Dấu hiệu “buộc án gán tội” trong oan án Hiếp dâm ở Bắc Giang

(PLO) - Sau 4 lần bị tòa án tuyên tử hình, vụ án Hàn Đức Long (SN 1959, ngụ xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) bị buộc tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em đã có kết luận điều tra lại cách đây 2 tháng. 
Dấu hiệu “buộc án gán tội” trong oan án Hiếp dâm ở Bắc Giang

Kết luận này được cho là làm rõ  6 vấn đề mà Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC yêu cầu: Xác định thời gian Long thực hiện hành vi, điều tra về dấu vết trên người bị hại, việc thực nghiệm điều tra thời gian gây án chưa đảm bảo chính xác… Tuy nhiên, các luật sư một lần nữa đã chỉ ra nhiều chứng cứ cho thấy đây là một vụ án oan.

Mười một năm trước đây, tối 26/6/2005, thi thể một bé gái được tìm thấy dưới một mương nước thuộc cánh đồng thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Khám nghiệm cho thấy, trước khi tử vong, nạn nhân đã bị xâm hại tình dục. 

Sau 4 tháng không tìm ra thủ phạm, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bắc Giang quyết định tạm đình chỉ vụ án, đồng thời phát động nhân dân tố giác các đối tượng có hành vi sàm sỡ, cưỡng bức phụ nữ trên địa bàn. Tháng 10/2005, CQĐT nhận được đơn của hai mẹ con tố cáo cùng bị Long hiếp dâm. Bị bắt giam, Long bị cho là thú nhận là thủ phạm vụ án.

Trải qua hai phiên tòa sơ thẩm, hai phiên tòa phúc thẩm, Hàn Đức Long bị kết án tử hình. Tại các phiên tòa, Long kêu oan, không nhận tội và khai bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình. Năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để điều tra lại theo thủ tục chung.

Kết tội chỉ căn cứ vào lời nhận tội

Quyết định giám đốc thẩm số 20/2014/HS-GĐT ngày 22/11/2014 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã  hủy bản án hình sự sơ, phúc thẩm trước đó, trả hồ sơ để điều tra theo thủ tục chung, theo đó làm rõ 6 vấn đề còn mâu thuẫn. 

Hội đồng Thẩm phán cho rằng, việc cơ quan điều tra cho ông Báu (bác ruột của nạn nhân) không phải là tội phạm nhưng lại vào buồng giam cùng bị can Long; sau đó dụ dỗ, thuyết phục Long nhận tội; là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nội quy, quy định của trại giam. 

Quá trình điều tra, điều tra viên đã bỏ ngoài hồ sơ 49 bút lục trong đó có bản cung của Long ngày 27/10/2015, nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng khác bị bỏ ngoài hồ sơ. Đây là dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án chưa được xem xét làm rõ. Bên cạnh đó, khi kiểm sát viên lấy lời khai, Long khai người giết bé gái là Giang. Do vậy, Hội đồng Thẩm phán yêu cầu cơ quan điều tra xác minh, làm rõ người tên Giang là ai.

Về yêu cầu tổ chức giám định tâm thần đối với Long của Hội đồng Thẩm phán, Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định Kết luận giám định của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh Bắc Giang ngày 28/1/2010 cho thấy trước, trong và sau khi gây án, bị can Long không bị rối loạn tâm thần, đủ nhận thức hành vi của mình. Việc giám định này đã được thực hiện đúng theo quy định pháp luật nên không có căn cứ để giám định lại. 

Kết luận điều tra cũng cho rằng, không có việc CQĐT cho ông Báu vào phòng giam của Long như quyết định giám đốc thẩm đã nêu. Ông Báu và Long gặp nhau, “thỏa thuận vụ việc” để cơ quan pháp luật giải quyết, không gây mâu thuẫn giữa hai gia đình; buổi làm việc diễn ra tại phòng làm việc của CQĐT. 

Về người tên Giang trong lời khai của Long, cơ quan điều tra xác định người này là Nguyễn Văn Giang (63 tuổi, ngụ Tân Yên, Bắc Giang), không liên quan đến vụ án.

