn thịt. Khi bị khổ chủ bắt đền, nhóm người này chỉ nhất định bồi thường tiền phần thịt heo mình đã ăn. Phần khách mời hôm đó đến dự, thì người tổ chức sòng nhậu nhất quyết không chịu trả tiền vì lý do “không ăn nên không trả”. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Tưởng nhầm heo nhà là “heo rừng”

Nguồn gốc con heo giống lai rừng được gia đình nguyên đơn (ngụ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) mua từ tỉnh Gia Lai về từ mấy năm trước. Chắt chiu chăm sóc từng ngày, con heo lai rừng chỉ lúc đầu chỉ to bằng vài nắm tay giờ đã nặng đến vài chục ký.

Bản tính loài heo lai rừng thường thích “đi hoang”, dù được nuôi nhốt kỹ càng trong chuồng, nhưng lâu lâu chú heo lại tìm cách sổng chuồng, lủi vào vườn nhà hàng xóm đào đất phá phách.

Hôm đó, vợ chồng nguyên đơn có việc phải về thành phố Huế, không ngờ con heo rừng lai này sổng chuồng, rồi chạy qua vườn nhà khác phá rau. Sáng hôm sau, nguyên đơn nhận được điện thoại “khẩn” từ quê nhà, hỏi heo trong chuồng có bị xổng không, coi chừng nhà hàng xóm bắt nhầm.

Nguyên đơn hốt hoảng, bảo đang ở thành phố chưa về, nên chẳng biết con heo nhà mình có còn trong chuồng không. Chưa kịp nhờ cậy người hàng xóm ghé ngang nhà để xem xét thì anh này đã tắt máy điện thoại.

Chiều hôm đó, vợ chồng nguyên đơn vội vã trở về quê. Khi anh này lật đật ra sau nhà thì thấy chuồng heo trống không. Đứa cháu mách, heo đã bị nhà hàng xóm giết thịt mất rồi. Vợ chồng nguyên đơn lại lật đật chạy sang nhà ông hàng xóm, thì thấy đang tụ tập rất nhiều người ăn uống, hát hò với nhau.

Bà hỏi, thì chủ nhà (sau này là bị đơn trong vụ kiện) thừa nhận có bắt được một con “heo rừng” nặng 43 kg. Tại nhà ông này vẫn còn giữ phần đầu con heo. Nguyên đơn vào xem, nhận dạng đúng là “mặt” con heo nhà mình. Một người trong nhóm làm thịt heo hôm đó có dùng điện thoại di động chụp ảnh lại cảnh làm thịt heo trước đó, nhưng sau khi đưa cho “khổ chủ” xem xong thì đã xóa mất ảnh.

Nói về chú heo lai “số khổ”. Sau khi sổng chuồng liền tót sang vườn nhà hàng xóm phá rau. Chú heo liền bị chủ vườn rau cùng một nhóm người trong thôn vây bắt rồi mổ thịt, ăn uống linh đình. Ngoài ra, nhóm người này còn mời thêm một số bạn bè đến cùng ăn uống “chung vui”.

Bức xúc vì con heo mình chăm chút bao lâu nay lại bị hàng xóm “ăn không”, khổ chủ tá hỏa “đi đòi công bằng”. Anh yêu cầu nhóm người đã xẻ thịt con heo phải đền lại giá trị con heo từ 4 triệu đồng trở lên. Nhóm người kia sau khi cãi vã, cũng thừa nhận sự việc, nhưng lại không chịu bồi thường, vì cho rằng con heo kia cũng có “tội” vì đã vào phá hoại vườn rau. 

Việc thương lượng giữa các bên bất thành, buộc nguyên đơn phải đưa vụ việc đến UBND xã yêu cầu chính quyền đứng ra giải quyết. Chính quyền địa phương phải triệu tập các bên đến hòa giải nhiều lần nhưng vụ việc vẫn không ngã ngũ.

