Rắc rối 1 vụ buôn lậu có xe liên quan đến Bộ đội Biên phòng

(PLO) - Như PLVN đã thông tin, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ buôn lậu và “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, đại điện VKSND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động “xin” HĐXX trả hồ sơ vì thấy chưa đủ chứng cứ. Mới đây, cơ quan này tiếp tục ra Cáo trạng giữ quan điểm truy tố như trước đây.
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 17/10/2016
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 17/10/2016

Vẫn chưa rõ người bán xe

Trên cơ sở kết quả điểu tra bổ sung, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ra Cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Thành (tức Hải “lé”, SN 1982, trú tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh) về tội “Buôn lậu”; truy tố Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1974, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh) về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Theo cáo buộc, vào khoảng tháng 5/2012, tại ngã ba ông Liềng (thuộc khu vực biên giới) ở khu 4, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh, Nguyễn Văn Thành đã mua một xe ô tô Land Rover của A Sáng (người Trung Quốc) giá 35 vạn Nhân dân tệ (khoảng 850 triệu đồng). Chiếc xe trên là do Cty CP quốc tế Tân Đại Dương làm thủ tục hải quan theo hình thức “tạm nhập- tái xuất”, đã được xuất qua cửa khẩu Ka Long.

Dù biết chiếc xe trên là hàng nhập lậu, nhưng ngày 20/6/2012, tại TP Uông Bí (Quảng Ninh), Nguyễn Mạnh Hùng vẫn mua chiếc xe trên của Thành với giá 1,3 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17/10/2016, Thành đã phủ nhận lời khai trước đó tại cơ quan điều tra về việc mua xe Land Rover của A Sáng và cho biết “A Sáng không có thật. Thực chất, chiếc xe là của A Nhì (người Trung Quốc) đưa cho bị cáo để trả tiền mua mỡ cá ba sa. A Nhì nhờ một người bạn giao xe cho bị cáo ở gần bến xe Ka Long (TP Móng Cái). Lúc đó, A Nhì nói là giấy tờ xe do một người bạn cầm nhưng người này đang đi công tác nước ngoài”.

Tuy có lời khai như trên nhưng không hiểu sao, VKSND tỉnh Quảng Ninh và CQĐT không tập trung xác minh đối tượng tên A Nhì mà chỉ tiến hành điều tra bổ sung để làm rõ đối tượng tên là A Sáng. Sau khi điều tra bổ sung, CQĐT cũng không thể làm rõ được đối tượng tên A Sáng này mà chỉ có thông tin sơ sài rằng, có đối tượng A Sáng (SN 1983, địa chỉ Vạn Mỹ, Đông Hưng, Trung Quốc) thường xuyên ngủ tại khách sạn Lợi Lai (Móng Cái) từ năm 2010 đến  năm 2013. 

Như vậy, sau 3 lần điều tra bổ sung, CQĐT vẫn chưa xác định được người bán chiếc xe ô tô Land Rover cho Nguyễn Văn Thành là  A Sáng, A Nhì hay người nào khác? Lời khai của Thành về việc mua xe ở ngã ba ông Liềng với giá 35 vạn Nhân dân tệ có chính xác hay không?

Cán bộ hải quan đồng loạt “không nhớ”, “không biết”

Luật sư (LS) Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi, Hà Nội) cho rằng, lời khai nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác. Nhưng ở trong vụ án này thì không hề có các chứng cứ khác để đánh giá lời khai của Thành thì không thể mặc nhiên coi Thành đã nhận xe ở ngã ba ông Liềng. Mặc khác, giả sử Thành có  mua xe ô tô ở ngã ba ông Liềng thì hành vi này cũng không phải là buôn bán “qua biên giới” vì địa điểm này nằm hoàn toàn trong nội địa của Việt Nam.

Theo LS Thành, không thể đánh đồng khái niệm “đường biên giới” với “khu vực biên giới”. Luật Biên gới quốc gia quy định rõ “Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới”. Còn “khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền. Như vậy, khu vực biên giới có phạm vi khá rộng (gồm cả địa bàn phường Hải Hòa) và không thể mặc nhiên coi việc di chuyển xe ô tô ra khỏi địa bàn phường này là đưa hàng “qua biên giới” (tức là nơi có mốc quốc giới) được.

Theo CQĐT và VKSND tỉnh Quảng Ninh thì chiếc xe ô tô Land Rover đã được Cty CP quốc tế Tân Đại Dương làm thủ tục “tái xuất” sang Trung Quốc qua cửa khẩu Ka Long, sau đó được “buôn lậu” về Việt Nam. Tuy nhiên, theo LS Thành thì hiện hồ sơ vụ án không có  tài liệu nào xác định là chiếc xe đã được nhập khẩu vào Trung Quốc nên cũng không thể kết luận là nó được “buôn lậu” từ Trung Quốc về Việt Nam.

Cụ thể, CQĐT đã không xác minh, làm rõ Cty TNHH Quân Tín (Trung Quốc) có phải là Cty đã nhập khẩu vào Trung Quốc lô xe từ Cty CP XNK Tân Đại Dương hay không. Hơn nữa, mục “xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát” và mục “xác nhận hàng thực xuất” trong Tờ khai hải quan số 26054 ngày 18/10/2011 đều không được cán bộ Hải quan ký, đóng dấu xác nhận.

Tại các buổi làm việc với CQĐT, một loạt cán bộ hải quan làm thủ tục “tái xuất” ô tô như ông Ngô Xuân Hiệp, bà Vũ Thị Hiền, ông Vũ Quốc Chinh, ông Phạm Ngọc Linh đều cho biết “không biết” hoặc “không nhớ” ai là người được phân công giám sát thực xuất lô hàng. Như vậy, không thể khẳng định lô xe theo Tờ khai hải quan số 26054 ngày 18/11/2011 đã thực xuất qua cửa khẩu sang Trung Quốc hay vẫn được để lại Việt Nam?

Một khi đã không xác định hoặc chứng minh rõ hành vi buôn lậu và hàng buôn lậu thì rõ ràng, cũng không thể quy kết Nguyễn Mạnh Hùng có hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”- LS Thành khẳng định.

Có 1 xe ô tô liên quan đến bộ đội biên phòng

Theo CQĐT, trong vụ án này, Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Văn Thành còn có hành vi trao đổi, mua bán một chiếc xe ô tô hiệu Audi màu trắng vào năm 2011. Thành khai của của anh H.V.T (trú tại đồn Biên phòng Bắc Sơn, xã Bắc Hòa, TP Móng Cái, nguyên là cán bộ biên phòng đồn Hải Hòa) với giá 300 triệu đồng. Từ lời khai này, CQĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định tách vụ án hình sự và chuyển cơ quan điều tra hình sự Khu vực I, Bộ đội Biên phòng để xử lý theo thẩm quyền.

Đọc thêm