Nỗi sợ phải trả giá của kẻ lừa chạy việc 31 người cùng khổ

(PLO) - Những bị hại của Hoa phần đông là nông dân, những người nghèo. Những đồng tiền xương máu, chắt chiu từ những vụ lúa ngoài đồng, từ những gánh hàng còm cõi ngoài chợ, có người cầm cả sổ đỏ đi vay ngân hàng... Họ chỉ mong con cái có một công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, mưa không ướt đầu, nắng không lấm tóc. Tiền trao đi, nhưng đợi họ không phải công việc, mà là thời gian dài dằng dặc không hồi đáp. Cuối cùng là điêu đứng khi biết mình sập bẫy lừa.
Giờ nghị án, bị cáo ngồi không nổi mà phải nằm dài trên ghế, sau đó chân tay liên tục run rẩy
Giờ nghị án, bị cáo ngồi không nổi mà phải nằm dài trên ghế, sau đó chân tay liên tục run rẩy

“Nhà bác làm ruộng. Tốn không biết bao nhiêu tiền mới cho con học xong đại học. Cầm được tấm bằng, lại tìm không ra việc, không lẽ đi làm công nhân. Bác cắn răng lên ngân hàng vay 50 triệu chạy việc cho con. Ai ngờ việc không có, lại đổ nợ. Mà con bác, cuối cùng vẫn phải đi làm công nhân”, đó là tâm sự của một nạn nhân trong vụ án lừa đảo xin việc, và cũng là tâm sự chung của 31 nạn nhân trong vụ án.

31 nạn nhân nông dân, người nghèo

Mới sáng sớm, nhưng sân TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đông nghẹt người. Họ đa phần là những bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mà bị cáo là Bùi Thị Quỳnh Hoa (61 tuổi, ngụ tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) gây ra. Nạn nhân của Hoa trải dài khắp nơi, từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Có người ở trung tâm thành phố, có người ở nông thôn, có người ở mãi tít tận vùng cao A Lưới.  

Từ tháng 11/2014 đến tháng 3/2016, Hoa dùng thủ đoạn gian dối, nói mình có quan hệ với một số người có chức vụ tại các Sở, Ban, Ngành ở tỉnh Thừa Thiên Huế nên có khả năng xin chuyển trường, xin được việc làm tại các cơ quan nhà nước như bệnh viện, trường học, Bảo tàng cố đô Huế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế… Có tất cả 31 người đã đưa tiền cho Hoa (hoặc đưa tiền thông qua người quen của Hoa) để nhờ Hoa xin việc giúp. Hoa đã chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng. 

Ngoài ra, bị cáo còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt bằng hình thức đưa ra thông tin gian dối như góp vốn kinh doanh hàng điện tử, vay tiền để đặt cọc xin việc làm và mua đất, mượn tiền để trả nợ cho người khác rồi chiếm đoạt của 3 bị hại khác với tổng số tiền là 500 triệu đồng.

Những bị hại của Hoa phần đông là nông dân, những người nghèo. Những đồng tiền xương máu, chắt chiu từ những vụ lúa ngoài đồng, từ những gánh hàng còm cõi ngoài chợ, có người cầm cả sổ đỏ đi vay ngân hàng... Họ chỉ mong con cái có một công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, mưa không ướt đầu, nắng không lấm tóc. Tiền trao đi, nhưng đợi họ không phải công việc, mà là thời gian dài dằng dặc không hồi đáp. Cuối cùng là điêu đứng khi biết mình sập bẫy lừa.

Hương, 26 tuổi, ở ngoại ô TP Huế, kể, cô học ngành điều dưỡng. Ra trường nhưng chẳng tìm được việc. Nghe người quen giới thiệu bà Hoa có mối quan hệ rất rộng tại các bệnh viện, có thể xin được một chân điều dưỡng, Hương bàn với mẹ, cả nhà xúc hết lúa đi bán. Đem 65 triệu cùng bộ hồ sơ sang nhà Hoa.

Hoa hẹn lúc nào Hương nhận được việc sẽ đưa nốt mấy chục triệu còn lại. Khi biết mình bị lừa, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Mẹ Hương thì xót tiền, đêm nằm trằn trọc chẳng cách gì ngủ nổi, mất ngủ triền miên khiến bà suýt nữa sinh bệnh. “Chừng đó tiền, đủ mua hai chiếc xe máy đó các anh chị”, Hương nói với giọng buồn buồn pha chút tiếc nuối. 

