Người phụ nữ ai oán khóc trong phiên xử nhóm trộm “ngựa quen đường cũ”

(PLO) - Bà suốt ngày làm thuê làm mướn. Mới 4 giờ sáng đã ra ngoài đi phụ quán ăn. Quần quật làm thuê cả ngày mới kiếm được năm, bảy chục. Tối ngày cứ cắm cúi mưu sinh, nên con cái chơi với ai, bà cũng chẳng quản hết được. Đến lúc hay tin con trai đi cướp tài sản, bà hoảng hốt, sau hoảng hốt là bàng hoàng cùng bất lực...
Hai bị cáo từng có 5 tiền án về hành vi cướp giật, trộm cắp
Hai bị cáo từng có 5 tiền án về hành vi cướp giật, trộm cắp

...Cứ tưởng sau một năm ngồi tù, trở về con trai sẽ biết cải tà quy chính. Mấy năm trôi qua, thấy Hùng bình yên mà sống, bà cũng mừng thầm. Nghĩ cuối cùng con cũng đã lớn khôn hiểu chuyện. Vậy mà, mấy năm sau, Hùng lại đi ăn trộm, phải ngồi hơn một măm trong trại mới ra. Hai năm trước, Hùng lại tiếp tục đi ăn trộm, lại ngồi tiếp một năm tù.

Một bị cáo có mẹ, nhưng lại mất cha từ nhỏ. Bị cáo khác không cha không mẹ, phải nương nhờ tình thương của người dì. Cảnh nhà cả hai đều nghèo khổ, túng bấn, nhưng lại ham chơi, lười lao động, còn đua đòi hút chích. Nhiều lần ngồi tù, nhưng vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục vi phạm.

Bất lực

Sáng 1/8/2017, TAND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã mở phiên tòa xét xử hai bị cáo Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi, ngụ quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) và Nguyễn Vũ Giang Hà (31 tuổi, ngụ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội “Trộm cắp tài sản”.

Khán phòng rộng rãi nhưng chỉ có ba người phụ nữ dự khán. Mẹ, mẹ vợ và vợ bị cáo Hùng. Bị cáo Hà không có cha mẹ, nên chỉ có hai mẹ con người dì ruột đến dự khán, cũng chính là mẹ vợ và vợ bị cáo Hùng. Cả ba người phụ nữ ngồi tần ngần bên hành lang, ngóng trông chiếc xe tù mãi vẫn chưa chở người thân đến.

Mẹ Hùng ốm nhom, mặt mũi phờ phạc. Để về Huế dự phiên tòa hôm nay, bà phải bắt xe từ Đà Nẵng ra Huế từ chiều hôm trước. Người phụ nữ mới 50 tuổi nhưng trông lọm khọm, già nua. Từng nếp nhăn trên khuôn mặt khô quắt queo khiến bà trông già hơn cả chục tuổi. Đôi tay sần sùi, thô ráp cho thấy một người chuyên lao động nặng nhọc.

Bà kể, chồng mất sớm. Một mình phải tần tảo nuôi hai đứa con. Cảnh nhà chẳng mấy khấm khá, nên Hùng còn chưa học hết lớp 8 đã phải bỏ ngang. Rồi lông bông ra đời làm “thợ đụng” kiếm sống. Không có nghề nghiệp, con trai bà lúc thì làm thuê, khi thì phụ hồ, dăm bữa lại đi bán cà phê, tiền kiếm không được mấy, nhưng cũng sống được qua ngày.

Bà suốt ngày làm thuê làm mướn. Mới 4 giờ sáng đã ra ngoài đi phụ quán ăn. Quần quật làm thuê cả ngày mới kiếm được năm, bảy chục. Tối ngày cứ cắm cúi mưu sinh, nên con cái chơi với ai, bà cũng chẳng quản hết được. Đến lúc hay tin con trai đi cướp tài sản, bà hoảng hốt, sau hoảng hốt là bàng hoàng cùng bất lực. Cứ tưởng sau một năm ngồi tù, trở về con trai sẽ biết cải tà quy chính. Mấy năm trôi qua, thấy Hùng bình yên mà sống, bà cũng mừng thầm. Nghĩ cuối cùng con cũng đã lớn khôn hiểu chuyện. Vậy mà, mấy năm sau, Hùng lại đi ăn trộm, phải ngồi hơn một măm trong trại mới ra. Hai năm trước, Hùng lại tiếp tục đi ăn trộm, lại ngồi tiếp một năm tù. Nhìn con trai cứ vào vào ra ra nhà tù, bà chỉ biết bất lực. Thôi thì bà không cách gì dạy được con, đành phải nhờ đến luật pháp, nhờ đến xã hội dạy giúp, may ra con bà có cơ hội trở thành người tốt, sống một đời chân chính đàng hoàng.

