Bị nghi ngoại tình, vợ ra tòa chỉ nói “có nỗi khổ riêng”'

(PLO) - Sau mười năm chung sống, có chung hai mặt con thì anh chị sứt mẻ tình cảm phải kéo nhau ra tòa. Chồng tố vợ ngoại tình, đã khuyên răn nhưng không được. Lạ rằng người vợ mặc dù kháng cáo nhưng nhất định không nói ra nguyện vọng bản thân, chị chỉ khóc mà nói “có nỗi khổ riêng”.
Bị nghi ngoại tình, vợ ra tòa chỉ nói “có nỗi khổ riêng”'

Nguyên đơn trong vụ ly hôn trên là anh Tạ Văn Hạnh (SN 1977, ngụ huyện Quốc Oai), người vợ kém chồng một tuổi. Cả hai đã có hai con chung, kinh tế gia đình ổn định nhưng không thể tiếp tục chung sống. Lí do họ ly hôn cũng “khó hiểu”, chỉ là chồng nghi ngờ vợ ngoại tình, còn người vợ nhất quyết không thanh minh.

Bố mẹ mất sớm nên chị sớm sống cảnh côi cút từ nhỏ. Học hành dang dở, cuộc sống của chị trông chờ cả vào ba sào ruộng gia đình để lại. Chị còn phải nuôi bà ngoại nay đã gần 90 tuổi. Lớn lên, chị quen biết với anh nhân viên bưu điện cách nhà 4km, hai người nên duyên vợ chồng. Lấy nhau từ năm 2003, hai người sống với gia đình bên nội. Hai đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng chưa từng nói nặng lời.

Nhưng 10 năm sau, cuộc sống gia đình bắt đầu rạn nứt. Anh phát hiện điện thoại của vợ có nhiều tin nhắn từ số lạ. Hàng xóm nhiều lần dị nghị chị có “quan hệ ngoài luồng”. Anh nói đã hết lời khuyên can vợ song không có kết quả.

Năm 2015, vợ chồng ly thân, chị về sống một mình tại nhà do bố mẹ để lại. Nửa tháng chị nuôi con, nửa tháng còn lại gửi con về nhà chồng để đi làm xa. Sau một thời gian không thấy vợ nhận lỗi, người chồng làm đơn ra tòa. Tòa án huyện Quốc Oai chấp thuận cho cả hai ly hôn, giao các con cho bố nuôi dưỡng.

Không đồng tình, chị làm đơn kháng cáo giành quyền nuôi con. HĐXX đã cho hai vợ chồng đối thoại: Trong khi anh trình bày nghe nhiều người nói chị đi với người này người kia nhưng sẵn sàng bỏ qua. Còn chị nói bị bố chồng đuổi đánh nên không dám về: “Tôi đã cho cô ấy rất nhiều cơ hội nhưng vẫn vậy”- Anh nói. Chị im lặng khóc rồi nói “tôi có nỗi khổ riêng”. 

Nhiều lần đề nghị người vợ bày tỏ nỗi niềm nhưng không được, tòa đồng ý cho vợ chồng tạm nghỉ 15 phút để nói chuyện nhưng chị từ chối. “Vậy tòa sẽ mời anh ra để chị trình bày nỗi khổ với HĐXX”, chủ tọa nói. Chị lắc đầu. “Chị có muốn nói riêng với vị đại diện VKS không?”, nữ chủ tọa hỏi. Người phụ nữ chỉ khóc rồi im lặng. Trước tình huống này, HĐXX chỉ biết lắc đầu “bó tay”.

Suốt phiên tòa, chị chỉ khóc nhưng không đưa được câu trả lời nào thuyết phục. Chủ tọa công bố nguyện vọng hai đứa trẻ không muốn bố mẹ ly hôn. Nhưng nếu được lựa chọn thì chúng ở với bố để ổn định việc học tập.

“Điều này khiến chúng tôi rất đau lòng. Đã nhiều lần chúng tôi giải thích, hòa giải nhưng chị từ chối. Tòa án đã tạo điều kiện hết mức cho vợ chồng chị. Giả sử hai người ly hôn, sau này còn tình cảm vẫn có thể làm lại. Không bao giờ là hết cơ hội...”, HĐXX phân tích.

Nhận thấy hai người không thể hàn gắn, HĐXX phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nghe tòa tuyên xong, người phụ nữ nức nở: “có ai khổ như tôi không, sinh con ra, giờ không được nuôi đứa nào”. Mặc dù được anh trấn an hàng tuần sẽ đưa con về với mẹ nhưng chị xua đi.

Được cán bộ tòa án giải thích rất nhiều song chị không nghe. Phiên tòa kết thúc khá lâu nhưng anh vẫn kiên nhẫn chờ chị bình tĩnh, động viên. Thậm chí, sợ có chuyện không hay, anh đề nghị vợ cũ gửi xe máy lại để anh chở về. “Tôi không cần”- chị tức giận đáp lại.

Đọc thêm