Giám đốc quỹ tín dụng chiếm đoạt tiền tỷ

(PLO) - TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Kiều Đức Ấm (SN 1966, ở Thạch Thất, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. 
Bị cáo tại tòa
Bị cáo tại tòa

Theo cáo trạng, năm 2007, Ấm được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) cơ sở Đại Đồng. Ấm được quản lý 1 bộ chìa khóa dự phòng kho tiền của Quỹ. Khoảng tháng 3/2016, ông ta nảy sinh ý định lấy tiền mặt từ kho tiền của Quỹ để sử dụng cá nhân và cho người quen vay lấy lãi.

Tài liệu điều tra thể hiện, Ấm đã lợi dụng tình hình sau Tết có ít khách hàng đến giao dịch, Quỹ tín dụng không thường xuyên mở kho tiền nên ông ta đã sử dụng chìa khóa dự phòng tự mở kho lấy số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Sau khi lấy tiền, ông ta cho người quen vay và tiêu xài cá nhân hết.

Ngày 21/3/2016, chị Kiều Thị Liễu – kế toán và anh Vũ Hữu Thắng  -Thủ quỹ Quỹ tín dụng đề nghị Ấm cùng mở kho tiền để lấy tiền mặt phục vụ giao dịch. Nghe vậy, Ấm nói bị mất chìa khóa nhằm che đậy cho hành vi của mình. Trước thông tin của Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Quỹ, hai thuộc cấp đã đề nghị sếp dùng chìa khóa dự phòng để mở nhưng không được. Do đó, Quỹ TDND cơ sở Đại Đồng đã báo sự việc với Thanh tra giám sát Ngân hàng TP Hà Nội.

Ngày 30/3/2016, Thanh tra giám sát Ngân hàng TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, phát hiện Quỹ tiền mặt thiếu hụt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Nguyên nhân do Ấm tự ý rút số tiền này để sử dụng cá nhân. Ngoài hành vi trên, từ năm 2015 – 2016, Kiều Đức Ấm còn nhờ 7 người thân, quen đứng tên làm hồ sơ vay vốn tại Quỹ tín dụng bằng hình thức tín chấp không đúng với quy chế cho vay. Sau đó, Ấm ký duyệt các hồ sơ cho vay tín chấp này và chỉ đạo cấp dưới giải ngân. Theo cáo trạng, những người đứng tên vay đưa lại toàn bộ số tiền được giải ngân cho Kiều Đức Ấm và thỏa thuận ông ta phải có trách nhiệm trả tiền gốc, lãi các khoản vay này. Tổng số tiền 7 người đứng tên vay cho Ấm là hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này, ông ta đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết.

Tại cơ quan điều tra, Kiềm Đức Ấm khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Quá trình điều tra, Kiều Đức Ấm đã khắc phục, trả lại cho Quỹ tín dụng được hơn 147 triệu đồng, số tiền ông ta còn chiếm đoạt của Quỹ tín dụng là hơn 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định Kiều Đức Ấm còn có hành vi chỉ đạo thuộc cấp làm sai. Cụ thể, năm 2008, Kiều Đức Ấm tổ chức họp Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng và thống nhất quyết định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Quỹ. Nguồn tiền đầu tư lấy từ vốn góp của các cổ đông sáng lập và tiền của khách hàng gửi tiết kiệm. Đến cuối năm 2009, trụ sở Quỹ hoàn thành và đi vào sử dụng. Tổng số tiền thanh toán công trình là hơn 1,8 tỷ đồng. 

Do vốn điều lệ của Quỹ chỉ có hơn 1 tỷ đồng mà theo Thông tư số 62 ngày 29/6/2006 của Bộ Tài chính thì Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được xây dựng trụ sở không vượt quá 50% vốn điều lệ. Thế nên, để hợp thức hóa khoản tiền đã chi phí xây dựng trên cho phù hợp, Kiều Đức Ấm đã chỉ đạo chị Khuất Thị Mai - Ủy viên HĐQT Quỹ viết các phiếu chi thể hiện thanh toán tiền xây dựng đối với số tiền hơn 452 triệu đồng, số tiền gần 1,4 tỷ đồng còn lại được hạch toán “treo” trên sổ sách kế toán bằng hình thức: Hằng ngày Quỹ vẫn ghi nhận tồn quỹ tiền mặt số tiền gần 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định, không có căn cứ xác định thiệt hại cụ thể đối số tiền thâm hụt quỹ do việc xây dựng trụ sở làm việc của Quỹ vượt mức quy định. Bên cạnh đó, Kiều Đức Ấm không tư lợi hay chiếm đoạt nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự.

Cuối tuần qua, TAND TP Hà Nội đưa vụ án trên ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Do xuất hiện tình tiết mới nên sau khi hội ý, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. 

Đọc thêm