Hôm nay Chủ tịch tỉnh Lào Cai hầu tòa và câu chuyện tại sao đất sốt

(PLO) - Nếu không có gì thay đổi, hôm nay (25/7/2017), TAND tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính của các công dân phường Kim Tân với Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch TP Lào Cai. 
Hôm nay Chủ tịch tỉnh Lào Cai hầu tòa và câu chuyện tại sao đất sốt

Đất của họ đã sử dụng nhiều năm bị thu hồi nhưng không được đền bù vì các lý do khác nhau, trong đó có cả việc đất này đã được giao cho một sở từ trước đó, tuy nhiên, chính quyền địa phương không hề biết đến quyết định giao đất này, hoặc cùng trên một mảnh đất có xuất xứ như nhau, người được đền bù, người không.

Đáng chú ý là Tòa đã chuyển tư cách tham gia tố tụng của các vị Chủ tịch này từ “người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan” thành “người bị kiện”. Diễn biến và kết quả phiên tòa như thế nào còn phải chờ nhưng những động thái đầu tiên đã cho thấy Tòa án Lào Cai đã tỏ ra khách quan khi thụ lý vụ kiện này.

Một diễn biến khác, xảy ra ở Bắc Giang, khi những thửa ruộng màu mỡ của dân bị thu hồi để thực hiện dự án làng nghề, dân được doanh nghiệp dỗ ngon, dỗ ngọt là được đền bù 10% đất bị thu hồi và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, ông Chủ tịch huyện đã bác bỏ chuyện này, doanh nghiệp có quyền gì mà cấp sổ đỏ! Những người nông dân cả tin giao đất thì có nguy cơ mất cả chì lẫn chài, còn những người không chịu giao đất thì trước nguy cơ bị cưỡng chế.

Điều đáng quan tâm là dân ở đây chỉ có nghề truyền thống là làm ruộng, hà cớ gì đẻ ra một làng nghề lạ hoắc trên những “bờ xôi, ruộng mật” của họ. Chưa xong việc bàn giao đất mà các công trình đã mọc lên như cây xăng, nhà ở chẳng liên quan gì đến làng nghề cả.

Hãy nhìn về Thủ đô Hà Nội, các dự án làng nghề mọc lên toàn biệt thự và nhà riêng, đủ hiểu việc “treo đầu dê, bán thịt chó” đã được áp dụng thành thục như thế nào. Có thể chính nơi này sẽ lại xảy ra một vụ kiện như ở Lào Cai và chắc chắn người chịu thiệt hại vẫn là dân mà thôi!

Mới đây, trong Kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tuyên bố, Hà Nội chưa thu hồi được bất cứ khu đất nào của các bộ, ngành khi di dời có nghĩa vụ phải trả lại mặt bằng cho thành phố. Điều này cho thấy, kỷ cương phép nước thực hiện không nghiêm từ các cơ quan đầu não ở Trung ương thì các địa phương còn lộng hành đến đâu.

Đất vẫn “sốt sình sịch”, không phải là bị thổi giá hoặc từ nhu cầu của người dân. Sốt là do phản ứng sốc tự vệ do những người có chức năng quản lý đất đai gây ra. Nó vẫn nóng và không hề hạ nhiệt, chiếm phần lớn các khiếu nại, tố cáo và cả kiện hành chính hiện nay!

Đọc thêm