'Bộ sậu' lập khống dự án trồng rừng ra trước vành móng ngựa

(PLO) -TAND Tp Hà Nội đã quyết định mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 'bộ sậu' lập khống dự án trồng rừng ở Nghệ An để chiếm đoạt hơn 863 tỷ đồng.
'Bộ sậu' lập khống dự án trồng rừng ra trước vành móng ngựa

Phiên tòa được mở vào hôm nay (12/4), tại trụ sở TAND Tp Hà Nội. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.

11 bị cáo trong vụ án được đưa ra xét xử bao gồm Trịnh Khánh Hồng (sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng - Công ty Tân Hồng); Đỗ Đức Hưng (sinh năm 1956, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank, Chi nhánh Hồng Hà); Trương Đăng Dần (sinh năm 1974, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Agribank Chi nhánh Hồng Hà); Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1963, Kế toán trưởng Công ty Tân Hồng); Đỗ Thị Minh Hiền (sinh năm 1968, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Agribank Chi nhánh Hồng Hà); Đinh Văn Hải (sinh năm 1972, nguyên Giám đốc Công ty Đức Hùng); Trần Hữu Tuân (sinh năm 1974, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giang Linh); Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 1974, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thái An); Đỗ Hữu Bách (sinh năm 1973, nguyên Giám đốc Công ty Đức Hùng); Nguyễn Văn Thúy và Đinh Minh Đạo (cùng là cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Hồng Hà) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.”

Theo cáo trạng, năm 2009, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và chủ trương, chính sách của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, của Agribank Việt Nam, Trịnh Khánh Hồng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hồng đã lập dự án, lập hồ sơ vay vốn 20,5 triệu USD (tương đương hơn 380 tỷ đồng) của Ngân hàng Agribank để trồng rừng nguyên liệu.

Khi đã vay được vốn, Hồng đã lập khống 965 chứng từ chi tiền cho các hộ dân để trồng rừng. Còn số tiền dự án, Hồng dùng cho mục đích riêng.

Đến nay, Hồng không còn khả năng thanh toán toàn bộ số tiền hơn 380 tỷ đồng vay của ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, để có tiền trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân, Trịnh Khánh Hồng cùng với đồng phạm trong vụ án đã sử dụng các chứng thư bảo lãnh không hợp pháp, q chiếm đoạt các doanh nghiệp hơn 281 tỷ đồng, cấu kết với một số doanh nghiệp khác lập hồ sơ khống để vay vốn ngân hàng nhằm mục đích trả các khoản nợ cũ, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.

Tổng cộng, Trịnh Khánh Hồng và các đồng phạm đã chiếm đoạt của ngân hàng và đối tác số tiền hơn 863 tỷ đồng.

Trong vụ án này, năm bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Chi nhánh Hồng Hà mặc dù biết rõ công ty của Trịnh Khánh Hồng khó khăn về tài chính, không có tiền trả nợ đến hạn nhưng vì mong muốn không phát sinh nợ xấu để không bị kỷ luật nên đã ký các bảo lãnh để Hồng đi huy động vốn lấy tiền trả nợ cho ngân hàng.

Đọc thêm