Kết cục có hậu vụ 'đại chiến' vì thăm nuôi con

(PLVN) - “Mẹ, mẹ nói ba đừng đi tù. Ba mà đi tù là con bỏ học ngay”, con gái bị cáo Vũ đỏ mắt “dọa” mẹ. Vợ bị cáo ngơ ngác nhìn bóng lưng cụp xuống của chồng, mắt hiện lên vẻ hoảng hốt. 
Trước giờ tòa tuyên án, các đối tượng trong vụ án đều có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố.
Trước giờ tòa tuyên án, các đối tượng trong vụ án đều có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố.

Vụ án “cố ý gây thương tích” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xét xử. Các bị cáo là Đỗ Thanh Quý (20 tuổi), Hoàng Công Minh Hiếu (20 tuổi) và Phan Gia Minh Vũ (48 tuổi, đều ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế). Do có mâu thuẫn từ trước, nên Quý hẹn anh rể của mình là Mai Út (36 tuổi) ra nói chuyện. Quý rủ Hiếu đi cùng. Út rủ anh rể mình là Vũ đi cùng. 

Tại điểm hẹn, hai bên xảy ra xô xát, dùng dao, vỏ chai bia tấn công nhau. Quý, Hiếu dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho Út với tỷ lệ tổn hại sức khỏe 5%, gây thương tích cho Vũ với tỷ lệ tổn hại sức khỏe 9%. Vũ dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho Quý 2%. Vụ án được khởi tố do Út, Vũ, Quý đều có đơn yêu cầu khởi tố hình sự.

Xung đột vì thăm nuôi con

Một tuần trước khi vụ án xảy ra, Út và chị gái của Quý đã ra tòa ly hôn. Tòa xử Út nuôi đứa con trai nhỏ 2 tuổi. Vợ Út nuôi đứa con trai lớn 4 tuổi. Nhưng hai người xảy ra xung đột trong việc thăm nuôi con. Biết chị gái và anh rể mâu thuẫn trong việc thăm nuôi con, Quý hẹn Út ra “nói chuyện”, rồi dẫn đến ẩu đả.

Chủ tọa nói với Út và vợ cũ, “đầu sỏ” gây nên vụ việc: “Pháp luật có quy định rõ, sau ly hôn, việc thăm nuôi con không bị hạn chế, người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Mâu thuẫn ở đây rất nhỏ nhặt, anh chị lại không giải quyết, dàn xếp được, để đến nỗi mọi người đều phải ra đứng đây, có đáng không?”. Khán phòng chật kín người, bỗng chốc yên ắng hẳn. Những người dự khán, phần lớn đều là người thân hai bên gia đình từng là thông gia.

Mẹ bị cáo Quý nói với tòa, biết con trai gọi điện hẹn gặp con rể, bà đã can ngăn. Sau đó thấy con rể gọi đến, bà giấu điện thoại của con trai đi. Điện thoại cứ reo mãi, nên bà bắt máy. “Tui nói với hắn, không gặp chi hết, con trai tui không đi đâu. Về đi, đừng đợi”. Dẫu vậy bà vẫn không ngăn được cuộc gặp mặt, nên gọi con gái chạy đến để để can ngăn. 

Út đến tòa với tư cách người bị hại. Anh “tố”: “Tôi không đồng ý gặp mặt. Nhưng bị cáo Quý dọa, nếu tôi không đến thì sẽ đến giết cả nhà tôi. Tôi sợ nên phải đến”. Út nói: “Tôi muốn tố Quý thêm tội “đe dọa giết người”.

Bị cáo Vũ lúc đầu không thừa nhận mình dùng hung khí đánh Quý gây thương tích 2%. Sau đó thì nhận tội, nhưng một mực cho rằng, hành vi trên của bị cáo là “phòng vệ chính đáng”. Biện bạch này bị tòa bác bỏ.

“Lúc biết chuyện, tôi cũng ngăn không để Út đi, nhưng can không được nên đi theo. Cũng muốn giúp hòa giải để mấy đứa nhỏ còn có đường lui tới bên nội, bên ngoại. Không ngờ…”, bị cáo Vũ giọng buồn buồn. Trong thực tế, khi bị cáo đến, đôi bên mới nói được mấy câu thì ẩu đả đến đổ máu. Bị cáo Vũ là người bị thương nặng nhất, bị chém đứt cơ cánh tay phải, phải vào viện cấp cứu. Út bị gãy đốt ngón tay, bị chai bia đập vào đầu gây chảy máu.

Rút đơn

Sau khi vụ việc xảy ra, vốn dĩ hai nhà có mối quan hệ thông gia, nhưng vẫn không dàn xếp được. Cha bị cáo Quý nói với tòa: “Họ đòi giá cao quá, nhà tui không đủ sức. Gia đình tui bồi thường trước một phần mà họ không nhận”. Tòa: “Ông đưa một phần tiền, mà yêu cầu họ rút đơn bãi nại, nên họ mới không nhận”.

Bị cáo Vũ, đồng thời cũng là bị hại trong vụ án, yêu cầu bị cáo Quý bồi thường 160 triệu đồng tiền thuốc men, tổn thất tinh thần, tổn thất thu nhập… Hai bên không thỏa thuận được. Gia đình bị cáo Quý nói chỉ đủ khả năng bồi thường ở mức 70 triệu, sau đó giảm xuống 50 triệu. Tại tòa, bị cáo Quý nói sẽ bồi thường theo mức phán quyết của tòa.

Trong khi bị cáo Quý và bị cáo Vũ đều bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”, thì bị cáo Hiếu lại bị tạm giam. Đến ngày xét xử, Hiếu bị tạm giam đã gần nửa năm. Nhìn Hiếu tay chân bị xích cùm, bị dẫn đến rồi dẫn đi, người thân đỏ hoe mắt: “Chuyện nhà người ta, can chi đến mình mà hắn cũng “hăng hái”, để giờ ra nông nỗi ni…”.

Đại diện VKS đề nghị mức án với bị cáo Quý từ 15-18 tháng tù giam; bị cáo Hiếu 12-15 tháng tù giam; bị cáo Vũ từ 6-12 tháng tù treo.

Phiên tòa xét xử kéo dài từ sáng cho đến 2h chiều mới kết thúc phần tranh luận. Nhận định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần nhiều thời gian để nghị án, tòa quyết định một tuần sau mới tuyên án.

Không ai ngờ vụ án đã kết thúc có phần “có hậu”. Vụ án “cố ý gây thương tích” được khởi tố theo khoản 1 Điều 104 BLHS (khởi tố theo yêu cầu của bị hại). Đối với trường hợp này, luật quy định “người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ (khoản 2 điều 105 BLHS).

Có lẽ, sau khi nghe mức án mà đại diện VKS đề nghị, các bị cáo mới thực sự hoảng hốt, ý thức được hậu quả nặng nề của vụ việc. Vì vậy, trước giờ tòa tuyên án, bị hại Út, các bị cáo và cũng là bị hại trong vụ án đều có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố.

Vì vậy, tòa quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do cho bị cáo Hiếu ngay tại tòa. 

Đọc thêm