Dấu hiệu sót người, lọt tội vụ dùng hồ sơ giả vay ngân hàng

(PLVN) - Theo cáo trạng của VKSNDTC, từ 2010 - 2013, Bùi Kiên Dũng (SN 1979), An Thị Hương Giang (SN 1973), Lê Quốc Huy (SN 1974, cùng ngụ Hà Nội), Vũ Văn Diện (SN 1979, ngụ Hòa Bình), Trần Nam Phương (SN 1971, ngụ Nam Định), Vũ Quang (ngụ Đồng Nai) đã dùng pháp nhân 6 công ty làm giả các tài liệu để được Ngân hàng ANZ và HSBC cho vay vốn và giải ngân 379 tỷ.
Tháng 11/2018, tòa sơ thẩm từng trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung
Tháng 11/2018, tòa sơ thẩm từng trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung

Tuy xác định các bị can đã gian dối để vay tiền và chi tiêu sai mục đích  379 tỷ nhưng VKSNDTC chỉ quy kết các bị can chiếm đoạt số tiền không có tài sản bảo đảm là hơn 300 tỷ. Như vậy, các bị can được loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) với gần 79 tỷ do coi là “có tài sản bảo đảm” (đa số các tài sản là của người khác).

Hiện các chủ tài sản trên đều khẳng định họ là nạn nhân vì đã bị Dũng lừa dối mượn sổ đỏ làm điều phạm pháp. Việc loại TNHS cho các bị can với 79 tỷ khiến chủ tài sản sẽ phải trả tiền thay, dù họ chỉ bảo lãnh cho việc vay tiền hợp pháp chứ không bảo lãnh cho hành vi gian dối. Vì vậy, nếu buộc họ chịu hậu quả của hành vi lừa đảo của bị can là không hợp lý. 

Ngoài ra, tài liệu cho thấy, các chủ tài sản chỉ dùng tài sản để bảo lãnh cho các bị can vay tiền hạn mức rất thấp. Tuy nhiên, trong quá trình vay vốn, các bị can đã nhiều lần được ngân hàng điều chỉnh tăng hạn mức cho vay mà bên được bảo lãnh không biết và không được ký lại hợp đồng thế chấp. Như vậy cũng không thể buộc người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm với các khoản vay theo những hợp đồng cấp hạn mức tín dụng đã hết hiệu lực, đã bị thay thế bằng hợp đồng cấp tín dụng với mức cao hơn.

Cho rằng việc truy tố hiện nay là “lọt tội”, LS Mai Hồng Quang (Giám đốc Cty Luật TNHH Văn Khuê) cho rằng, việc các bị can đưa tài sản bảo đảm vào hồ sơ vay vốn chỉ là một thủ đoạn để đạt được mục đích chiếm đoạt số tiền lớn gấp nhiều lần. Các bị can cũng đã ăn tiêu hết nên cần phải coi toàn bộ 379 tỷ là số tiền mà các bị can đã có ý thức chiếm đoạt. 

Hơn nữa, tài sản thế chấp cũng không phải là căn cứ duy nhất để ngân hàng cấp hạn mức tính dụng cho các bị can, việc này còn cần dựa vào nhiều tài liệu (giả) như báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán. Sau khi mượn được tài sản thế chấp, các bị can còn tạo dựng hợp đồng mua bán giả, hóa đơn GTGT giả... để được giải ngân.

Ngoài việc làm giả liệu (cắt dán chữ ký, in phun con dấu, photocopy hóa đơn...), hành vi gian dối của Dũng và các bị can được cáo trạng mô tả: “Khi cán bộ ngân hàng đến thẩm định, các bị can thuê người đóng giả nhân viên đang làm việc, chất hàng đầy cửa kho để ngụy trang là trong kho chứa đầy hàng, đồng thời thuyết trình về việc công ty có đủ năng lực, có nhu cầu vay vốn phục vụ phương án kinh doanh; có tài sản hàng tồn kho, khoản phải thu, máy móc, thiết bị giá trị lớn sẽ thế chấp. Trong khi thực tế công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh, không có hàng tồn kho, khoản phải thu, máy móc thiết bị...”.

Tuy nhiên, theo VKSNDTC, qua điều tra đã không phát hiện các cán bộ ngân hàng (tham gia thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn và giải ngân) thông đồng với các bị can. Vì vậy, không đủ căn cứ xác định sai phạm của cán bộ ngân hàng. 

Về nhận định trên, LS Quang cho rằng, các thủ tục cho vay, giải ngân... của ngân hàng được quy định khá chặt chẽ, có nhiều khâu thẩm định thì một loạt các việc làm gian dối của bị can đã dễ dàng “qua mặt” cán bộ Ngân hàng ANZ và HSBC trong hàng năm trời, với cả chục hợp đồng nâng hạn mức tín dụng và giải ngân trót lọt hơn 379 tỷ là điều rất khó lý giải. 

Hơn nữa, cứ cho là không có chuyện “cố ý”, thông đồng” thì trong vụ việc này, liệu các cán bộ ngân hàng đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định trong hoạt động cho vay?

Trong một diễn biến khác, nhằm giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án, tháng 9 vừa qua, TANDTC đã có công văn nêu rõ, “hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 2 khách thể khác nhau được BLHS bảo vệ nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, trong vụ án này, việc Dũng và các đối tượng không bị xem xét tội “Làm giả con dấu, tài liệu” có phải là dấu hiệu lọt tội? 

LS Quang còn cho rằng, việc bị can Nguyễn Thị Nguyên (SN 1972, Giám đốc Cty Á Châu) được CQĐT thay đổi tội danh từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thành “Làm giả con dấu tài liệu” là không hợp lý.

Trong số 72 tỷ được HSBC giải ngân bằng hồ sơ giả thì Nguyên đã cho Dũng vay 14 tỷ. Đồng thời, trong vụ án này, dù Dũng không là giám đốc của một số công ty nhưng CQĐT vẫn xác định Dũng và các giám đốc Cty này đồng phạm về tội “Lừa đảo tài sản” do đã cùng nhau lên kế hoạch chiếm đoạt tiền, làm giả tài liệu và Dũng cũng được “trả nợ” hoặc cùng ăn tiêu số tiền được giải ngân.  Vì vậy LS Quang cho rằng, cần làm rõ vai trò của Dũng để xem có yếu tố đồng phạm trong vụ việc Nguyên lập hồ sơ giả hay không?

Đọc thêm