Xét xử phúc thẩm đại án ALCII: Bản án sơ thẩm tuyên bất lợi cho người làm chứng?

(PLVN) - Tại phần tranh luận, đại diện VKS nêu: “Việc vay mượn, trả nợ giữa Hảo và ông Tám chấm dứt trước khi vụ án được phát hiện. Trong vụ án “tham ô tài sản” ông Tám thực tế chỉ là người làm chứng nên không thể buộc ông Tám có trách nhiệm nộp lại 75 tỷ đồng như bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm tuyên như thế là bất lợi cho ông Tám và khó thi hành”.
Ông Hảo đề nghị phát mãi KCH Trường An để bồi thường 75 tỷ cho ALCII.
Ông Hảo đề nghị phát mãi KCH Trường An để bồi thường 75 tỷ cho ALCII.

Sáng qua (23/11), TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm vụ bị cáo Vũ Quốc Hảo (SN 1955, TGĐ Cty cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn – ALCII) và Đặng Văn Hai (SN 1957, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Xây dựng & Thương mại Quang Vinh) “Tham ô tài sản” tại ALCII.

Phiên phúc thẩm lần này chỉ xác định lại trách nhiệm bồi thường của Hảo, Hai với ALCII và trách nhiệm của những người liên quan khác. Về mặt trách nhiệm hình sự, do Hảo, Hai không kháng cáo nên không xem xét.

Người tham ô có tài sản để bồi thường 

Phiên tòa lần này vắng mặt nhiều người, trong đó có ông Lê Đoàn Tám, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo. LS Nguyễn Hữu Thao (Đoàn LS TP Hải Phòng) cho biết ông Tám vắng mặt vì đang bị bệnh nặng nên xin hoãn, nhưng không được sự đồng ý, HĐXX tiếp tục xét xử.

Theo án sơ thẩm, ông Hảo và ông Hai bị cáo buộc cấu kết tham ô gần 120 tỷ của ALCII thông qua hành vi ký hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán tài sản vào ngày 2/3/2009.

Ông Hảo, ông Hai và một loạt bị cáo khác đã bị TAND TP HCM xử sơ thẩm hối cuối tháng 11/2019 về tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với 2 bản án tử hình và 9 án tù.

Đáng chú ý, trong phần trách nhiệm bồi thường của các bị cáo cho ALCII, cấp sơ thẩm lại buộc ông Lê Đoàn Tám (SN 1958, GĐ Cty TNHH đóng tàu Đại Dương tại Hải Phòng) nộp lại 75 tỷ để đảm bảo cho việc thi hành nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Hảo.

Ông Tám là người cho bị cáo Hảo vay 75 tỷ đồng (gồm cả tiền lãi) để đầu tư, góp vốn vào Khu căn hộ Trường An của Cty TNHH Hàm Rồng năm 2008. Năm 2009, Hảo trả cho ông Tám 75 tỷ đã vay. Cấp sơ thẩm cho rằng 75 tỷ Hảo trả cho ông Tám là tiền tham ô từ ALCII nên buộc ông Tám nộp lại.

Phần dân sự (trong vụ án hình sự) bị nhiều người liên quan kháng cáo. Ông Tám kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm không buộc ông phải nộp 75 tỷ bảo đảm thi hành án của Hảo; ALCII kháng cáo đòi phát mãi Khu căn hộ Trường An để thực hiện các khoản nợ theo quyết định phá sản; Cty Hàm Rồng kháng cáo đề nghị sửa án sơ thẩm, trong đó không công nhận ông Hảo góp vốn vào Hàm Rồng là 50,63% trong Khu căn hộ (KCH) Trường An; BIDV đòi sửa án sơ thẩm tuyên phát mãi KCH Trường An để ưu tiên trả nợ cho BIDV; Một số pháp nhân khác cũng kháng cáo đòi phát mãi KCH Trường An để trả nợ theo quyết định phá sản ALCII năm 2019.

