Lừa “chạy” vào trường cảnh sát, cựu cán bộ công an lĩnh án 14 năm tù

(PLO) - Sau khi nghỉ hưu, Hiển vẫn tự giới thiệu với nhiều người mình đang công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và vợ mình công tác tại Bộ Công an, có nhiều mối quan hệ có thể xin việc, xin học trong ngành. Tin tưởng, nhiều người đã đưa tiền cho Hiển mà không biết bị lừa.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Mai Văn Hiển (SN 1966, công an nghỉ hưu, ở quận Bắc Từ Liêm) và Tô Kỳ Thiệu (SN 1981, quê Vĩnh Phúc) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án vốn đều là những người có nhu cầu xin việc, xin học cho người thân trong ngành Công an.

Đã “về vườn” nhưng vẫn thích “nổ”

Theo cáo trạng, Hiển từng công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an, sau đó được nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, Hiển vẫn giới thiệu với những người quen biết bản thân đang công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, vợ công tác tại Bộ Công an, có nhiều mối quan hệ quen biết, có thể xin cho rất nhiều người đi học và công tác trong ngành Công an.

Do tin tưởng nên một số người đã đưa tiền và hồ sơ để nhờ Hiển xin học, xin việc hộ. Nhận tiền xong, Hiển sử dụng chi tiêu cá nhân, trả nợ hết.

Tài liệu điều tra thể hiện, khoảng tháng 8/2014, thông qua bạn bè, chị Trần Thị Dùng tình cờ quen biết với Hiển. Quá trình quen biết nhau, chị Dùng thấy Hiển tự giới thiệu bản thân đang công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, có nhiều mối quan hệ quen biết có thể xin học cho nhiều người vào ngành Công an và các cơ quan nhà nước. Tin tưởng, chị Dùng đã đặt vấn đề nhờ Hiển xin giúp con trai mình vào học tại Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND). Hiển đồng ý và ra giá là 670 triệu đồng, đặt cọc trước 300 triệu đồng.

 Ngày 19/8/2014, chị Dùng cùng người quen tới nhà Hiển đưa 80 triệu đồng để làm thủ tục ban đầu. Tại đây, Hiển viết giấy nhận tiền xin học cho cháu Trung (con trai chị Dùng) vào học tại Học viện CSND. Hôm sau, chị Dùng chuyển tiếp số tiền 220 triệu đồng vào tài khoản của Hiển để đủ 300 triệu đặt cọc. Nhận tiền xong, Hiển bảo với chị Dùng đến ngày 23/9/2014 sẽ có giấy báo nhập học.

Tuy nhiên, đến hẹn, Hiển vẫn chưa có giấy báo nhập học cho cháu Trung. Thay vào đó, Hiển tiếp tục “bàn mưu tính kế” với đồng bọn để chiếm đoạt tiền của chị Dùng.

Hiển bàn với Tô Kỳ Thiệu về việc làm giả giấy báo nhập học vào Học viện CSND để đưa cho chị Dùng. Sau đó, Thiệu đã đến quán photo ở quận Nam Từ Liêm làm mẫu giấy báo nhập học, rồi nhờ một người đàn ông không rõ lai lịch làm dấu giả của Học viện CSND cho mình với chi phí 1,2 triệu đồng. Khi có dấu giả trong tay, Thiệu đóng vào mẫu giấy báo nhập học đã thuê in trước đó rồi đưa cho Hiển.

Nhận giấy báo nhập học giả từ Thiệu, Hiển gọi điện thông báo cho gia đình chị Dùng biết “tin vui”. Nghe vậy, ngày 14/12/2014, vợ chồng chị Dùng cùng cháu Trung tới điểm hẹn gặp Hiển để nhận giấy báo và đưa 370 triệu đồng còn lại theo cam kết. Nhận tiền xong, Hiển và Thiệu hứa hẹn với gia đình chị Dùng sẽ đưa cháu Trung tới trường nhập học. Tuy nhiên, cứ đến ngày hẹn, ông ta lại lấy lí do này khác để trì hoãn.

Thấy Hiển và Thiệu không thực hiện như hứa hẹn, ngày 24/3/2015, chị Dùng tới gặp bộ đôi để đòi tiền. Gặp nhau, chị Dung được Hiển viết cho một giấy nhận nợ với nội dung hôm sau sẽ trả toàn bộ số tiền 670 triệu đồng. Tuy nhiên, Hiển không thực hiện được theo giấy nợ.

Lừa 1,6 tỷ đồng, lĩnh 14 năm tù

Sau nhiều tháng đòi tiền Hiển không được, gần cuối tháng 8/2015, chị Dùng làm đơn gửi ra Cơ quan Cảnh sát điều tra tố cáo Hiển và Thiệu. Tại cơ quan điều tra, Hiển thừa nhận sau khi nhận tiền của gia đình chị Dùng đã không làm gì để giúp xin học cho cháu Trung như hứa hẹn mà sử dụng chi tiêu cá nhân và trả nợ hết. Số tiền chiếm đoạt được của chị Dùng, Hiển khai đưa cho Thiệu 120 triệu đồng, đưa cho Phạm Hồng (đang chấp hành án tại Phân trại số 2, Trại giam Quảng Ninh) 300 triệu đồng để nhờ Hồng xin việc cho con chị Dùng, còn lại 250 triệu ông ta chi tiêu, sử dụng hết. Lời khai này của Hiển bị Hồng phủ nhận.

Ngoài hành vi trên, Hiển và Thiệu còn lừa đảo nhiều người khác. Cụ thể, khoảng tháng 7/2013, khi được một người bạn nhờ xin việc cho người thân vào ngành Công an, chị Đinh Thị Hồng Linh đã tới gặp Hiển đề đạt nguyện vọng và được Hiển đồng ý với giá 250 triệu đồng/suất. Tuy nhiên, sau 3 lần chuyển cho Hiển tổng số tiền 220 triệu đồng, chị Linh không thấy lời Hiển nói trở thành hiện thực.

Cơ quan chức năng xác định từ tháng 5/2013 đến ngày 14/12/2014, Hiển đã chiếm đoạt của 3 bị hại tổng số tiền 1,6 tỷ đồng, Thiệu chiếm đoạt 600 triệu đồng. Cụ thể, ngoài lần đồng phạm với Hiển chiếm đoạt tiền của chị Dùng, Thiệu còn lừa đảo, chiếm đoạt 230 triệu đồng của anh Trần Văn Thoáng (quê Hải Phòng). 

Theo cáo trạng, qua các mối quan hệ xã hội, anh Thoáng có quen biết Thiệu. Gặp nhau, Thiệu tự giới thiệu bản thân có quan hệ họ hàng với gia đình của nguyên Bộ trưởng Bộ Công an. Tin lời Thiệu nói, anh Thoáng đã gọi điện nhờ Thiệu xin giúp con trai mình vào học tại Học viện CSND do cháu không đủ điểm. Tuy nhiên, sau khi chuyển tổng số tiền 230 triệu đồng cho Thiệu, anh Thoáng mới “tá hỏa” khi biết Thiệu chỉ “chém gió” với mình.

TAND TP Hà Nội tuyên phạt Hiển 14 năm tù, Thiệu 11 năm tù.

Đọc thêm