Cặp đôi người ngoại quốc lừa đảo qua điện thoại sa lưới tại Việt Nam

(PLO) - Giả danh công an, cán bộ của VKSND, những kẻ lừa đảo gọi điện cho bị hại thông báo họ đang bị điều tra vì liên quan tới đường dây tội phạm. Sợ hãi, nhiều người đã vội vã chuyển hàng trăm triệu đi mà không biết mình bị lừa.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa Tan Shi Ren (Đàm Thi Nhân, SN 1984) và Zhao Xiao Mei (Triệu Tiểu Mỹ, SN 1980), quốc tịch Trung Quốc ra xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên Nhân 13 năm, Mỹ 9 năm tù về tội danh trên.

Chuyển khoản hàng trăm triệu sau cuộc gọi từ số máy lạ

Theo cáo buộc, sáng 24/8/2016, bà Trần Thị Tường Minh (ở Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +1680040, gọi vào di động cầm tay của mình. Ấn nút nghe, bà Minh được người kia cho biết tên là Nam Phương – Công an điều tra tỉnh Quảng Ninh. Nam Phương thông báo số chứng minh nhân dân của bà Minh bị các đối tượng xấu sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Sau đó, người này cho bà Minh nói chuyện với người đàn ông tên Trần Quốc Tuấn, tự xưng là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh. Tuấn yêu cầu bà Minh không được nói chuyện với ai về cuộc gọi này và kê khai tài sản hiện tại mà người phụ nữ này đang có. Sợ hãi, bà Minh răm rắp làm theo. Khi biết bà Minh có nhiều sổ tiết kiệm với tổng tài sản hơn 1 tỷ đồng, người tự xưng Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh kia yêu cầu bà Minh rút 2 sổ tiết kiệm, gửi cho chúng 600 triệu đồng. Không chút nghi ngờ, bà Minh vội vã làm theo. 

Bị hại tiếp theo của nhóm tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua điện thoại trên là chị Ngô Thị Kim Dung (ở quận Long Biên, Hà Nội). Theo cáo buộc, khoảng 9h ngày 26/8/2016, chị Dung thấy điện thoại bàn của gia đình đổ chuông nên nhấc máy. Sau vài lời xã giao, chị Dung được người gọi đến cho biết bản thân là nhân viên bưu điện. Người này gọi tới để thông báo cho gia chủ biết chị có đăng ký một số điện thoại bàn ở Móng Cái (Quảng Ninh), hiện đang nợ cước gần 9 triệu đồng. Nghe vậy, chị Dung khẳng định không có chuyện đó. 

Dứt lời, chị Dung được người kia nói chuyển máy cho công an tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, chị Dung thấy có giọng nói khác, tự xưng là Trung úy Nguyễn Lan Phương hỏi chị có làm mất chứng minh thư hay không. Sau câu trả lời có, chị Dung bị Phương cáo buộc số chứng minh nhân dân của chị bị hai nhân viên ngân hàng bán cho thanh niên mang tên Nguyễn Quang Dũng sử dụng mua bán ma túy và những người liên quan này đã bị bắt giữ. 

Sau đó, Phương hỏi chị Dung có bao nhiêu sổ tiết kiệm. Biết thiếu phụ có 7 quyển với tổng tài sản gần 1 tỷ đồng, Phương liền dùng số điện thoại +0009533658619, gọi vào số di động chị Dung vừa cho để lấy lời khai. Quá trình nói chuyện, chị Dung tiếp tục bị những kẻ lừa đảo kia dùng số điện thoại +1680040 gọi tới xưng là cán bộ VKSND tỉnh Quảng Ninh. Sau cuộc nói chuyện chị Dung đã chuyển 280 triệu đồng vào tài khoản do chúng cung cấp… 

Ngoài bà Minh, chị Dung, nhóm người trên còn tiếp tục lừa đảo bà Trịnh Minh Nguyệt (ở Nha Trang) số tiền hơn 150 triệu đồng thông qua những thủ đoạn trên. 

Hai kẻ lừa đảo sa lưới tại  Việt Nam

Sau khi chuyển tiền đến tài khoản mà những người tự xưng là công an, cán bộ VKSND tỉnh Quảng Ninh được ít lâu, các bị hại mới phát hiện mình bị lừa nên vội vã tới cơ quan công an trình báo. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định Nhân, Mỹ và nhiều đồng bọn (chưa xác minh được lai lịch) là người tổ chức các phi vụ lừa đảo trên. Trong đó, Nhân chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, Mỹ chiếm đoạt 600 triệu đồng.

Tài liệu điều tra cho thấy, khoảng tháng 8/2016 khi đang ở Trung Quốc, Nhân tình cờ quen biết với người đàn ông cùng quốc tịch tên Kang (chưa xác định được lai lịch). Quá trình quen biết, Nhân được Kang nhờ tìm người Việt Nam có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để chuyển tiền vào, sau đó rút ra chuyển cho Kang. Theo đó, Nhân được Kang trả cho 1% trên tổng số số tiền rút được.

Nhân đồng ý và mượn tài khoản của anh Lăng Văn Hoàng (người Việt Nam, bạn làm ăn với Nhân) để nhận và rút tiền. Nhân hứa sẽ chia đôi số tiền công anh ta nhận được từ ông chủ người Trung Quốc cho anh Hoàng. Khi được anh Hoàng thông báo có 300 triệu đồng từ người gửi là Trần Thị Tường Minh, chiều 24/8, Nhân nhập cảnh vào Việt Nam gặp anh Hoàng lấy tiền. Sau vài lần nhập cảnh vào Việt Nam để lấy tiền từ các bị hại theo yêu cầu của Kang, ngày 30/8/2016, Nhân bị bắt giữ. Trước đó một ngày, Triệu Tiểu Mỹ cũng bị bắt giữ.

Tại cơ quan điều tra, Mỹ khai được anh trai tên Triệu Vỹ Trung (SN 1978, ở Quảng Tây, Trung Quốc) nhờ tìm người Việt Nam mở tài khoản để nhận tiền, rút tiền phi pháp. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT – CA TP Hà Nội đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp đến VKSND Tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa mời ghi lời khai của Triệu Vỹ Trung để thu thập tài liệu liên quan đến vụ án nhưng hiện chưa có kết quả nên chưa đủ căn cứ xác định vai trò của Trung trong vụ án.

Đối với những đối tượng khác liên quan trong vụ án từ lời khai của Nhân, Mỹ, do chưa đủ tài liệu xác định nhân thân và hành vi các đối tượng nên cơ quan chức năng quyết định tách rút hồ sơ, xử lý sau. Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND Hà Nội đã tuyên Nhân và Mỹ mức án trên. 

Đọc thêm