Lá cây khô gây nghiện vẫn 'ngoài vùng phủ sóng' pháp luật

(PLO) - Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán các loại lá cây khô có chất gây nghiện như lá Khat, cỏ Mỹ là cực kỳ nguy hiểm nhưng các loại lá trên không thuộc danh mục chất ma túy quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành nên không thể xử lý hình sự.  
Lá cây khô gây nghiện vẫn 'ngoài vùng phủ sóng' pháp luật

Ma túy đội lộ trà khô “lọt lưới” pháp luật

Công an TP HCM vừa ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi nhập khẩu và xuất khẩu lá cây khô có chứa thành phần Cathinone và Cathine có xuất xứ từ Kenya (châu Phi) của ông Hassabelrasoul Adam Ahmedalwahado (57 tuổi, quốc tịch Sudan) - Giám đốc Cty TNHH Đầu tư và Xúc tiến thương mại SABO (Công ty SABO). 

Theo nội dung vụ việc, ngày 14/5/2016, Cty SABO mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khai báo hàng hóa nhập khẩu là chè đen xuất xứ từ Kenya (châu Phi). Quá trình thông quan, lực lượng hải quan kiểm tra, phát hiện có 18 thùng carton chứa 172kg lá khô nghi có chất cấm. Qua giám định các mẫu lá trên có chứa thành phần Cathinone và Cathine nên hồ sơ vụ việc và tang vật được chuyển giao cho cơ quan CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) - Công an TP HCM điều tra theo thẩm quyền.

Đến ngày 18/5/2016, CQĐT khám xét khẩn cấp trụ sở Cty SABO tại quận 1, thu giữ thêm 9 thùng carton chứa 100kg lá khô tương tự như số hàng bị phát hiện, thu giữ tại sân bay. Căn cứ theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP và Nghị định 126/2015/NĐ-CP thì lá cây khô nêu trên không nằm trong nhóm cần sa, thuốc phiện, lá coca. Mặc dù các lá trên chứa tinh chất Cathinone và Cathine- có chất gây nghiện có thể gây ra nhiều chứng bệnh thuộc nhóm rối loạn tâm thần, ảo giác nhưng do không nằm trong danh mục tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy nên không có căn cứ xử lý hình sự đối với ông Hassabelrasoul về các tội liên quan đến ma túy.

Ngày 25/5/2016, Phòng PC47 đã bàn giao hồ sơ vi phạm của Cty SABO cho Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) - Công an TP HCM để tiếp tục xác minh hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. 

Sửa luật để không bỏ lọt tội phạm

Ngoài vụ vận chuyển lá khô của Cty SABO, gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển cỏ Mỹ, lá Khát có chứa thành phần chất gây nghiện. Theo đó, chất XLR-11 trong cỏ Mỹ đã được bổ sung vào danh mục các chất ma túy tại Nghị định 126/2015, còn chất Cathinone có trong lá Khát nằm trong mục I (các chất tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội) quy định tại Nghị định 82/2013 của Chính phủ.

Tuy nhiên, hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ cỏ Mỹ và lá Khát lại chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 nên việc đấu tranh, xử lý gặp khó khăn. Vì theo Điều 247 Bộ luật Hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy quy định khá chi tiết và đầy đủ chỉ các thành phần lá, rễ, cành, quả cây thuốc phiện, cần sa, cô ca mới cấu thành tội danh này. Chưa kể, hiện cũng chưa có văn bản nào quy định về hàng cấm và định lượng buộc tội đối với hành vi liên quan đến các loại lá cây khô có chứa thành phần Cathinone và Cathine.

Liên quan đến thực trạng trên, một chuyên gia pháp luật cho rằng, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự như sau: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do các loại lá cây khô có chứa chất ma túy trên hoàn toàn mới, trước đó chưa xuất hiện tại Việt Nam, Bộ luật của chúng ta chưa quy định nên việc hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán chưa bị xử lý hình sự là phù hợp. 

Khắc phục những bất cập trên, dự thảo Bộ luật Hình sự mới đã bổ sung thêm những chất ma túy mà chúng ta đã biết rõ tên, nguồn gốc. Đó là chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá Khat - một loại lá đã xuất hiện ở nước ta. Còn những cây khác có chứa chất ma túy mà chúng ta chưa biết được thì chưa nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự. Trên tinh thần đó, không nên có quy định quét “cây khác có chứa chất ma túy” trong các điều luật của Bộ luật Hình sự quy định các tội phạm về ma túy. 

Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã chỉnh lý, quy định cụ thể bốn trường hợp xác định hàm lượng chất ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích. Đó là: Chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; chất ma túy trong thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Đây cũng là nội dung đã được liên ngành tư pháp trung ương thống nhất tại Thông tư liên tịch 08/2015 giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Tư pháp. Theo đánh giá, quy định này sẽ tránh được việc các cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác nhau về giám định hàm lượng chất ma túy. Đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các vụ án không thu giữ được ma túy. 

Đọc thêm