Ngày đầu xét xử vụ kiến dự án Hòa Lân: Đòi hỏi của nguyên đơn bị đánh giá thiếu cả lý lẫn tình

(PLVN) - Hôm qua (4/8), TAND quận 7, TP HCM mở lại phiên xử sơ thẩm vụ kiện đòi “hủy kết quả đấu giá”, đòi lại dự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương) của Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú đã bị bán đấu giá để thu hồi nợ xấu.
Việc bà Hà Thị Hồng Quyền (ngồi) vừa là đại diện cho Thiên Phú, vừa đại diện cho bà Hường và bà Châu được tranh cãi gay gắt tại tòa
Việc bà Hà Thị Hồng Quyền (ngồi) vừa là đại diện cho Thiên Phú, vừa đại diện cho bà Hường và bà Châu được tranh cãi gay gắt tại tòa

Yêu cầu dừng phiên tòa không được chấp nhận

Vụ án đã từng được TAND quận 7 mở phiên xét xử sơ thẩm. Nhưng ngày 11/3/2020, do phát sinh tình tiết bất khả kháng nên tòa phải hoãn phiên xử.

Sau khi tòa hoãn, thì phát sinh nhiều vấn đề: Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Thiên Phú bị bắt vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Bà Phạm Thị Hường (ngụ phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) mua lại phần vốn góp 89,1 tỷ đồng tương đương 99% của ông Sơn; và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (cùng ngụ địa chỉ, là con dâu bà Hường) nhận chuyển nhượng từ ông Trương Thành Phú (có 1% vốn góp) phần vốn góp 900 triệu đồng.

Mặc dù, tại thời điểm trước khi ông Bùi Thế Sơn bị bắt, Thiên Phú không còn bất cứ dự án, tài sản nào và đang nợ hàng trăm tỷ đồng. Sau khi mua phần vốn góp, bà Hường và bà Châu yêu cầu tòa được làm “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”; trong trại giam, ông Sơn có đơn xin rút đơn khởi kiện, yêu cầu đình chỉ vụ kiện mà TAND quận 7 đang thụ lý.

Tại tòa, bà Hà Thị Hồng Quyên (SN 1970) người đại diện cho bà Hường và bà Châu trình bày: “Tòa cần dừng vụ án hoặc tạm đình chỉ để chờ vụ án mà bà Hường, bà Châu đang khởi kiện ông Sơn, ông Phú về chuyển nhượng vốn góp nêu trên mà TAND tỉnh Bình Dương thụ lý; Việc khiếu nại giải quyết yêu cầu độc lập của bà Hường, bà Châu đối với TAND quận 7”.

Phía bị đơn là công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, ngân hàng Agribank và bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Tập đoàn Kim Oanh, văn phòng công chứng đề nghị đình chỉ vụ kiện vì Thiên Phú không có tư cách khởi kiện, ông Bùi Thế Sơn đã rút đơn khởi kiện. Đồng thời các bên yêu cầu xem xét tư cách là người đại diện của bà Quyên khi vừa là đại diện cho Thiên Phú, vừa đại diện cho bà Hường, bà Châu trong vụ kiện này.

Đại diện Kim Oanh trình bày: Căn cứ Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì việc bà Châu đại diện cho Thiên Phú và bà Hường, bà Châu là không cho phép.

Sau hội ý, HĐXX quyết định: Tiếp tục phiên xét xử, việc đình chỉ hay tạm đình chỉ sẽ được xem xét trong quá trình tiến hành xét xử. Chủ tọa phiên tòa Lê Thị Phơ nêu: Ngày 5/5/2020, tòa có nhận được đơn yêu cầu độc lập của bà Hường, bà Châu nhưng do bà Quyên ký nên không có cơ sở chấp nhận. Tòa trả lời bằng văn bản và sau đó nhận được khiếu nại. Tuy nhiên, trong buổi làm việc sau khi có khiếu nại, bà Quyên đã rút khiếu nại, rút yêu cầu độc lập nên không có cơ sở để giải quyết trong phiên tòa hôm nay.

Quang cảnh phiên tòa chiều 4/8
Quang cảnh phiên tòa chiều 4/8 

Thiên Phú có quyền khởi kiện?

Tại phần tranh tụng, Công ty Thiên Phú đề nghị tòa tuyên vô hiệu các hợp đồng gồm: Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá năm 2017; Hai hợp đồng tín dụng giữa Thiên Phú với ngân hàng; Biên bản thỏa thuận giữa Thiên Phú và ngân hàng về bàn giao tài sản để tiến hành thủ tục đấu giá năm 2015; Hợp đồng bán đấu giá giữa Nam Sài Gòn và ngân hàng năm 2015; Một phần hợp đồng thế chấp tài sản là dự án Hòa Lân và ngân hàng và hủy kết quả đấu giá.

