Ông Đinh La Thăng khai thế nào về việc ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank?

(PLO) - Ông Đinh La Thăng thừa nhận có ký thỏa thuận với ngân hàng Oceanbank nhưng cho rằng văn bản này không có giá trị pháp lý.
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa

Trong buổi chiều ngày 19/3, ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN từ 2/2016 đến hết tháng 2/2011 thừa nhận việc ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank. Bị cáo Thăng khai chủ trương PVN mua cổ phần OceanBank xuất phát từ lý do PVN không thành lập ngân hàng Hồng Việt. Để giải quyết hậu quả, OceanBank tiếp nhận toàn bộ nhân sự, vật chất của ban trù bị. 

Khi được hỏi về thỏa thuận ký với Hà Văn Thắm, bị cáo Thăng khai: “Thỏa thuận 18/9 không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Tiền đề của việc góp vốn phải là chủ trương của Đảng, đồng ý của Thủ tướng, biên bản đó không phải là tiền đề. Biên bản này ký chỉ có hiệu lực khi được HĐQT thông qua”. Trước khi ký kết hợp tác với OceanBank, PVN đã khảo sát một số ngân hàng khác.

Trong lần góp vốn lần đầu, ông Thăng ký Nghị quyết 7289 ngày 1/10/2008, trước đó bị cáo ký văn bản báo cáo xin Thủ tướng phê duyệt và đề nghị Ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét ủng hộ. Việc đầu tư này là đầu tư ra ngoài ngành của công ty mẹ, theo quy định của pháp luật cần phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. 

Khi ban hành Nghị quyết 7289 cũng như các văn bản khác, bị cáo cho rằng đã tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Thực tế sau khi Thủ tướng đồng ý vào tháng 10/2008 thì cuối tháng 12/2008 PVN chính thức góp vốn vào OceanBank. Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ. Ông Thăng nói không có quy định nào của pháp luật là ký Nghị quyết trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo điều lệ của PVN, Nghị quyết bắt buộc các tổ chức cá nhân phải thực hiện theo Nghị quyết này. Trên thực tế sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thì PVN mới quyết định chuyển tiền vào OceanBank.

Bào chữa về công văn của Bộ tài chính ngày 4/10/2008 gửi PVN có nội dung về góp vốn mua cổ phần của PVN tại OceanBank. Bị cáo Thăng khai sau đó đã yêu cầu Ban TGĐ rà soát lại tình hình hoạt động của OceanBank. Theo ông Thăng, đây là công văn trả lời Chính phủ chứ không phải trả lời PVN. Thực tế PVN đã chỉ đạo thực hiện việc này trước khi Bộ Tài chính gửi văn bản "nhắc nhở". 

“Trước khi chuyển tiền, bị cáo có kiểm tra năng lực của OceanBank không?”, HĐXX hỏi. Ông Thăng trả lời ngân hàng này niêm yết trên thị trường chứng khoán do đó có rất nhiều cách để đánh giá vì có các báo cáo công khai, hoạt động thanh khoản tốt. OceanBank cũng cung cấp các số liệu chứng minh, hơn nữa đây là ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cũng theo ông Thăng, Oceanbank là ngân hàng có chất lượng tín dụng trung bình khá: "PVN góp vốn là do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát nên PVN gương mẫu thành lập ngân hàng để giải quyết hậu quả. Những ngân hàng lớn khác "như các cô gái xinh đẹp đã có chồng rồi", trong bối cảnh đó PVN lựa chọn OceanBank", ông Thăng khai. 

Trình bày với HĐXX, ông Thăng nói tiếp, việc góp vốn vào OceanBank là chủ trương xây dựng PVN thành tập đoàn kinh tế đa ngành, với vai trò là đơn vị đi đầu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Đọc thêm