Mấy tháng trước, Hùng cưới vợ. Bà mừng đến rớt nước mắt. Coi như đứa con trai lông bông cuối cùng cũng có người giữ được chân. Bà chỉ hy vọng, vợ chồng con trai bảo ban nhau mà sống,chí thú làm ăn, rồi sinh con đẻ cái, sống lương thiện hạnh phúc. Nhưng đâu ngờ trong một lần ra Huế ăn đám giỗ nhà vợ, con bà lại tiếp tục gây án.

Người mẹ lắc đầu, bảo con bà hết ngồi tù ở Đà Nẵng, giờ lại ra tận Huế lãnh án. Thân già như bà, sao vượt được hàng trăm cây số để đi bới xách, thăm nuôi.Bà già rồi, cứ đau ốm liên miên. Mấy đồng tiền còm cõi kiếm được, cái để ăn, cái mua thuốc, nên chẳng dư giả gì. Hôm nay đến tòa, bà cũng chẳng có gì nhiều để bới xách cho Hùng ngoài mấy quả ổi nằm lăn lóc trong giỏ và đôi ba hộp bánh. Chút quà ít ỏi đó, bà cũng tằn tiện lắm mới mua được.

Bà ngồi lặng lẽ nhìn ra cổng, đôi mắt đầy ưu tư lo lắng. Nước mắt cứ vấn vít chạy quanh nơi khóe mắt, lúc nào cũng chực chờ rớt xuống. Mãi đến lúc chiếc xe tù dừng lại nơi sân tòa, nhìn con trai bước xuống, giọt nước mắt chua xót cố nén nãy giờ cuối cùng cũng rớt xuống nơi vạt áo. Hùng ngẩng đầu nhìn mẹ rồi nhanh chóng cúi gằm xuống, nặng nề bước đi. Trong đôi mắt đứa con trai lầm lỗi như có chút ăn năn, có chút áy náy khi nhìn thấy dáng mẹ già nua nơi sân tòa.

“Ngựa quen đường cũ”

Phiên tòa bắt đầu, cả hai bị cáo đứng khép nép nơi vành móng ngựa. Bị cáo Hùng, bị cáo Hà đều tỏ ra ăn năn, hối hận, thành khẩn khai báo. Theo lời khai của hai bị cáo, 11 giờ đêm 19/4/2017, bị cáo Hùng rủ bị cáo Hà đi trộm cắp tài sản. Cả hai chở nhau trên chiếc xe máy do Hùng mượn của mẹ vợ, rồi rong ruổi khắp thành phố tìm nhà nào sơ hở thì đột nhập trộm cắp. Mãi đến 1 giờ sáng, cả hai mới phát hiện được một ngôi nhà ở phường Thủy Xuân có cửa sổ trên tầng 2 không đóng, nên quyết định dừng lại.

Hà đứng bên dưới cảnh giới, còn Hùng leo qua hàng rào, trèo lên tầng hai rồi bật đèn pin điện thoại lần mò tìm tài sản. Hùng lén lút đến phòng ngủ của chủ nhà trộm được một điện thoại và 1 ví da có 300 ngàn, sau đó sang phòng ngủ bên cạnh chiếm đoạt thêm 1 điện thoại. Tuy nhiên, chưa kịp tẩu thoát, Hùng bị chủ nhà phát hiện hô hoán. Trong lúc leo xuống, vì hoảng hốt nên Hùng trượt chân ngã, làm rơi mất chiếc điện thoại của bản thân và 1 trong hai chiếc điện thoại vừa trộm được trên sân nhà của khổ chủ. Thời gian khẩn cấp, nên Hùng đành bỏ mặc hai chiếc điện thoại rớt trên sân mà vội vàng leo rào ra ngoài rồi lên xe bỏ trốn. Tổng giá trị tài sản mà hai bị cáo chiếm đoạt là 5,6 triệu đồng.

Tòa hỏi bị cáo Hùng đã đi tù mấy lần. Hùng lí nhí khai đã ba lần vô tù. Tòa lại hỏi bị cáo Hà đã ra trước vành móng ngựa bao nhiêu lần, Hà run run giọng cho biết, đã hai lần ra tòa, đều là tội trộm cắp tài sản, nhưng may mắn đều được hưởng án treo. “Hai bị cáo có bị bệnh không?”. “Dạ không”. “Có nghiện ma túy không?”. “Dạ không”. “Không bệnh tật, không nghiện ngập, sao giờ người ta ngủ, mình không đi ngủ lại kéo nhau đi ăn trộm?”. Cả hai bị cáo cúi đầu không đáp.

