Cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng lĩnh 6 năm tù, bồi thường hơn 150 tỷ đồng

(PLVN) - Cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng, cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, Tòa cũng tuyên phạt bị cáo Hồng bồi thường cho BHXHVN số tiền hơn 150 tỷ đồng.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Sau khoảng 1 tuần xét xử và nghỉ nghị án, chiều 25/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên án 6 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN). 

Theo đó, tòa tuyên ông Lê Bạch Hồng (cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, TGĐ BHXHVN) 6 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

4 bị cáo khác là Nguyễn Huy Ban (cựu TGĐ BHXHVN) và Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng ban Kế hoạc Tài chính kiêm Kế toán trưởng BHXHVN) cùng 14 năm tù, Hoàng Hà (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban kế hoạch tài chính BHXHVN) 7 năm tù và Trần Tiến Vỹ (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Kế hoạch Tài chính BHXHVN) 3 năm tù cùng về tội danh trên.

Bị cáo Trần Thị Thanh Thủy (nguyên là Chuyên viên, sau đó là Phó Trưởng phòng Kế hoạc Tổng hợp, Ban Kế hoạch Tài chính BHXHVN) lĩnh 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

HĐXX tuyên án.
HĐXX tuyên án.

Bởi theo nhận định của HĐXX, tại tòa, về cơ ban, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. 

Theo lời nữ chủ tọa, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của người làm chứng, lời khai của bị cáo tại tòa, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo có hành vi vi phạm như cáo trạng truy tố.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Huy Ban đã ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ đồng không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư gây thiệt hại cho BHXHVN gần 1.300 tỷ đồng. 

Bị cáo Lê Bạch Hồng đã lý và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho ALC II vay vốn không đúng đối tượng, trái quy định Luật Bảo hiểm xã hội, đến nay không thu hồi được. Hành vi của bị cáo Hồng gây thiệt hại cho nhà nước tổng cộng hơn 434 tỉ đồng…

Theo HĐXX, việc truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến sự đúng đắn trong công tác quản lý tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin với quần chúng nhân dân, gây mất uy tín của BHXHVN… 

Cựu thứ trưởng Lê Bạch Hồng bị tuyên 6 năm tù
Cựu thứ trưởng Lê Bạch Hồng bị tuyên 6 năm tù

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Huy Ban giữ vai trò chính, hành vi gây hậu quả đặc biệt lớn, phạm tội 2 lần trở lên. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác… nên bị tuyên mức án trên.

Bị cáo Lê Bạch Hồng giữ vai trò sau bị cáo Ban, gây hậu quả đặc biệt lớn. Bản thân bị cáo Hồng được tặng thưởng nhiều huy chương… Do đó, HĐXX cựu Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH mức án 6 năm tù nêu trên.

Bị cáo Nguyễn Phước Tường là người khởi xướng, giữ vai trò xuyên suốt. Bị cáo Tường là người tham mưu cho các đời TGĐ BHXH, được tặng thưởng nhiều huân huy chương. Bị cá Hoàng Hà phạm tội với vai trò đồng phạm, thực hiện hành vi cố. Hành vi của bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tại tòa, bị cáo Hà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có quá trình công tác tốt… Do đó, HĐXX căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tuyên các bị cáo mức án nêu trên.

Về dân sự, HĐXX xác định thiệt hại trong vụ án là gần 1.700 tỷ đồng. Do đó, tòa tuyên buộc Agribank phải bồi thường số tiền hơn 800 tỷ đồng cho BHXHVN. Số tiền còn lại hơn 85 tỉ đồng, HĐXX buộc các bị cáo Ban, Hồng, Hà, Tường và Vỹ phải liên đới bồi thường do các bị cáo phạm tội cố ý. 

Theo cáo trạng, BHXHVN được sử dụng nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ bảo hiểm để thực hiện các biện pháp đầu tư, tăng trưởng. Việc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội được thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Quyết định số 41 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam… 

Ngày 25/12/2003, ông Lê Văn Sở (TGĐ Agribank) và ông Nguyễn Huy Ban (TGĐ BHXHVN) ký thỏa thuận hợp tác đồng ý cho Agribank, các chi nhánh cấp I và các công ty thuộc Agribank vay vốn. Agribank chịu trách nhiệm toàn bộ về việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn của tất cả các hợp đồng do Agribank trực tiếp đi vay, các chi nhánh cấp I, các công ty trực thuộc ký kết với BHXHVN do TGĐ Agribank ký bảo lãnh.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì BHXHVN chỉ được cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại Nhà nước vay vốn. Pháp luật không cho phép ALC II vay vốn của BHXHVN và cũng không cho phép BHXHVN cho ALC II vay vốn. Thế nhưng từ tháng 3/2008 đến tháng 8/2009, Nguyễn Phước Tường, đã chỉ đạo Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà lập 14 Tờ trình đề nghị Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng cho ALC II vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội. 

Sau khi được Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng “thông qua”, Nguyễn Phước Tường đã chỉ đạo Phòng Kế hoạch Tổng hợp liên hệ, soạn thảo hợp đồng, gửi qua email cho ALC II. Khi ALC II ký trước chuyển lại, Phòng Kế hoạch, Tổng hợp kiểm tra trình Nguyễn Phước Tường kiểm tra lại, ký nháy và trình Tổng Giám đốc ký hợp đồng chính thức.

Sau bút phê “đồng ý” của ông Ban và ông Bạch, 14 hợp đồng Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Agribank (ALC II) vay hơn 1.000 tỷ đồng đã được thực hiện. Việc này không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, trái Luật Bảo hiểm xã hội… 

Ngày 31/7/2018, TAND TP.HCM tuyên bố ALC II phá sản. Tính đến nay, Bảo hiểm xã hội chưa thu hồi được nợ gốc và lãi của Công ty ALC II, số tiền hơn 1.700 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi).

Đọc thêm