Đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” có được đổi tội danh?

(PLO) - Đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” . Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị thay đổi tội danh thành “Sử dụng trái phép tài sản” theo điều 142 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Các bị cáo tại trong buổi xét xử.
Các bị cáo tại trong buổi xét xử.

Ngày 13/9, phiên tòa xét xử  đại gia Tòng Thiên mã lừa đảo chiếm đoạt hơn 147 tỷ đồng của ngân hàng đã bước qua ngày xét xử thứ 4.

Các bị cáo bao gồm: Phan Bá Tòng (44 tuổi, nguyên Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã), Trần Thị Diễm (48 tuổi, nguyên Kế toán trưởng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguyễn Thị Mai (Trưởng Phòng Tín dụng xuất khẩu VDB Chi nhánh Cần Thơ), Lâm Chí Công (Phó Phòng tín dụng xuất khẩu VDB Cần Thơ) và Huỳnh Thanh Trúc (Cán bộ tín dụng VDB Cần Thơ) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cáo trạng lập luận, Phan Bá Tòng đã chiếm đoạt số tiền tại 13 khế ước nhận nợ các hợp đồng tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (tạm gọi là Ngân hàng VDB Cần Thơ) để trả nợ cho các ngân hàng khác và sử dụng mục đích cá nhân.

Để có tiền trả nợ và được ngân hàng cho vay, Tòng đã chỉ đạo Diễm và một số nhân viên Cty lập báo cáo kinh doanh 2009, 2010 từ thua lỗ thành có lãi. Đồng thời, tạo dựng các hợp đồng, chứng từ mua bán nguyên liệu khống để chứng minh mục đích sử dụng vốn, làm tài sản đảm bảo để đề nghị VDB giải ngân.

Theo kết quả điều tra, tất cả các hợp đồng mua bán cá nguyên liệu đều là khống. Những người ký tên đều là người quen của Tòng. Trên thực tế họ không bán cá và không được nhận tiền.

Tại tòa Kiểm sát viên nhận định, trong vụ việc này, Tòng là người chủ mưu, xúi giục, trực tiếp chỉ đạo người khác thực hiện các thủ đoạn gian dối, nên phải chịu trách nhiệm chính.Diễm tuy là đồng phạm nhưng cũng chỉ thực hiện theo chỉ đạo, không hưởng lợi từ việc chiếm đoạt này. Theo đó Kiểm sát viên đề nghị mức án 17 - 18 năm tù đối với bị cáo Tòng, 7 - 8 năm tù cho bị cáo Diễm.

Tuy nhiên, Luật sư bào chữa cho bị cáo Tòng lại cho rằng, bị cáo không có yếu tố chiếm đoạt số tiền 147 tỷ đồng như cáo trạng quy kết. Theo Luật sư, năm 2009, Cty Thiên Mã kinh doanh lỗ 107 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 95 tỷ. Trong 2 năm thua lỗ 202 tỷ đồng. Như vậy, đối chiếu với tổng số tiền vay thì còn tiền đâu để Tòng chiếm đoạt. Việc Cty Thiên Mã vay vốn của VDB đến nay chưa thanh toán là có thật nhưng không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bởi vì, nó đã được dùng chi vào quá trình sản xuất kinh doanh và bị thua lỗ. Cụ thể đầu tư kinh doanh 89 tỷ, lỗ do bán hàng tồn kho 35 tỷ, lỗ kinh doanh 2 năm 202 tỷ. Cho nên, LS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 Thay vào đó, Luật sư cho biết, giữa Cty Thiên Mã, ngân hàng VDB Cần Thơ và ngân hàng INDOVINA có cam kết tay 3 số hàng xuất khẩu từ vốn vay của VDB. Sau khi được đối trừ thanh toán phải thanh toán cho VDB nhưng Tòng đã dùng số tiền này thanh toán cho các khoản nợ khác, làm mất cân đối, dẫn đến chưa trả được 120 tỷ đồng cho ngân hàng. 

Đối với các bị cáo Mai, Công, Trúc trong trường hợp này, là những người có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt, đề xuất cho Cty Thiên Mã tiếp tục vay vốn. Tuy nhiên, lại không kiểm tra các điều kiện tín dụng, không tiến hành kiểm tra năng lực tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến ngân hàng thiệt hại. Kiểm sát viên đề nghị Mai và Công mỗi bị cáo 12 - 13 năm tù, bị cáo Trúc 6 - 7 năm tù. Phiên tòa dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 14/9

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin!

Đọc thêm