Hy hữu ở Huế: Cụ bà 70 đòi ly hôn, cụ ông hoảng hốt đến tòa cầu cứu

(PLVN) - TAND thành phố Huế, tỉnh TT- Huế vừa thụ lý, giải quyết một vụ án hôn nhân và gia đình khá hy hữu. Người vợ hơn bảy mươi tuổi nhất quyết đâm đơn ly hôn chồng, chia tài sản, khiến cụ ông hoàng hốt...
Sau một thời gian, TAND thành phố Huế đã thực hiện việc hòa giải cho đôi đôi vợ chồng già.
Sau một thời gian, TAND thành phố Huế đã thực hiện việc hòa giải cho đôi đôi vợ chồng già.

Đó là một đôi vợ chồng già, đều ở tuổi xưa nay hiếm. Lẽ ra, ở tuổi này, họ sẽ đang vui vầy bên con cháu, thì oái oăm thay, lại phải kéo nhau đến tòa, nhờ “pháp luật hỗ trợ xử lý” chuyện gia đình.

Người vợ là nguyên đơn trong vụ án. Lý do ly hôn của bà là “chồng khó tính”. Các con của ông bà, xin cha mẹ “cắt” cho một phần đất trong tổng số diện tích đất mà cha mẹ đang sở hữu, sử dụng, nhưng chồng bà nhất định không đồng ý. Bà khuyên can hết lời, nhưng không cách nào thay đổi, lay chuyển ý chí sắt đá của chồng. Đất đai vốn dĩ là tài sản do hai vợ chồng cùng tạo lập lên, đó cũng là tài sản chung giữa vợ chồng. Vậy mà lúc bà muốn sử dụng, chồng lại một hai không đồng ý.

“Nếu mà ly hôn, đất đai của hai vợ chồng sẽ được chia đôi. Bà cầm phần tài sản của mình, muốn cho ai thì cho”, bà nghĩ thế. Vậy là bà lão bảy mươi lọ mọ viết đơn, rồi bắt xe đến tòa án gửi đơn ly hôn. Xong xuôi, bà liền dọn quần áo đến ở nhà con, thực hiện cuộc sống “ly thân”. Chỉ chờ tòa xét xử, rồi tuyên án, bà “cầm” phần đất của mình, cho hết mấy đứa con.

Người chồng -  bị đơn trong vụ án - ông lão lạnh lùng, khó tính, cứng nhắc trong mắt vợ, loạng choạng đến tòa án theo giấy triệu tập của tòa. Trong buổi gặp mặt, gương mặt già nua hoảng hốt. Ông tưởng vợ mình chỉ “dọa”, không ngờ bà đưa đơn ly hôn thật. Ông hoảng hồn. Vợ chồng sống với nhau gần năm chục năm, đâu phải nói bỏ là bỏ được. Ông lão ủ rủ. Trong đôi mắt già nua của ông cụ, liên tục chảy xuống hai dòng nước mắt. Lúc đầu, đối mặt với thẩm phán, ông còn xấu hổ cố nén nước mắt lại trong hai hốc mắt đã xâu hoắm. Nhưng rồi cũng mặc kệ, nước mắt cứ chảy xuống, có muốn ngăn cũng không ngăn được.

Ông liên tục nhờ tòa giúp đỡ bằng giọng tha thiết. “Giúp chú với. Giữa vợ chồng chú không có mâu thuẫn gì lớn”. Lần tiếp theo đến tòa nộp bản tự khai, ông vẫn không kìm được nước mắt, lại tiếp tục “nhờ vả” tòa. “Có cách nào giúp cho vợ chồng chú được đoàn tụ lại không?”. Ông lão nói với thẩm phán bằng giọng đầy mong mỏi.

Vào ngày tòa án tiến hành hòa giải, bị đơn không may bị tai nạn. Vợ ông - nguyên đơn trong vụ án – người nhất quyết đòi ly hôn cho bằng được, vậy mà hớt hải chạy lên bệnh viện chăm sóc chồng, người đàn ông mà mới thời gian trước bà định “vứt bỏ”. Các con ông cũng lo lắng chạy tới chạy lui chăm sóc cha mình. Qua tìm hiểu, tòa nhận định, gia đình này vẫn còn cơ hội hàn gắn.

Một thời gian sau, tòa tiếp tục gửi giấy triệu tập. Người vợ cho rằng, sức khỏe của chồng mình vẫn chưa tốt, chưa thể đến tòa. Vì thế, thẩm phán và thứ ký đến nhà bị đơn để tìm hiểu tình hình. Đúng lúc nguyên đơn đưa cháo đến cho chồng. Thấy “thời cơ” đến, thẩm phán thực hiện công việc “hòa giải” ngay tại nhà bị đơn. Những năm tháng vợ chồng vượt khó xây dựng tổ ấm, cùng nhau nuôi con trưởng thành, những mất mát khi hôn nhân tan vỡ ở tuổi xưa nay hiếm khó mà đong đếm hết.... Tất cả được thẩm phán “vẽ” lại bằng chất giọng mềm mềm, khiến người vợ bỗng thấy hốt hoảng.

Lúc này, người vợ luôn miệng “kể tội” chồng như một cách giải tỏa bao nhiêu uất ức phải chịu suốt thời gian dài. Trước sự chứng kiến của cán bộ tòa án, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thay đổi. Người chồng nhận sai, chấp nhận yêu cầu của vợ. Ngay lúc đó, người vợ liền viết đơn rút đơn xin ly hôn.

“Bị đơn sau đó gọi điện thoại cảm ơn những người làm công tác xét xử vì đã tận tâm tận lực, khéo léo hòa giải thành công, để vợ chồng ông cởi bỏ những khúc mắc, bảo vệ được gia đình khỏi tan vỡ. Đối với chúng tôi, đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng”, thẩm phán xử lý vụ án chia sẻ.

Đọc thêm