Công ty Thiên Phú cho rằng: Các văn bản trên đều có vi phạm pháp luật nên bị vô hiệu. Luật sư bảo vệ cho Thiên Phú nói rằng trong quá trình ký kết các văn bản nêu trên, Thiên Phú vi phạm pháp luật do không biết luật. Vì nợ ngàn tỷ nên ngân hàng bảo đưa tài sản nào vào thế chấp thì phải đưa. Ngân hàng yêu cầu ký thì phải ký. Đến đầu năm 2019, Thiên Phú rà soát lại hồ sơ mới biết được đã vi phạm nên khởi kiện.

Phía đại diện của Nam Sài Gòn phản bác: Thiên Phú không có quyền yêu cầu khởi kiện các vấn đề nêu trên đối với Nam Sài Gòn. Thứ nhất, biên bản thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, Thiên Phú tự nguyện bàn giao toàn bộ dự án gồm hồ sơ, tài sản cho ngân hàng. Biên bản này, không có sự tham gia của Nam Sài Gòn nên Thiên Phú không thể kiện Nam Sài Gòn được. 

Thứ hai, căn cứ Điều 299, Điều 301, Điều 303 BLDS 2015; Điều 56, khoản 1 Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm thì ngân hàng là bên có tài sản bán đấu giá”. Chủ thể của HĐMBTSĐG có ngân hàng, Kim Oanh và Nam Sài Gòn. Thiên Phú có mặt với tư cách chứng kiến và theo thỏa thuận là hỗ trợ hoàn tất thủ tục chuyển giao các quyền liên quan đến dự án nên không có quyền lợi, nghĩa vụ trong hợp đồng nói trên. Từ đó, Thiên Phú không có quyền khởi kiện.

Trong HĐMBTSĐG, Thiên Phú chỉ phát sinh yêu cầu về dân sự nếu có căn cứ cho rằng văn phòng công chứng có vi phạm trong việc công chứng. Nhưng nếu khởi kiện vấn đề này thì Thiên Phú phải kiện văn phòng công chứng và thẩm quyền giải quyết không thuộc TAND quận 7.

Thứ ba, căn cứ Điều 385 BLDS: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”. Do đó, hợp đồng bán đấu giá giữa Nam Sài Gòn và Agribank là quan hệ pháp luật giữa Nam Sài Gòn với Agribank. Thiên Phú không phải chủ thể giao kết hợp đồng nên không có quyền yêu cầu khởi kiện đòi hủy hợp đồng nêu trên.

Từ những căn cứ trên, đại diện Nam Sài Gòn nêu: “Nam Sài gòn không có giao dịch nào và cũng không có bất kỳ văn bản giao dịch nào với Thiên Phú đối với nội dung khởi kiện nói trên. TAND quân 7 thụ lý xét xử sai thẩm quyền; thụ lý vụ án sai; không đúng đơn khởi kiện; xác định sai tư cách tố tụng đối với Nam Sài Gòn. Từ đó chúng tôi phản đối, bác bỏ toàn bộ những yêu cầu của Thiên Phú đối với Nam Sài Gòn”.

Phía Kim Oanh cho rằng, biên bản thỏa thuận giữa Thiên Phú và ngân hàng về bàn giao tài sản để tiến hành thủ tục đấu giá năm 2015 và hợp đồng bán đấu giá giữa Nam Sài Gòn và ngân hàng năm 2015 đã hết hiệu lực khởi kiện nên đề nghị tòa bác đơn.

Phía Kim Oanh không đồng ý với tất cả các yêu cầu khởi kiện của Thiên Phú. “Yêu cầu của Thiên Phú vừa không có cơ sở pháp lý, vừa không đúng thực tế. Lạ thường, một Thiên Phú nợ ngàn tỷ không còn khả năng trả từ năm 2008 đến nay, không còn bất cứ tài sản nào, đang nợ lãi ngân hàng hàng trăm tỷ nhưng vẫn tuyên bố có tài chính để trả lại tiền đấu giá, bồi thường thiệt hại, thực hiện dự án?! Chưa kể, Thiên Phú đã vi phạm thời hạn thực hiện dự án, đáng lý ra phải thu hồi, giao lại cho Kim Oanh”. Phía ngân hàng và văn phòng công chứng cũng không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Thiên Phú.

Hôm nay phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra.

Đọc thêm