Quá trình hòa giải, nhóm người mổ heo đồng ý bồi thường, nhưng chỉ với số tiền tổng cộng là 2,4 triệu đồng. Lý do nhóm người này đưa ra là họ không chịu bồi thường “phần” của những người khách mời đã cùng tham gia ăn uống hôm đó. Ý kiến này khiến chủ heo cho rằng vô cùng tức giận.

Do quá bức xúc trước việc “trốn tránh trách nhiệm” của nhóm người trên, khổ chủ tìm đến nhà người đã bắt heo mình mổ thịt để “nói lý lẽ”. Hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến gây gổ, rồi xảy ra xô xát. Hậu quả, người mất heo lại còn bị phạt vi phạm hành chính 1 triệu đồng.

Ba quan điểm “định giá”

Đã “mất toi” con heo, lại phải đóng phạt vì tội gây rối trật tự công cộng, trong khi bản thân phải lên lên xuống xuống ủy ban xã không biết bao nhiêu lần nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, khổ chủ quyết định gửi đơn đến TAND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), khởi kiện ra tòa. 

Ông yêu cầu những người bắt heo nhà mình rồi xẻ thịt ăn uống phải liên đới bồi thường. Nếu lúc hòa giải ở ủy bản, ông chủ heo chỉ yêu cầu bồi thường 4 triệu đồng, thì giờ ra tòa lại khác. Theo nguyên đơn, thời điểm mua con heo giống, giá một kg là 200 nghìn đồng.

Heo nhà ông nặng 43 kg, theo giá như vậy các bị đơn cần phải liên đới bồi thường cho ông số tiền tương đương 8,6 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó thông qua các chứng cứ, tòa xác định giá heo lai ngoài thị trường có giá 150 ngàn đồng/1kg, nên nguyên đơn yêu cầu phải bồi thường 6,45 triệu đồng.

Quá trình tòa án thụ lý giải quyết, nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng hai bên nguyên đơn và các bị đơn vẫn không đi đến được thỏa thuận, do đó tòa án mở phiên tòa đưa vụ án dân sự ra xét xử. Phía bị đơn trong vụ án có tất cả 10 người.

Theo các bị đơn, do sống ở miền núi, nên việc lợn rừng về phá hoại hoa màu của bà con rất thường xuyên. Sáng hôm đó, một bị đơn phát hiện có một con lợn rừng giống đực về ở phía sau lưng vườn nhà mình, nên ông cùng 9 người khác vây bắt, đánh chết lợn rừng.

Sau khi bắt được lợn, bà con nói lợn rừng về phá hoại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đã đánh chết thì nên làm thịt kẻo lãng phí, nên đưa đến nhà một người trong nhóm để xẻ thịt. 

Heo mổ ra, bán một phần được 1 triệu đồng, chia mỗi nhà một ít, còn lại đưa sang một nhà khác ăn uống, liên hoan với nhau. Sau khi nguyên đơn thông báo mất lợn, mọi người đồng ý góp tiền, được 3 triệu đồng để hỗ trợ cho bên mất lợn, nhưng nguyên đơn không chịu, đòi tiền nhiều hơn. Theo các bị đơn, số tiền nguyên đơn khởi kiện đòi bồi thường là không có căn cứ, không thể chấp nhận.

Theo những bị đơn này, họ chấp nhận hỗ trợ 3 triệu đồng là dựa trên cơ sở “tình người”, “xót người mất của”, là trên “tinh thần nhân văn” để phía bị đơn mua lại con giống, chứ không phải chấp nhận đền bù.

Nhiều bị đơn nói, mình không hề hay biết nguyên đơn có nuôi một con heo lai rừng, khi mổ thịt, lại thấy xương heo rất cứng, lông dài và da rất dày, nên cho rằng đây là heo rừng.

Tòa phân xử ra sao?