Mất tiền, không có việc, Hương xách gói ra Bắc, đi làm thuê đủ nghề. Rồi khi vụ việc được cơ quan điều tra vào cuộc, Hương phải liên tục xin nghỉ việc để vào Huế phục vụ điều tra. Riêng việc hầu tòa, cô cũng phải 3 lần khăn gói vào Huế tham dự. “Đợt này em vào Huế ở hẳn, không đi nữa. Chắc là đầu quân làm công nhân may cho công ty cạnh nhà”, Hương nói giọng buồn buồn.

Cầm sổ đỏ lấy tiền đưa “siêu lừa”

Một người đàn ông dáng khô quắt queo, trên mặt là chi chít những nếp nhăn. Gương mặt sạm đen, đôi bàn tay với những móng tay vàng khè vì quanh năm dính phèn trên đồng ruộng. “Nhà tui làm ruộng mấy đời ni rồi. Đến đời tui, cực mấy cũng ráng bán thóc bán lúa cho con học hành. Hắn lấy được bằng đại học, không biết vợ chồng tui phải mất bao nhiêu tấn lúa.

Tốn tiền cho con đi học, chỉ mong làm một ông giáo làng, rời xa đồng ruộng, xa cảnh chân lấm tay bùn. Nhưng cầm tấm bằng đại học, gõ cửa khắp nơi mà dễ chi mà có được việc. Thôi thì đã trót khổ, thì cố thêm tí nữa. Lúa trong bồ cũng đã hết, phải để dành ăn đến giáp hạt.

Vậy là cầm sổ đỏ đi vay 50 triệu, mong con kiếm được một chân đi dạy. Chứ không lẽ học xong lại đi làm công nhân. Ai ngờ tiền mất, mà việc không có, con tui giờ vẫn phải đi làm công nhân”, người đàn ông kể khổ.

Ruộng chỉ được mấy khoảnh, mỗi năm chỉ đủ lo cái ăn, cái mặc trong nhà. Nên nợ vay ngân hàng đã mấy năm, nhưng chỉ trả được mỗi tiền lãi. Tiền gốc thì vẫn nằm ì ra đó, chẳng biết lấy gì để trả. Niềm hy vọng bị cáo sẽ bồi thường tiền lại quá mong manh. Vẻ mặt buồn buồn càng khiến cho mấy nếp nhăn trên trán ông như dính chặt vào nhau. “Tui mất nhiêu đó là ít đấy. Bà kia mất những mấy trăm triệu lận”, người đàn ông đưa tay chỉ về phía một người phụ nữ. 

Chị này bảo, tui xin việc một lúc cho 2 đứa con, nên mới mất nhiều tiền vậy đó. Rồi chị tặc lưỡi, 300 triệu, là số tiền chị tích cóp cả đời ngồi lê la dãi gió dầm mưa ngoài chợ, nay mang hết ra “đầu tư” cho con, không ngờ mất trắng. “Mình buôn bán ngoài chợ. Cũng buôn bán lặt vặt thôi, nhưng ít ra còn đỡ hơn những người nông dân kia. Tiền nào cũng đầy mồ hôi nước mắt cả, nhưng có người bán từng hạt lúa, từng ruộng khoai để chạy việc cho con rồi bị lừa, xót dữ lắm”.

Có người cám cảnh bảo, “được ăn học đàng hoàng, thì lao ra ngoài kia lăn lộn kiếm việc mưu sinh. Thiếu gì việc. Ai đời cứ nằm ì ra đó chờ mẹ cha chạy việc cho”. Anh này vừa nói xong, bao nhiêu con mắt nguýt háy liên tục được ném đến.

Vụ án có còn đồng phạm?

Trong 31 bị hại thì có 8 người trực tiếp đưa tiền và hồ sơ cho đối tượng Trần Thị Thanh Tâm. Theo cáo trạng, Tâm đã nhận của 8 người này 775 triệu đồng. Sau đó Tâm đưa cho Hoa hồ sơ và số tiền 702,5 triệu đồng, còn bản thân giữ lại 72,5 triệu đồng. Sau khi biết Hoa lừa, Tâm đã trả lại tiền cho 8 bị hại tổng cộng là 312 triệu đồng. 

