Hà Nội: Vụ buôn bán ngô giả, cần phải xem xét lại bản án sơ thẩm

(PLO) - Bản án hình sự sơ thẩm số 198/2018/HSST ngày 4/6/2018 của TAND Hà Nội chưa đánh giá khách quan các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, thậm chí còn viện dẫn và áp dụng điều luật không chính xác.
Hà Nội: Vụ buôn bán ngô giả, cần phải xem xét lại bản án sơ thẩm

Không buôn hàng giả vẫn bị kết án buôn bán hàng giả 

Ông Vũ Việt Cường (sinh năm 1961), là cựu cán bộ của Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ngô – Viện nghiên cứu ngô ( Trung tâm CGTBKT ngô) bị xử phạt 15 tháng tù về tội “Buôn bán hàng giả là giống cây trồng”. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng mình bị oan nên đã làm đơn kháng cáo và vụ án đang được TAND cấp cao tại Hà Nội thụ lý phúc thẩm.

Theo hồ sơ vụ việc, tháng 9/2014, Trung tâm CGTBKT ngô ký hợp đồng số 24/HĐ-SXHG với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Trung (HTX DVNN Hoằng Trung), địa chỉ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, về việc sản xuất 08 ha giống ngô lai LVN 885. Ông Cường là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm CGTBKT ngô được phân công hướng dẫn kỹ thuật cho quá trình sản xuất.

Ông Vũ Việt Cường cho rằng mình bị kết án oan trong vụ án
Ông Vũ Việt Cường cho rằng mình bị kết án oan trong vụ án
Tháng 01/2015, HTX DVNN Hoằng Trung thu hoạch số ngô được sản xuất theo hợp đồng số 24/HĐ-SXHG với sản lượng thu được 26.640kg ngô bắp và chuyển về Trung tâm CGTBKT ngô. Sau khi sàng lọc và kiểm nghiệm hai lần, số lượng sản phẩm thu được còn lại 24.010kg ngô hạt. Theo biên bản kiểm tra của Phòng Kiểm nghiệm chất lượng hạt giống (thuộc Viện nghiên cứu Ngô) xác định lô hàng có tỷ lệ lẫn tạp là 17,7%, do vậy không đủ chất lượng để sản suất giống ngô lai LVN 885.
Vì lô hàng không đủ chất lượng, Trung tâm CGTBKT ngô từ chối thanh toán chi phí sản xuất cho người nông dân. Do vậy, Ban chủ nhiệm HTX DVNN Hoằng Trung đã khởi kiện Trung tâm CGTBKT ngô tại Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng.

Trước tình hình ấy, tháng 8/2015, ông Cường đã đề xuất với Ban lãnh đạo Trung tâm CGTBKT ngô cho bán thanh lý lô hàng 24.010kg ngô hạt để lấy tiền trang trải chi phí sản xuất và giải quyết quyền lợi cho bà con nông dân tại HTX DVNN Hoằng Trung.

Được sự đồng ý của Giám đốc Trung tâm CGTBKT, ngày 17/9/2015, ông Cường ký hợp đồng bán thanh lý lô hàng 24.010 kg ngô hạt cho ông Bùi Duy Hòa (nguyên là Phó giám đốc Trung tâm CGTBKT ngô)

Mặc dù, ông Hòa biết rõ nguồn gốc, chất lượng và lý do vì sao Trung tâm CGTBKT ngô phải bán thanh lý lô hàng 24.010 kg ngô hạt, nhưng sau khi mua ông Hòa đã tự mình tổ chức việc sao tẩm hạt ngô tại Phố Nối (Hưng Yên). Tiếp đến ông Hòa vào Thanh Hóa mua bao bì nhãn mác do Công ty Nam Phong sản xuất và tổ chức đóng gói, in nhãn mác giả tại Đền Đô (Bắc Ninh). Sau đó ông Hòa chở số ngô giả đi tiêu thụ tại các tình Lào Cai, Yên Bái và bị phát hiện bắt giữ.

Ngày 15/9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án: Buôn bán hàng giả là giống cây trồng, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Cường và ông Hòa về tội “Buôn bán hàng giả là giống cây trồng. Ngày 04/6/2018, TAND TP.Hà Nội đưa vụ án ra xét xử và quyết định xử phạt ông Cường 15 tháng tù về tội “Buôn bán hàng giả là giống cây trồng”.

Bản án còn nhiều điểm cần phải xem xét

Việc ông Bùi Duy Hòa thực hiện các hành vi như sao tẩm ngô tại Phố Nối – Hưng Yên; vào Thanh Hóa mua bao bì nhãn mác giả; tổ chức việc đóng gói in ấn tại Đền Đô- Bắc Ninh; vận chuyển ngô giống giả đi tiêu thụ tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái là trách nhiệm của ông Hòa, tại sao ông Cường cũng bị truy tố chính là vấn đề cốt lõi của vụ án mà bị cáo kêu oan này.

"Đó là việc là của Hòa mà tôi không hề hay biết, không hề tham gia và tôi cũng không hề hưởng lợi từ những hành vi phạm tội ấy. Vậy tại sao tôi lại bị kết tội chung với Bùi Duy Hòa", ông Cường bức xúc phản ánh.

Nói về vụ án này, Luật sư Bùi Thế Vinh – Trưởng văn phòng Luật sư Thái Minh cho rằng nhiều nhận định trong bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội cần phải xem xét lại. Việc ông Cường bán thanh lý lô hàng 24.010 kg ngô hạt là hành vi dân sự, là thực hiện nhiệm vụ của Giám đốc Trung tâm CGTBKT ngô giao và không bị pháp luật cấm, Ông Cường không phải chịu trách nhiệm về những việc mà Bùi Duy Hòa đã thực hiện sau đó.

"Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã thể hiện, quá trình bị cáo Bùi Duy Hòa thực hiện việc  sao tẩm, in ấn bao bì nhãn mác, đóng gói, cất giữ vận chuyển tiêu thụ những bao hạt ngô mang giả nhãn hiệu LVN 885 của Viện nghiên cứu Ngô, thì ông Cường không biết, không bàn bạc, không tham gia, và cũng không được hưởng lợi. Vì vậy, trong vụ án này ông Cường không thể là đồng phạm với bị cáo Hòa", Luật sư Vinh cho biết.

Sắp tới, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, công luận chờ đợi phiên tòa này sẽ tuyên một bản án khách quan, công tâm, đúng pháp luật để không làm oan người vô tội.

Đọc thêm