Ngay sau khi có Kết luận điều tra này, các luật sư tham gia bào chữa cho Hàn Đức Long cho rằng: bản Kết luận điều tra này chỉ tập trung làm rõ 6 điểm theo quyết định giám đốc thẩm, nhưng quá sơ sài và có nhiều mâu thuẫn, không có cái tổng thể như một bản kết luận điều tra lại. Kết luận này không đánh giá được tổng thể của vụ án, không đủ cơ sở để khẳng định Hàn Đức Long có phạm tội hay không.

Theo các luật sư, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ không đủ căn cứ kết tội Hàn Đức Long.  Quá trình điều tra vụ án, CQĐT đã có nhiều vi phạm trong hoạt động tố tụng, từ việc triệu tập Long lên làm việc rồi tạm giữ, tạm giam Long trái pháp luật, đến việc không khách quan khi thực nghiệm điều tra, thu thập chứng cứ và phân tích đánh giá chứng cứ, dẫn đến kết luận vụ án không chính xác.

Hơn nữa, ngoài lời khai nhận tội của Long ở giai đoạn đầu, không có một chứng cứ nào khác chứng minh hành vi phạm tội của Long. “Các cơ quan tố tụng cho rằng lời khai nhận tội của Long tỉ mỉ và phù hợp với các biên bản khám nghiệm cũng như thực nghiệm điều tra là không chính xác. Bởi Long là người địa phương, có thể Long đã được chứng kiến một số hoạt động của CQĐT, nên biết về vụ án.

Hơn nữa như Long đã trình bày, từ lời khai đến thực nghiệm các động tác đều do điều tra viên hướng dẫn cho Long, vì thế lời khai của Long có phù hợp với một số tài liệu trong hồ sơ cũng là điều dễ hiểu”, Luật sư Phạm Văn Cương, người tham gia bào chữa cho Hàn Đức Long qua nhiều phiên tòa, nhận định. 

Chưa hết, rất nhiều nội dung Long khai được các cơ quan tố tụng trích dẫn trong các kết luận và bản án, không phù hợp với thương tích trên người nạn nhân, không phù hợp với tâm sinh lý của một con người bình thường.  

Trong khi đó, theo khoản 2, Điều 72  Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.

Hàn Đức Long trong một phiên tòa
Hàn Đức Long trong một phiên tòa

Có căn cứ chứng minh Hàn Đức Long ngoại phạm

Luật sư Phạm Văn Cương chỉ ra những điểm trong hồ sơ vụ án cho thấy nhiều điểm bất minh về người đàn ông tên Giang; và Hàn Đức Long có chứng cứ ngoại phạm.

Trong diễn biến thời gian tại quán nhà chị Liễu (mẹ nạn nhân), tại bút lục (BL) số 221 ngày  29/6/2005 (sau 3 ngày xảy ra vụ án), chị Doãn Thị Ngân (em gái của ông Giang) khai: “Tôi  đi cấy về, xem đồng hồ để trên đỉnh tủ, lúc đó là 18h45’, anh Giang đang ngồi xem vô tuyến, tôi đang tắm thì anh Giang lấy xe máy đi…”. 

Còn tại BL số 181,183, chị Liễu (mẹ nạn nhân), khai: “…lúc trời sẩm tối, nghe tiếng con gái tôi gọi về bán hàng, tôi không về ngay mà đi cắt 5 mớ dây khoai lang cách đó khoảng hơn 10m, sau đó kéo con bò ở đầu ruộng lạc lên chỗ xe cải tiến buộc ở đó, rồi ôm rau về mở cửa bán coca cho ông Giang… Ông Giang nằm trên giường uống coca xong, tôi đóng cửa bê thùng giấy thuốc sâu vào sân nhà trong cách quán hơn 20m, cởi dây chạc ở gốc cây nhãn nhà trong. Tháo xong chạc, tôi đi ra quán. Ông Giang đứng ở bụi tre, con gái tôi đứng chỗ đầu xe ông Giang, tôi đi thẳng ra ruộng lạc. Lúc này chỗ vợ chồng tôi cũng không còn ai, trời đã tối nhìn về nhà không rõ người, tôi đoán lúc đó khoảng gần 19h20’”(khoảng cách từ quán nhà chị Liễu đến ruộng lạc khoảng 200m).