Đại diện VKSND Cấp cao giữ nguyên kháng nghị  

Tại phiên xử, trả lời HĐXX, ông Hảo cho biết: “Tôi và ông Tám quen biết nên có vay 2 lần tổng cộng 75 tỷ (gồm cả tiền lãi) để đầu tư vào KCH Trường An. Do không có tiền trả nợ, tôi đã cùng Hai ký hợp đồng không có thật vào tháng 3/2009 để rút ra khỏi ALCII 120 tỷ, trả cho ông Tám 75 tỷ”.

Ngoài 75 tỷ đồng vay của ông Tám, ông Hảo cho rằng có góp thêm vào hơn 4 tỷ đồng nên tổng số góp vốn của ông là 79 tỷ đồng vào KCH Trường An. Ông Hảo đề nghị phát mãi KCH Trường An để trả 75 tỷ đồng cho ALCII.

Ông Hai khai 120 tỷ từ ALCII chuyển vào tài khoản Cty của ông. Sau đó ông dùng tiền mặt trả 75 tỷ cho ông Tám. Tất cả giao dịch vay và trả nợ kết thúc trước khi vụ án “tham ô” bị phát hiện và khởi tố.

Tại phần tranh luận, đại diện VKS nêu: “Việc vay mượn, trả nợ giữa ông Hảo và ông Tám chấm dứt trước khi vụ án được phát hiện. Trong vụ án “tham ô tài sản” ông Tám thực tế chỉ là người làm chứng nên không thể buộc ông Tám có trách nhiệm nộp lại 75 tỷ đồng như bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm tuyên như thế là bất lợi cho ông Tám và khó thi hành”.

Nguồn gốc hình thành KCH Trường An là tài sản ông Hảo (75 tỷ vay của ông Tám) và Cty Hàm Rồng vay của BIDV. Tuy nhiên, hợp đồng thế chấp giữa BIDV và Hàm Rồng là hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nên không đúng pháp luật, không được công chứng nên không được ưu tiên phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Mặc khác, việc vay mượn của BIDV và Hàm Rồng đã được giải quyết bằng một vụ án khác nên không thể được xác định lại trong vụ này. Từ đó VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của BIDV.

VKS đề nghị HĐXX tuyên không buộc ông Tám phải có trách nhiệm nộp 75 tỷ. Tiếp tục kê biên KCH Trường An để thực hiện các nghĩa vụ theo thứ tự như sau: Phát mãi để thu hồi 75 tỷ ông Hảo đã tham ô; Trả 92 tỷ nợ gốc Hàm Rồng đã vay của BIDV; Nộp 3,4 tỷ Hàm Rồng nhận từ ông Hảo; Thực hiện nghĩa vụ của ông Hảo tại ALCII theo quyết định phá sản nhưng không quá mức 50,63% phần vốn góp của ông Hảo.

LS Thao đồng ý với đề nghị của VKS: “Luật Phòng chống tham nhũng tại khoản 2 Điều 93 nêu rõ: “Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; Người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo pháp luật”. Ông Tám không có mối quan hệ nhân quả với hành vi tham ô gây ra thiệt hại cho Nhà nước của ông Hảo. Ông Tám không phải chịu trách nhiệm bồi thường 75 tỷ cho ALCII”.

“Mặt khác, ông Hảo đang có tài sản để bồi thường cho ALCII, là 50,63% phần vốn góp tại KCH Trường An. Dù tôi nhiều lần đề nghị phải định giá xác định giá trị KCH Trường An nhưng chưa được chấp nhận. Hiện có đơn vị ra giá là 195 tỷ đồng, vì thế ông Hảo có hơn 98 tỷ. Số tiền này cao hơn số tiền 75 tỷ đồng mà ông Hảo tham ô từ ALCII và chưa được ưu tiên để trả nợ hoặc thực thi bản án có hiệu lực pháp luật nào. Việc thu hồi tài sản về cho Nhà nước là ưu tiên hàng đầu nên việc buộc ông Hảo bồi thường cho ALCII từ phát mãi KCH Trường An là có căn cứ, nhanh chóng và dễ dàng”, LS Thao nêu.

HĐXX cho biết cần nghị án kéo dài nên dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 25/11.

Đọc thêm