Trong vụ án này, tòa cho rằng căn cứ vào các chứng cứ đã điều tra, xác minh, thu thập được tại hồ sơ vụ án, căn cứ vào những lời khai của những người tham gia tố tụng được thẩm tra tại phiên tòa: Việc gia đình nguyên đơn mất một con heo lai rừng là có thật; Việc các bị đơn cùng nhau bắt heo mổ thịt cũng là có thật. 

Sau khi vây bắt heo, một người trong nhóm bị đơn đã gọi điện cho nguyên đơn để xác minh có phải là heo của anh này không, chứng tỏ trong số người vây bắt đã có người nghi ngờ có thể nhầm lẫn giữa lợn rừng và lợn khác. Lẽ ra khi nghi ngờ, phải báo chính quyền để xử lý, chứ không phải chiếm hữu tài sản của người khác bằng cách xẻ thịt, ăn uống.

Một bị đơn đã ghi lại hình ảnh mổ heo, nhưng sau đó lại xóa ảnh. Lẽ ra ông này phải giữ lại các bức ảnh để các bên có cơ sở xem xét các đặc điểm của con heo, làm cơ sở giải quyết vụ việc có lý có tình, thì ông này lại xóa đi làm mất dấu vết là thiếu thiện chí.

Một bị đơn khi làm việc với chính quyền có khai: “Không biết là heo rừng hay heo của ai hết nên mới bắt làm thịt”, cho thấy sau khi chính quyền giải quyết, cũng không xác định được đó là heo rừng hay heo thuộc sở hữu của ai. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, một số hộ dân cho biết có việc heo của nguyên đơn thường sổng chuồng phá vườn.

Sáng hôm con heo của nguyên đơn sổng chuồng, có vào vườn một người dân, họ thấy con heo này không có răng nanh, lại không sợ người, cho nên biết đây không phải là heo rừng. Sau khi một nhóm người giết thịt heo, thì không thấy con heo này xuất hiện phá hoa màu và về khu dân cư nữa. Do đó, theo tòa, các bị đơn cho rằng đã bắt lợn rừng là không có cơ sở.

Việc các bị đơn bắt heo không có sự bàn bạc, trao đổi mà do nhầm lẫn nên có lỗi vô ý nên cần giảm một phần bồi thường tương ứng với 10%. Việc nguyên đơn nuôi heo lại để xổng chuồng phá hoa màu nên cũng có một phần lỗi, nên cũng phải giảm 10% mức bồi thường. Do đó, các bị đơn cần phải liên đới bồi thường 5,16 triệu đồng cho người mất heo.

 “Từ vụ án này, không chỉ những người trong cuộc mà tất cả mọi người có thể rút ra cho mình bài học về nhiều điều. Đó là phải cẩn thận trong bảo quản tài sản, trong đó bao gồm cả việc quản lý vật nuôi, không để vật nuôi của mình phá hoại tài sản của người khác.

Đối với các bị đơn, lẽ ra tuyệt đối không nên có hành vi xẻ thịt heo của người khác để cùng ăn uống như nêu trên, vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, rất dễ gây bức xúc cho người mất tài sản, gây bất ổn cho cộng đồng, xã hội. Sau khi sự việc đã “lỡ”, lại không có thiện chí sửa sai, bồi thường mà còn “cãi chày cãi cối”, dẫn đến bức xúc, xô xát”, một thẩm phán TAND huyện A Lưới chia sẻ.

Vẫn lời vị thẩm phán: “Trong vụ án này, hệ lụy từ việc bức xúc, xô xát may mà chỉ “dừng lại” ở mức độ xử phạt hành chính. Nếu “lỡ” một bên gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe hay có thể thiệt hại về tính mạng cho bên kia trong khi xô xát, thì hậu quả sẽ rất đau đớn, nặng nề.

Quá trình giải quyết vụ án, chúng tôi đã phân tích rõ cho các bên đương sự điều này, và cũng là lời nhắc nhở chung, để tất cả mọi người phòng tránh được những sự việc đáng tiếc trong cuộc sống, cùng giữ gìn trật tự trị an tại địa phương”.

Đọc thêm