Kẻ cướp đổ lỗi “bị địa phương đẩy vào bước đường cùng”

(PLO) -Bị cáo vẻ ấm ức bảo, mình rơi vào hoàn cảnh như hôm nay, là vì chính quyền địa phương o ép, đẩy vào bước đường cùng. 
 
Bị cáo tại tòa
Bị cáo tại tòa

“Bị cáo đang làm ăn bình thường, nhưng bị địa phương tịch thu phương tiện, rồi bắt đóng phạt 4 triệu đồng. Ba đứa con nheo nhóc, vợ bị cáo thì mới sinh. Túng quẫn quá, bị cáo mới đi ăn trộm, định kiếm tiền đóng phạt để lấy phương tiện ra buôn bán nuôi con. Không ngờ trộm hóa cướp, tiền chưa cầm nóng tay, đã bị bắt đi tù, con giờ không ai nuôi”, bị cáo giọng rầu rĩ than thở.

Kẻ trộm hóa cướp

Phiên tòa xét xử lưu động tại UBND phường Phú Cát, do TAND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiến hành ngày 5/5/2016. Bị cáo là Phan Công Đức (30 tuổi, ngụ phường Phú Cát), bị truy tố về tội “cướp tài sản”.

Đã 8h sáng, nhưng hàng ghế dành cho bị hại vẫn trống trải. Phía bên kia khán phòng, vợ con và gia đình bị cáo túm tụm ở dãy bàn kê sát chỗ bị cáo ngồi. Vừa nhìn thấy cha được dẫn giải vào phòng xử, hai đứa con bị cáo (đứa lớn 5 tuổi) lon ton chạy lại, nép vào lòng cha. 

Lóng ngóng với đôi tay bị còng cứng đơ, bị cáo ôm đầu hai đứa nhỏ, vùi mặt vào tóc con. Người cha liên tục hít hà mùi nắng cháy khét lẫn trên tóc con, hòa trong vị mồ hôi mặn chát, ánh mắt buồn rười rượi. Người vợ ẵm đứa con út 8 tháng tuổi trên tay, lùi lại mấy bước, để ba cha con có vài phút ít ỏi bên nhau, trước khi phiên tòa bắt đầu. Một nách đứa bé, tay còn lại chị liên tục lau lên má, bởi nước mắt cứ mãi tuôn như mưa.

Bị cáo Đức vốn làm nghề thợ xây. Do trước đây từng quét sơn cho nhà bà Nguyễn Thị Phi (50 tuổi, ngụ phường Phú Cát), Đức biết bà Phi thường đi tập thể dục vào buổi sáng. Con trai bà Phi lại đi làm ăn xa nhà, nên Đức có ý định đột nhập vào nhà trộm cắp.

Khoảng 5h30 ngày 7/12/2015, Đức mang theo một cây búa và một thanh sắt, trèo từ nhà bên cạnh lên tầng 2 nhà bà Phi, rồi dùng búa cạy cửa đột nhập vào nhà, đi từ tầng 2 xuống tầng 1 để tìm tài sản. 

Không may cho Đức, con dâu bà Phi là chị Nga (25 tuổi) đang nằm ngủ, nghe tiếng động liền đi xuống kiểm tra. Theo cáo trạng, biết mình bị lộ, kẻ cắp liền xông đến một tay nắm tóc, một tay dùng búa đưa lên cao đe dọa: “Mi mà la lên, tau đập 2 búa là chết liền”. 

Chị Nga hoảng sợ, chân tay cứng đờ, ngồi bệt xuống nên nhà. Đức ra lệnh: “Im, đi lên lầu lấy tiền”, rồi túm cổ áo kéo người phụ nữ lên tầng hai. Lúc kéo bị hại vào phòng ngủ, Đức tiếp tục dùng búa khống chế, buộc chị này lấy số tiền 1,1 triệu đồng trong túi xách. 

Thấy trong phòng có máy tính xách tay, kẻ cướp quyết định chiếm đoạt luôn. Sau khi lấy được tài sản, Đức yêu cầu người phụ nữ ngồi trong phòng, khóa cửa lại còn mình thì nhanh chân tẩu thoát. Khoảng 1 tiếng sau, chị Nga trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng. Đến chiều cùng ngày, kẻ cướp đã nhanh chóng sa lưới pháp luật.

Về phía Đức, sau khi ôm tài sản thoát ra ngoài, bị cáo đi bộ đến một quán cà phê quen cách đó mấy con đường. Sau khi uống cà phê xong, thấy trời mưa nên Đức gửi máy tính lại quán nhờ người quen giữ giúp. “Nhờ” vậy, nên sau khi hành vi bại lộ, cơ quan chức năng đã thu hồi tang vật, trả lại cho khổ chủ. Riêng số tiền 1,1 triệu, đến nay bị cáo vẫn chưa trả lại, tuy nhiên bị hại cũng không yêu cầu phải bồi thường.

“Chỉ cướp tiền, không cướp sắc”

Sau khi đại diện Viện kiểm sát tuyên bố bản cáo trạng, tòa hỏi Đức: “Bị cáo có ý kiến gì với bản cáo trạng không?”. Bị cáo cho rằng nhiều tình tiết của cáo trạng, không đúng với diễn biến vụ án. 