Cũng theo cáo trạng, quá trình điều tra xác định Tâm không có bàn bạc, trao đổi hoặc thỏa thuận với Hoa mà chỉ vì tin Hoa có khả năng xin việc, bị Hoa lợi dụng và không biết Hoa có hành vi lừa đảo. Do đó Tâm không phải đồng phạm với Hoa về tội lừa đảo nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự.

Tâm được xác định là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” đối với 8 trường hợp Tâm đã nhận tiền. Trong khi phiên tòa trước đó, Viện kiểm sát xác định Tâm là bị hại trong vụ án, nhưng bị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Tâm trong vụ án. Vụ án có bị bỏ lọt tội phạm không? Tâm có phải đồng phạm không?

Phiên tòa được mở lần hai, cả 8 bị hại đều yêu cầu tòa làm rõ trách nhiệm của Tâm trong vụ án. Theo họ, đối tượng Tâm đã nhận tiền và trả lại họ một phần tiền, thì không thể nói bị cáo Hoa nợ tiền của họ được.

Các bị hại yêu cầu Tâm phải trả phần tiền còn lại. Theo họ, Tâm là đồng phạm với Hoa hoặc là chủ mưu trong việc lừa đảo 8 người họ. Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm, cho rằng bà Tâm chỉ là người liên quan trong vụ án, và hoàn toàn không biết Hoa lừa đảo. Đánh giá này khiến các bị hại bức xúc. 

Tại phiên tòa, bị cáo Hoa khai số tiền 3,5 tỷ đồng đã được bị cáo tiêu xài cá nhân hết, nhưng lại không nói rõ được đã tiêu xài vào việc gì. Sau đó Hoa lại khai số tiền đó đều đã dùng vào việc chạy việc, bị cáo đã đưa cho người ta, nên không lấy lại được. Tuy nhiên do bị cáo không cung câp được tên tuổi, nhân thân của người đã nhận tiền, nên không có căn cứ để truy cứu.

Bị cáo Hoa từng làm việc ở phòng giáo dục huyện, sau đó đã về hưu. Chồng bị cáo nói với tòa: “Bà ấy chỉ làm nội trợ, điện thoại cũng chỉ biết dùng loại cục gạch, xe máy không biết đi. Một người như thế, sao họ lại tin tưởng rồi đưa tiền. Đối với gia đình, một người mà lừa chồng, dối con như thế, tôi và các con không cần”. Bị cáo nghe vậy thì òa khóc.

Lúc được nói lời sau cùng, bà quỳ xuống, vừa vật vã khóc vừa chấp tay lạy liên tục. Trong tiếng nức nở, bị cáo liên tục nói: “Bị cáo lạy gia đình, tha cho bị cáo…”. “ Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái. Lúc đó vì không có tiền trả, nên bị cáo mới bỏ chồng, bỏ con trốn đi…”. Người chồng ngồi phía sau gằn giọng: “Dài dòng”. 

Chồng bị cáo nói với tòa: “Đối với bị cáo, tòa tuyên bao nhiêu năm tôi không quan tâm. Riêng phần tài sản bị kê biên…”, lời phát biểu của ông bị tiếng xôn xao phía sau nuốt chửng. “Vợ chồng đồng cam cộng khổ. Giờ vợ gặp họa thì phủi tay, vạch rõ ranh giới liền”, những tiếng xì xào vang lên không ngớt.

Có lẽ quá xúc động, nên bị cáo xụi lơ. Giờ nghị án, bị cáo ngồi không nổi mà phải nằm dài trên ghế, sau đó chân tay liên tục run rẩy. Các nữ cảnh vệ phải chạy tới chạy lui tìm dầu rồi xoa khắp chân tay cho bị cáo. Trong khi đó, người chồng đứng lơ đãng bên ngoài hành lang. 

Vụ án kéo dài suốt một ngày, nhưng sau khi nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ 2. Theo HĐXX, cần điều tra xét thêm các chứng cứ mà ở tòa không thể bổ sung được. Cần điều tra làm rõ trong vụ án này có người đồng phạm hay không. Cần điều tra rõ hành vi, trách nhiệm của bà Tâm.

Trời đã nhá nhem tối. Bị cáo mềm nhũn như cọng bún được các cảnh vệ dìu ra xe để về lại trại giam. Có người khều khều chồng bị cáo, rồi chỉ tay về phía vợ ông, nhưng ông lắc đầu, sau đó xoay người đi một mạch, bỏ lại sau lưng là tiếng khóc nỉ non của bị cáo

Đọc thêm