Tòa hỏi bị cáo Hùng: “Ở trong tù có thoải mái hơn ở ngoài không?”. “Dạ không thoải mái”. “Không thoải mái sao lại đi ăn trộm để vô tù ngồi? Bị cáo có vợ con chưa?”. “Dạ có”. “Vậy bị cáo đi tù, vợ con ở nhà ai lo?”. Bị cáo lại cúi đầu.

Vợ bị cáo mới sinh dậy hơn tháng, tai còn dém kín bông vì sợ gió. Hai mắt chị cứ đỏ hoe hoe khi nhìn chồng. Chị kể, hai người quen nhau trên mạng facebook. Sau một thời gian nói chuyện qua lại thì yêu nhau. Tình yêu ở thế giới ảo nhanh chóng chuyển sang đời thường. Chẳng mấy chốc thì cả hai vượt rào. Đám cưới được tổ chức đôi ba tháng thì chị sinh con. Có điều trước ngày sinh chừng 1 tháng thì Hùng bị bắt về tội trộm cắp.

Tòa hỏi vợ bị cáo Hùng: “Trước khi kết hôn, chị có biết chồng mình từng phạm tội, đi tù không?”. Vợ Hùng rầu rĩ bảo không biết. Do thời gian quen biết, tìm hiểu quá ngắn nên không biết rõ về nhân thân của chồng. Hơn nữa,sau khi cưới, do bụng đã lớn, lại gần đến ngày sinh nở nên chị xin nhà chồng về nhà mẹ đẻ ở chờ sinh. Cũng vì thế mà quá khứ của Hùng, chị không biết mấy.

Người thân cơ cực

Mẹ vợ Hùng ngồi bên cạnh con gái, hết đưa mắt nhìn cô con gái ngồi khép nép bên mình, lại buồn bã đưa mắt nhìn con rể và cháu trai đứng nơi vành móng ngựa. Bà bảo nhà mình cũng nghèo. Chồng bà cũng mất nhiều năm trước. Bà một mình bươn chải nuôi ba đứa con. Cha mẹ Hà cũng mất sớm, nên bà đón đứa cháu ruột về cưu mang. Không có mẹ thì con dì. Bao nhiêu năm qua, bà cũng vừa làm cha, vừa làm mẹ, thay vợ chồng người em gái đã mất dạy dỗ Hà. Nhưng chẳng ngờ, cháu mình lại ra nông nỗi…

Bà bán rau ngoài chợ, kiếm chẳng được bao nhiêu. Cả gia đình rau cháo cũng qua bữa. Hà đã ngoài ba mươi tuổi, vậy mà vẫn còn lông bông lắm. Nhưng cháu đã nhiều tuổi như thế, bà có muốn quản cũng không quản nổi. Cứ nghĩ cháu mình đi bán cà phê, có chút thời gian rảnh thì la cà với bạn bè. Có ai sống mà không có bạn. Nhưng không ngờ lại theo bạn đi ăn trộm. Lần này, lại chính con rể bà dẫn dắt cháu bà vào đường phạm pháp. Hai lần trước, cháu bà còn may mắn được hưởng án treo. Nhưng lần này bà biết không có hy vọng.

Người phụ nữ ai oán khai với tòa, hôm đó bà cho con rể mượn xe, nhưng không hề biết con rể và cháu mình dắt nhau đi ăn trộm. “Nếu biết, sống chết chi tui cũng cản, thì mô đến nông nỗi như ngày hôm nay”, bà rầu rỉ. Bà bảo con gái mình vận khổ.Vì trót dại nên phải kết hôn. Mới kết hôn thì chồng đi tù. Nhìn con gái mới sinh dậy non ngày non tháng, nhưng cứ khóc ri rỉ suốt, khiến người làm mẹ như bà vô cùng chua xót. Rồi bà than, nhà bà đã cơ cực, mà nhà thông gia còn cực hơn. Tới đây, một mình bà phải vừa bươn chải, lo cho con gái cùng cháu ngoại, lại một lúc phải bới xách cho rể cùng cháu trai, chẳng biết có cáng đáng nổi không. Tiếng thở dài của bà, càng làm cho phòng xét xử thêm nặng nề, ảo não.

Do Hùng là người khởi xướng, cũng là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, nên tòa tuyên phạt bị cáo Hùng 2 năm tù. Bị cáo Hà là người giúp sức, nên bị phạt 9 tháng tù. Tòa tan, cả hai bị cáo được dẫn đi. Vợ bị cáo Hùng vội vã chạy theo nói chồng: “Để con lớn thêm chút nữa, em bồng lên trại cho anh thăm”.

Đọc thêm