Giọt nước mắt ngày trở về

(PLO) - Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Gò Quao (Kiên Giang) đưa ra xét xử lưu động vụ án “trộm cắp tài sản” với 4 bị cáo.  Tham gia phiên tòa với tư cách người đại diện hợp pháp để bào chữa cho bị cáo Sơn, có dịp tìm hiểu về hoàn cảnh, động cơ phạm tội… cũng như về nhân thân của bị cáo, tôi không khỏi ngậm ngùi trước một câu chuyện gia đình cay đắng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mẹ bỏ đi, con phạm tội

Sinh ra trong một gia đình có ba chị em, Sơn (tên nhân vật đã được thay đổi) là con út. Tuy nhà không mấy khá giả, nhưng với tình yêu thương con vô bờ bến của ông Lê Văn T và bà Lê Thị H,  chị em Sơn đều được hưởng sự quan tâm chăm sóc tận tình của ba mẹ. Riêng Sơn đã có lần suýt chết do bệnh nặng, vì thế càng được ba mẹ quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn hẳn các chị của mình.

Cuộc sống mỗi con người cũng giống như chiếc thuyền trôi trên dòng sông, có lúc êm ả, cũng có những lúc chao đảo gập ghềnh. Vợ chồng ông T và bà H cũng vậy. Nhiều khi bất đồng mâu thuẫn, bà H bỏ đi để lại một mình ông T với 3 đứa con còn thơ dại. Bởi vậy, vòng quay cơm, áo, gạo, tiền đã lấy đi của ông hầu hết thời gian, công sức, nên ông không mấy quan tâm được đến các con đang còn trong tuổi ăn, tuổi lớn.  Biến cố này thực sự là cú sốc quá lớn, tác động không nhỏ đến sự hình thành, phát triển tâm sinh lý của Sơn. 

Từ một đứa trẻ “không đến nỗi nào”, nay Sơn theo những đứa bạn cùng trang lứa ở xóm đi tối về sớm, sa vào nghiện ngập game online. Số tiền ít ỏi của người cha chu cấp hàng ngày không thấm vào đâu so với nhu cầu ăn chơi của Sơn. Để có tiền thỏa cơn nghiện game, Sơn nghe lời chúng bạn lao vào trộm cắp. Trước thì trộm cắp vặt, sau trộm những thứ có giá trị hơn.

Đầu tiên Sơn đi theo canh đường, sau vài lần dạn dĩ hơn thì trực tiếp vào nhà dân lấy trộm. Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng, trước đó Sơn đã cùng đồng bọn thực hiện 04  vụ trộm cắp, đến vụ thứ 5 thì Sơn bị bắt. Khi nghe được hung tin này, bà H đã trở về với bao tâm trạng rối bời lẫn ân hận muộn màng vì đã bỏ rơi con khi con ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Giọt nước mắt ngày trở về

Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, Sơn luôn luôn thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải. Khi được Hội đồng xét xử cho nói lời sau cùng trước khi nghị án, Sơn nghẹn ngào: “Con đã biết lỗi của con, mong Hội đồng xét xử xử cho con không phải ngồi tù để con được tiếp tục đi học”. Còn mẹ của Sơn, với vai trò người giám hộ cho con cũng không thể cầm lòng mà rơi những giọt nước mắt ân hận, biết là muộn nhưng bà vẫn nói: “Đến nông nỗi này cũng do tôi mà ra, tôi có phần lớn trách nhiệm là đã bỏ nhà đi, không ở cạnh quan tâm sâu sát con tôi nên nó mới tụ tập đi đêm về hôm và nghe lời bạn xấu rủ rê. Xin chủ tọa cho con tôi hưởng án treo để con tôi được tiếp tục đi học. Tôi hứa sẽ dạy bảo con tôi đàng hoàng”.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã có mức án thích đáng cho từng bị cáo. Riêng bị cáo Sơn, bị tuyên phạt 6 tháng tù, nhưng cho được hưởng án treo. Tuy không ai nói lời nào, nhưng giọt nước mắt tràn mi của mẹ con Sơn làm cho những người tham dự phiên tòa hôm ấy hiểu rằng họ đang rất hạnh phúc và quyết tâm sửa chữa lỗi lầm đã qua. 

 Giá như trong mỗi gia đình, mỗi bậc làm cha, làm mẹ đều ý thức được vai trò to lớn của mình trong việc dạy dỗ con cái, sẵn sàng gạt đi “cái tôi” của mình để dung hòa với nhau, cùng nhau nuôi dạy con đàng hoàng thì những tệ nạn xã hội sẽ giảm đi đáng kể, xã hội cũng sẽ có nhiều công dân có ích hơn.

Đọc thêm