Lý do UBKTTW xác minh vụ án liên quan cựu Bí thư Bến Cát

(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, thời gian qua dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, trước khi bị bắt là Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bến Cát, Đại biểu HĐND) bị cáo buộc “đồng phạm giúp sức” cho hai cán bộ Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” khi mua tài sản thế chấp của cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945, thời điểm ông Khanh bị bắt thì cụ Hiệp đã mất).
Sau khi tòa tuyên “nghị án kéo dài”, ông Khanh bị dẫn giải về trại giam.
Sau khi tòa tuyên “nghị án kéo dài”, ông Khanh bị dẫn giải về trại giam.

Ngày 18/12, khi phiên xử ông Khanh dự kiến sẽ tuyên án (VKS đề nghị mức án từ 14 – 16 năm tù - NV), Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào Bình Dương thẩm tra, xác minh sự việc liên quan ông Khanh. Cũng trong sáng 18/12, đúng ngày Đoàn kiểm tra vào làm việc, sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX tuyên bố “do vụ án phức tạp nên cần nghị án kéo dài”. Thời gian tuyên án dự kiến chiều 24/12.

“Đơn cầu cứu” của ông Khanh trước khi bị bắt

Theo Kế hoạch làm việc do ông Tô Quang Ngọc, Trưởng Đoàn kiểm tra, ký, sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh, thu thập, nghiên cứu các văn bản, tài liệu, chứng cứ; làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật với ông Khanh. Từ 18 - 20/12, Đoàn kiểm tra dự kiến làm việc với Công an tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh, Ban Thường vụ Thị ủy Bến Cát, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy. 

Nội dung làm việc “theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến đồng chí Nguyễn Hồng Khanh”.

Trước khi bị bắt, trong “Đơn cầu cứu” gửi các cơ quan chức năng, ông Khanh cho rằng cơ quan chức năng Bình Dương đã vi phạm một số vấn đề như khi ông bị đơn thư tố cáo, thì đã không chuyển Ủy ban Kiểm tra xem xét xác minh mà lập tức cho công an điều tra...

Theo đơn, “nút thắt” của vấn đề có thể bắt đầu từ sự kiện tháng 6/2016, tại kỳ họp thứ nhất HĐND thị xã Bến Cát nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Trương Tấn Dũng, trước đó là Chủ tịch UBND Bến Cát, đã không được bầu tiếp tục giữ chức vụ này.

Hơn một tháng sau đó, theo Thông báo số 132-TB/TU của Tỉnh ủy Bình Dương ngày 26/7/216, kết quả bầu cử Chủ tịch UBND Bến Cát như trên “nguyên nhân sâu xa là tình trạng bằng mặt, không bằng lòng”.

Trong Thông báo số 197-TB/TU ngày 27/10/2016 nêu rõ hơn: “Có biểu hiện mất đoàn kết, nhất là giữa đồng chí Nguyễn Hồng Khanh và đồng chí Trương Tấn Dũng”. Cũng trong thông báo này, về phần nhận xét với ông Dũng, nêu rõ: “Bản thân có nhiều sự việc bằng mặt không bằng lòng, có biểu hiện mất đoàn kết với đồng chí Nguyễn Hồng Khanh”.

Ngày 10/8/2019, theo Thông báo số 137-TB/TU, có nội dung ông Khanh (khi đó là Bí thư Thị ủy Bến Cát) “không chủ động báo cáo tình hình cho cấp trên về sự tín nhiệm của đồng chí Dũng với chức danh Chủ tịch UBND thị xã (chỉ khi được hỏi mới trao đổi)…”.

“Đơn kêu cứu” ông Khanh gửi một số cơ quan chức năng trước khi bị bắt.
 “Đơn kêu cứu” ông Khanh gửi một số cơ quan chức năng trước khi bị bắt.

Trước nhận xét này, trong nhiều văn bản, biên bản làm việc, ông Khanh đã giải trình nguyên nhân ông Dũng chỉ được 10/40 phiếu bầu, “nguyên nhân chính là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phong cách giao tiếp của đồng chí Dũng với các phòng ban, xã phường, khối đoàn thể chưa tế nhị, dẫn đến không được lòng của cấp dưới. Thường trực Thị ủy và bản thân tôi có nhắc nhở rất nhiều mà đồng chí Dũng chậm tiếp thu, sửa chữa…”.

