Hoãn phiên xử vụ sự cố y khoa làm 8 người chết ở Hòa Bình

(PLO) - Sau giờ hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa làm 8 người chết ở Hòa Bình.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Sáng nay (7/5), TAND TP Hòa Bình đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". 

Liên quan đến vụ án, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi - nguyên Giám đốc Cty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người".

Tại tòa, ông Nghiêm Hoài Anh - Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà sau khi công bố khai mạc phiên tòa đã cho biết Luật sư bảo vệ cho 2 bị cáo Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn có đơn xin hoãn phiên tòa còn Luật sư của bị cáo Bùi Mạnh Quốc vắng mặt không lý do.

Luật sư Nguyễn Hoàn Trung - người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình các bị hại đề nghị hoãn phiên toà hôm nay. Đồng thời cả ba bị cáo đều có đề nghị hoãn phiên toà.

Theo đó, đại diện VKSND TP Hòa Bình đưa ra quan điểm, để vụ án được xử công khai, minh bạch và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đề nghị HĐXX cho hoãn phiên toà theo đúng quy định của pháp luật.

Sau giờ hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên toà và mở lại phiên xử vào 8h ngày 15/5/2018.

Bị cáo được dẫn giải đến tòa.
Bị cáo được dẫn giải đến tòa.

Cáo trạng truy tố thể hiện, từ 2009, bệnh viện tỉnh Hòa Bình mở phòng xử lý nước RO để chạy lọc máu thận nhân tạo. Do chưa thành lập khoa riêng nên bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, thuộc Khoa Hồi sức tích cực.

Ngày 20/4/2017, phát hiện hệ thống nước RO bị hỏng, điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng đã báo cho Trần Văn Sơn. Sau khi kiểm tra, Sơn và bác sĩ Lương cùng ký tờ trình xin sửa máy lọc thận.

Một tháng sau, ông Trương Quý Dương (Giám đốc bệnh viện) ký hợp đồng cung cấp vật tư để sửa hệ thống lọc nước RO với ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Thiên Sơn). Bản hợp đồng này trị giá gần 100 triệu đồng. Cùng ngày, Thiên Sơn ký chuyển nhượng việc lắp đặt vật tư RO với công ty Trâm Anh với số tiền hơn 70 triệu đồng.

Cuối tháng 5/2017, Bùi Mạnh Quốc gặp Sơn tại bệnh viện để sửa máy lọc theo hợp đồng. 

Hoàng Công Lương bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hoàng Công Lương bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng xác định sau khi kiểm tra xong vật tư do Quốc cung cấp, Sơn đi về nhà để đối tác tự thực hiện công việc. Sau đó, Quốc đã sử dụng hỗn hợp axit để sục rửa các cột lọc rồi bơm nước để đẩy chất bẩn ra ngoài. Tuy nhiên, do không kiểm tra chỉ số cuối cùng nên Quốc đã để dư lượng axit trong các cột lọc máu.

Sáng 29/5, nam bác sĩ nghe cấp dưới báo đã sửa xong máy lọc, liền ra y lệnh chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân khi trong hệ thống máy vẫn còn dư hóa chất của việc sục rửa.

Cáo trạng xác định bác sĩ Hoàng Công Lương đã không kiểm tra, xác minh lại thông tin và không báo cáo trưởng khoa.

Khi thấy chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân đảm bảo đủ điều kiện chạy thận, Lương đã để máy lọc hoạt động. Quá trình vận hành, nước trong hệ thống có tồn dư lượng axit đã được sử dụng để lọc máu thận cho 18 bệnh nhân.

Sau giờ nghị án, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa
Sau giờ nghị án, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa

Cáo trạng nêu, 8h20 ngày 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đều có biểu hiện xấu. Dù được cấp cứu ngay sau đó nhưng 8 người không qua khỏi. Theo kết quả giám định của Bộ Công an, các nạn nhân tử vong đều bị ngộ độc hóa chất.

Xét nghiệm mẫu nước trong hệ thống máy lọc, cảnh sát xác định hàm lượng hóa chất bị dư cao gấp 260 lần so với quy chuẩn.

VKSND kết luận, bị can Hoàng Công Lương được đào tạo chuyên môn lọc máu chạy thận. Do đó, với trình độ và trách nhiệm được giao, Lương phải biết rõ quy chuẩn nước được sử dụng trong lọc máu. Bị can 32 tuổi bị cáo buộc đã chủ quan, thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan vụ án, VKSND cho biết đại diện gia đình 8 người tử vong đã yêu cầu bồi thường tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Đọc thêm