Nhân chứng Nguyễn Văn Lục khai tại BL số 185:“Tối ngày 26/6/2005 tôi gặp anh Giang tại quán nhà Sơn Liễu, lúc đó khoảng 19h hoặc hơn một tý. Tôi mượn xe máy của anh Giang ra quán nhà anh Trường mua đá. Thời gian tôi mượn xe của anh Giang khoảng 10 phút”.

Tại BL số 187, ngày 12/7/2015 ,cháu Diêm Thị Tân khai: “ Mẹ cháu bảo chị em cháu ra quán nhà Sơn Liễu mua mì chính (bột ngọt - NV), quán đóng cửa. Chị em cháu sang nhà bà Phương xin mì chính, rồi quay ra vẫn thấy ông Giang đứng ở khu vực cửa quán. Lúc này trời đã tối, cháu phải rọi đèn pin mới nhìn được. Cháu cùng em cháu đứng chơi với bạn (là nạn nhân – NV) một lúc, sau đó bạn ấy đuổi cháu về, vì bạn ấy sợ chị em cháu về muộn sẽ bị bố đánh”.

Từ lời khai của 4 nhân chứng nêu trên, có thể xác định tương đối chính xác khoảng thời gian tại quán nhà chị Liễu cho đến khi nạn nhân bị mất tích. Tại BL số 150, nhân chứng Nam (chủ máy xát) khai: “Khoảng 19h30’, khi chị Sổ đang xát thì tôi thấy anh Long vào quán, khi chị Sổ xát xong đến lượt anh Long”. Như vậy, tại quán nhà chị Liễu, nạn nhân mất tích ít nhất vào lúc 19h30’, cùng thời điểm này tại quán xát gạo nhà anh Nam, Hàn Đức Long đang chuẩn bị xát gạo.

Điều đó phù hợp với các lời khai của hai nhân chứng là ông Soạn (tại BL số 1197):“ Khi tôi xát gạo xong, đến lượt con trai tôi là Xuân xát. Tôi ra hót trấu. Hót xong trấu, tôi thấy Xuân khênh hộ chị Yên thóc lên bệ máy. Tôi ra về được khoảng 200 đến 300m thì gặp Long, tôi nói: “Đi nhanh ra mà xát, đang vắng người…””; và chị Sổ (tại BL số 400): “Khi chị Yên đang xát gạo, tôi cúi xuống bê bao thóc, hỏi anh Long là: “Cho em xát trước để lấy gạo về nấu cơm”. Tôi thấy anh Long bảo là: “Tao không biết xát trước à””.

Khi ông Soạn ra về thì cũng là lúc chị Yên bắt đầu xát gạo, ông Soạn đi về được khoảng trên 200m thì gặp Long. Vì vậy, khi Long đến quán xát gạo thì chị Yên đã xát gần xong, như lời khai của chị Sổ là có căn cứ. Do vậy Long không có đủ thời gian để thực hiện việc sát hại và cưỡng bức bé gái.

“Hơn nữa, xét về mặt tâm lý, Long đã chờ mấy tiếng đồng hồ để đến lượt mình xát gạo, không có lý gì chỉ còn 2 người xát (khoảng 30 phút) là đến lượt mình, mà lại bỏ đi đến quán nhà chị Liễu bắt nạn nhân đưa ra cánh đồng (vừa đi vừa về 1756,6m), gây án với cháu bé rồi quay lại để đến lượt mình xát gạo”, Luật sư Cương nhận định.

11 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án và Hàn Đức Long cũng bị cầm tù 11 năm, nhưng vụ việc vẫn chưa đi tới kết luận cuối cùng. Các luật sư cho rằng đã đến lúc những người, cơ quan liên quan đến vụ án cần phải nhận trách nhiệm của mình trong vụ án này, không nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, tránh dẫn tới những hậu quả nặng nề hơn.

Đọc thêm