Một báo cáo của Thị ủy Bến Cát cũng có nhận xét nguyên nhân khuyết điểm vi phạm của ông Dũng do: “Phong cách lãnh đạo còn quen với phong cách chỉ huy của lực lượng vũ trang, không phát huy tối đa vai trò tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn… (trước đó ông Dũng làm Trưởng Công an thị xã Bến Cát – NV); phê bình cấp dưới thiếu tế nhị… luôn cho ý kiến của mình là đúng; làm việc theo cảm tính…”. 

Ngày 24/11/2016, ông Khanh nhận quyết định điều động đến công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ngày 8/12/2016, Tỉnh ủy Bình Dương ra quyết định kỷ luật khiển trách với ông Khanh, một trong những nguyên nhân là “không báo cáo rõ tình hình và xin ý kiến cấp trên về sự tín nhiệm với đồng chí Trương Tấn Dũng”. Ông Dũng cũng bị kỷ luật khiển trách, điều chuyển về Công an tỉnh Bình Dương.

Sự “trùng hợp” bất thường 

Một sự “trùng hợp” bất thường là khi ông Khanh đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, bất ngờ có đơn tố giác hình sự với ông Khanh. 

Ngày 16/10/2016, ông Nguyễn Hiệp Hòa (SN 1970) có đơn tố giác ông Khanh câu kết cán bộ BIDV “o ép” mẹ mình (khi đó đã qua đời – NV) bán đất giá rẻ. Bên ngoài đơn đề trực tiếp “Kính gửi ông Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương”.

Tại tòa, mới đây, ông Hòa khai trực tiếp đến trụ sở Công an Bình Dương gửi đơn, không gửi cán bộ hay Phòng Tiếp dân theo quy định mà gửi vào… Phòng bảo vệ. Khi được hỏi về biên nhận, ông Hòa nói không có biên nhận và thời điểm gửi đơn không được ghi vào sổ tiếp nhận. “Tôi chỉ biết gửi vào đó, ai nhận người đó nhận”, ông Hòa nói.

Thông tin xác minh tại tòa cho thấy đơn của ông Hòa nhanh chóng từ Phòng bảo vệ, không qua bất cứ quy trình thụ lý đơn tố giác cơ bản nào mà đi thẳng đến tay Giám đốc Công an tỉnh. Cùng ngày 16/10, Giám đốc Công an tỉnh lập tức giao Đại tá Trần Văn Chính, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương giải quyết. Ông Chính ra Quyết định 179/PC46 phân công Điều tra viên giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Cùng ngày 16/10/2016, không hiểu Công an Bình Dương phối hợp bằng cách nào mà Viện trưởng VKSND Bình Dương cũng ra Quyết định 55/QĐ/VKS–P1 phân công Kiểm sát viên.

Ở  đây cũng xảy ra hành vi thực hiện “quy trình ngược”, trái luật là ngày 16/10/2016 Công an và VKSND Bình Dương đã phân công điều tra viên, kiểm sát viên; nhưng hai hôm sau, ngày 18/10/2016, Công an Bình Dương mới ra thông báo tiếp nhận giải quyết tố giác. Theo đúng luật, khi nhận được đơn tố giác, phải ra thông báo tiếp nhận, mời người tố giác lên làm việc, cung cấp chứng cứ, sau đó mới phân công điều tra viên, kiểm sát viên.

Chưa hết, ngày 28/5/2018, ông Hòa lại có đơn xin rút tố cáo chỉ với các cán bộ ngân hàng. Tuy nhiên theo luật, tội danh này vẫn bị khởi tố không phụ thuộc vào việc người tố cáo rút đơn hay không.  

Ngoài những bất thường trên, theo Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP HCM, bào chữa cho ông Khanh), kiến nghị: “Việc thụ lý đơn tố giác, khởi tố, bắt tạm giam khi ông Khanh là Tỉnh ủy viên, Đại biểu HĐND có nhiều vấn đề cần được làm rõ.  Theo tôi, UBKTTW cần làm rõ về quy trình xử lý Đảng viên khi có đơn tố giác và khi có dấu hiệu phạm tội cần khởi tố, bắt tạm giam”.

Đọc thêm