“Lúc chị Nga đi xuống, thấy bị cáo, liền la lên. Bị cáo nói mình là một thằng nghiện, chỉ cần tiền, không cần sắc. Chỉ cần chị Nga đưa tiền là bị cáo đi ngay, không làm hại gì. Chị Nga nói tiền để trên tầng 2, rồi dắt bị cáo lên. Bị cáo không khống chế bị hại. Trong phòng lúc này còn có điện thoại iphone nhưng vì nghĩ đây là phương tiện liên lạc cần thiết mỗi ngày, nên bị cáo để lại”.

Tại phiên tòa, bị cáo cố tự bào chữa cho hành vi phạm tội của mình. “Sáng đó, bị cáo đi uống cà phê, tình cờ gặp bà Phi nên mới nảy sinh ý định trộm cắp, chứ không hề có chuẩn bị từ trước như cáo trạng truy tố”. Tòa: “Bị cáo mang theo búa và thanh sắt làm gì?”. “Dạ để cạy cửa”. “Bị cáo và bị hại lên tầng 2, tay bị cáo có cầm gì không?”. “Dạ có cầm búa và thanh sắt”. “Bị cáo có túm tóc chị Nga không?”. “Dạ không”. “Bị cáo có khống chế chị Nga không?”. “Dạ không”. 

“Không, sao chị Nga lại răm rắp nghe lời bị cáo?”. “Dạ tại chị Nga sợ. Khi nghe bị cáo nói “chỉ cướp tiền, không cướp sắc, chị Nga mới yên tâm, nói tiền để trên phòng ngủ. Lúc lên tầng hai, chị Nga sợ không dám mở cửa vào phòng, bị cáo phải khẳng định thêm lần nữa mình chỉ “cướp tiền, không cướp sắc”, chị Nga mới dám vào phòng lục túi xách lấy tiền đưa”.

Đổ lỗi tại chính quyền

Trả lời câu hỏi: “Bị cáo chiếm đoạt tài sản để làm gì?” của nữ hội thẩm nhân dân, bị cáo kể khổ một hơi dài. 

Theo bị cáo, trước đây mình làm ăn sinh sống bình thường, nhưng từ khi địa phương đưa bị cáo vào “tầm ngắm”, khiến cuộc sống trở nên khó khăn. Đỉnh điểm của khó khăn mà bị cáo than thở, là do vợ chồng bị cáo buôn bán mấy thứ đồ chơi, nước uống ở khu đất giải tỏa, thì bị chính quyền địa phương tạm giữ phương tiện làm ăn, và phạt hành chính 4 triệu đồng. 

Vì không có tiền nộp phạt, phương tiện mưu sinh cũng không còn, hai vợ chồng cùng 3 đứa con nhỏ nheo nhóc phải “treo niêu” mấy ngày liền. Bị cáo sốt ruột, tìm cách đi ăn trộm, kiếm tiền nộp phạt để lấy xe hàng ra. Không ngờ tiền trộm cướp được, cầm chưa nóng tay đã bị bắt.

Vị hội thẩm giải thích, vì bị cáo có nhân thân xấu, nên địa phương mới đưa vào danh sách theo dõi. Năm 2001, bị cáo mới 15 tuổi nhưng đã nhiều lần vi phạm pháp luật, nên bị UBND tỉnh đưa vào cơ sở giáo dục 24 tháng; năm 2004 có hành vi gây gổ đánh nhau, bị công an TP. Huế xử phạt hành chính; năm 2008, 2010, bị cáo tiếp tục có hành vi gây rối trật tự công cộng và bị phạt hành chính.

Những “chiến tích” chưa dừng lại. Năm 2012, bị cáo tiếp tục bị phạt hành chính về hành vi điều khiển xe gây tai nạn giao thông; đến năm 2015 thì có hành vi đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ nên tiếp tục bị công an TP. Huế xử phạt hành chính.

“Quá khứ bị cáo có lỗi lầm, sai phạm. Nhưng không ai mãi chăm chăm nhìn vào quá khứ để đánh giá con người hiện tại. Nếu bị cáo chí thú làm ăn, lo kiếm tiền nuôi vợ nuôi con, không ai để ý, giám sát bị cáo làm gì”, nữ hội thẩm nhấn mạnh. 

Bà giải thích, địa phương không hề dồn ép, khiến bị cáo rơi vào hoàn cảnh như hôm nay. “Bị cáo đừng nghĩ vì mình nghèo, vì mình từng có lỗi lầm, nên địa phương để ý, khiến cuộc sống bị cáo bế tắc. Trước đây, bị cáo có rất nhiều hành vi sai trai, nhưng địa phương chỉ xử phạt hành chính, chưa bao giờ đề nghị đưa bị cáo đi cải tạo. Đây là lần đầu tiên bị cáo ra trước vành móng ngựa. Địa phương, cha mẹ, vợ con, không ai thúc ép, bắt buộc. Hành vi của bị cáo, chính là do bị cáo tự làm tự chịu”, vị hội thẩm nhắc nhở.

Được nói lời sau cùng, bị cáo xin tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm về với vợ con. “Bị cáo hứa sẽ cải tạo thật tốt để trở về, cùng vợ chăm sóc 3 đứa con, sống cuộc đời thật tử tế”. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đức 7 năm 6 tháng tù giam. 

Được dẫn giải ra xe, bị cáo còn cố quay đầu lại nhìn người thân. Vợ con, mẹ và em gái bị cáo ai nấy giàn dụa nước mắt. Níu lấy cánh tay khẳng khiu của vợ, bị cáo vội vã dặn dò: “Em ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe để còn làm lụng, chăm sóc các con”. /.

Đọc thêm