Lần đầu tiên pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự tại Phú Thọ

(PLVN) - Như PLVN đã thông tin, trước việc trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thanh nhôm định hình có yếu tố xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ,  Cty CP Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp (Nhôm Việt Pháp SHAL-Ninh Bình) đã có đơn đến cơ quan chức năng đề nghị xử lý.
Bị cáo Phụ nói về… chống gian lận thương mại vào năm 2016 (Hình internet)
Bị cáo Phụ nói về… chống gian lận thương mại vào năm 2016 (Hình internet)

Mới đây, cơ quan tố tụng Phú Thọ đã khởi tố, truy tố và xét xử vụ “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” với bị cáo Vũ Văn Phụ (SN 1972, trú phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Cty CP Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp (Nhôm Việt Pháp), trụ sở Hà Nội. Đây được coi là vụ án hình sự đầu tiên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có bị cáo là pháp nhân thương mại, bị truy cứu theo quy định mới tại BLHS 2015. 

Hơn 42.000 thanh nhôm vi phạm

Vụ án được phát hiện vào tháng 4/2019 khi Công an Phú Thọ phát hiện tạm giữ hơn 42.000 thanh nhôm định hình (khoảng 170 tấn) có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp tại Chi nhánh Nhôm Việt Pháp ở KCN Trung Hà (huyện Tam Nông).

Kết luận giám định thể hiện sản phẩm đã giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ của Nhôm Việt Pháp SHAL-Ninh Bình. Công an Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Vũ Văn Phụ (Giám đốc Nhôm Việt Pháp) và khởi tố bị can với pháp nhân do Phụ làm Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Theo KLĐT và Cáo trạng, năm 2015, Nhôm Việt Pháp thành lập Chi nhánh tại Phú Thọ, cũng do Phụ làm người đại diện theo pháp luật. Do không sản suất được nhôm thanh định hình nên sau khi mua nhôm phế liệu, Chi nhánh Phú Thọ chỉ sản xuất thành nhôm phôi bilet rồi thuê một công ty tại Hà Nội gia công, cán thành nhôm thanh định hình.

Sau khi nhập sản phẩm về Chi nhánh Phú Thọ, Phụ chỉ đạo các tổ sản xuất thực hiện đánh bóng, phun sơn và dán các loại tem nhãn, trong đó có tem nhãn mang nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, trùng với nhãn hiệu được bảo hộ của Nhôm Việt Pháp SHAL-Ninh Bình.

Trước đó, vào tháng 11/2017, Phụ đã ký hợp đồng với Cty TNHH Giấy Cozy (Từ Sơn, Bắc Ninh) mua các loại tem nhãn dán bảo vệ bề mặt sản phẩm nhôm thanh định hình, trong đó có tem nhãn “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”. Sau đó, Phụ chỉ đạo chuyển tem nhãn lên Phú Thọ để dán lên thanh nhôm định hình.

Khi có thành phẩm, Chi nhánh Phú Thọ xuất bán cho công ty mẹ (Nhôm Việt Pháp - trụ sở Hà Nội) và Cty CP Sản xuất Nhôm Xingfa- Nhà máy Nhôm Xingfa (cả 3 đơn vị có hoạt động mua bán này đều do Phụ làm GĐ - PV). Tiếp đó, hai công ty này đã bán sản phẩm cho 4 công ty khác tại Hà Nội.  

Được nhận lại vật chứng sau khi loại bỏ tem nhãn

Trong hơn 1 năm, Phụ đã chỉ đạo sản xuất hơn 316 tấn thanh nhôm định hình dán tem nhãn “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” và bán được hơn 144 tấn (trị giá hơn 11 tỷ). Còn hơn 171 tấn, Phụ chưa kịp tiêu thụ. CQĐT xác định, tổng giá trị hàng hóa vi phạm để truy cứu TNHS trong vụ này là hơn 23 tỷ.

Phụ là người chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, mua bán của Nhôm Việt Pháp và Chi nhánh Phú Thọ nên phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Ngoài ra, pháp nhân thương mại là Cty CP Nhôm Việt Pháp cũng phải chịu TNHS về tội danh này.

Tại phiên sơ thẩm ngày 14/1/2020, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt Phụ 500 triệu đồng (phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ 18 tháng); phạt Cty CP Nhôm Việt Pháp 5 tỷ đồng; buộc bồi thường thiệt hại về vật chất và uy tín cho Nhôm Việt Pháp SHAL-Ninh Bình hơn 514 triệu.

Về xử lý vật chứng, HĐXX quyết định trả lại cho bị cáo hơn 42.000 thanh nhôm định hình (trị giá gần 12 tỷ) sau khi loại bỏ tem nhãn vi phạm.

Trước phán quyết này, một số LS cho rằng, hơn 42.000 thanh nhôm định hình trên là vật mang yếu tố vi phạm có giá trị chứng minh tội phạm và định lượng mức độ phạm tội. Đồng thời, đây cũng là công cụ, phương tiện để bị cáo thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Như vậy, theo Điều 47 BLHS 2015 (về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm) thì vật chứng trên cần phải bị tịch thu, nộp ngân sách chứ không thể trả lại cho các bị cáo sau khi đã loại bỏ tem nhãn.

Cũng theo quy định tại Điều 47 BLHS thì vật hoặc tiền do phạm tội mà có cần phải được tịch thu sung vào ngân sách. Tuy nhiên, trong vụ án này, dù đã xác định lượng nhôm định hình mà bị cáo đã bán ra thị trường trị giá hơn 11 tỷ nhưng các cơ quan tố tụng vẫn không xác định được số tiền lãi bị cáo thu được là bao nhiêu (do không bóc tách được từng loại hàng). Vì vậy, bị cáo đã không bị tuyên phải nộp số tiền thu lời bất chính.

Trong vụ án này, ngoài hơn 42.000 thanh nhôm định hình giả mạo nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL-Ninh Bình, CQĐT còn phát hiện và tạm giữ hơn 11.000 thanh nhôm định hình mang tem nhãn “IMA ALUMINIUM”… Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) kết luận giám định dấu hiệu gắn trên sản phẩm trên là yếu tố xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ của một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Tuy nhiên, do hai công ty trên chưa có quan điểm về việc xử lý nên CQĐT đã tách ra để khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.

Đọc thêm