Tại sao Châu Thị Thu Nga không được khai về việc 'chạy' ĐBQH?

(PLO) - Được luật sư hỏi về số tiền 'chạy ĐBQH', bị cáo Châu Thị Thu Nga định khai thì HĐXX đã yêu cầu bị cáo về chỗ. 
Bị cáo Nga tại phiên tòa
Bị cáo Nga tại phiên tòa

Trong phiên xét xử chiều 5/10, luật sư Hoàng Văn Hướng (một trong 5 luật sư bào chữa cho bà Nga) có hỏi bà Nga: “Trong cáo trạng và các tài liệu chứng cứ có nêu bà đã chuyển 1,5 triệu USD tương đương khoảng 30 tỷ để chạy vào đại biểu quốc hội, có khoảng 4 bút lục, bà có luận giải như nào về vấn đề này. Có việc chạy này không? ”. 

Luật sư vừa dứt lời, chủ tọa phiên tòa đã nói: “Đối với khoản tiền mà luật sư vừa nói nó nằm trong khoản 157 tỷ công an điều tra tách ra khỏi vụ án này. Thể hiện trong cáo trạng cũng như tài liệu hồ sơ”.

Nghe vậy, LS Hướng nói: “Không nhận được quyết định tách”. Thấy vậy, Chủ tọa nói lớn: “Cái này thể hiện rõ trong cáo trạng và kết luận điều tra”. Sau đó, bị cáo Nga đề nghị toà cho nói ngắn gọn về câu hỏi của luật sư Hướng cũng như trước công luận về vấn đề này nhưng Tòa yêu cầu bị cáo về chỗ. 

Cũng trong phiên tòa hôm qua, các bị hại của vụ án đã được 'giãi bày' nỗi lòng: Theo cáo trạng, biết dự án B5 Cầu Diễn chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, chưa được cấp phép xây dựng và huy động vốn của khách hàng nhưng bị cáo Nga đã chỉ đạo đưa lên cổng thông tin điện tử của Housing Group nhiều thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý, tiến độ dự án, thuê lập mô hình dự án B5 Cầu Diễn theo quy hoạch điều chỉnh chưa được phê duyệt và thi công khoan nhồi tại dự án để khách hàng tin tưởng.

Từ năm 2009 đến năm 2013, Nga và các bị cáo đã ký 752 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng với cam kết sẽ bàn giao 752 căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn. Khi không có nhà bàn giao, bà Nga đã trả lại hơn gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng. Hàng trăm người còn lại không được nhận lại tiền, cũng không được nhận nhà.

Khi được HĐXX hỏi nguyện vọng, rất nhiều bị hại thể hiện mong muốn dự án được tiếp tục thực hiện để họ có nhà ở. Bị hại Phạm Minh Hoàng cho biết, ông và nhiều bị hại trong vụ án chỉ là là dân lao động hoặc cán bộ công chức nghèo. Thấy giá nhà tại B5 Cầu Diễn phù hợp với thu nhập nên nộp tiền mua nhà nhưng giờ cũng chẳng thấy đâu. Có người các tỉnh định mua nhà cho con ở khi xuống Hà Nội học nhưng đến giờ thì con của họ đã ra trường mà nhà chưa thấy.

Nhiều bị hại khác cũng lần lượt xin tòa lưu ý cho trường hợp của mình vì hiện không có nhà để ở, đề nghị xây nhà để đảm bảo quyền lợi.

Bị cáo Nga cũng có đề nghị cho dự án được tiếp tục thực hiện. Theo trình bày của bị cáo, trong thời gian bị tạm giam, bà ta có đề nghị thay đổi pháp nhân, thay đổi HĐQT để tiếp tục thực hiện dự án, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Bị hại tố bị bị cáo đe dọa

Ngoài nói về mong muốn Dự án B5 Cầu Diễn tiếp tục được thực hiện để có nhà để ở, một số bị hại còn tố, ngoài việc phải nộp số tiền theo hợp đồng, họ còn phải nộp thêm số tiền chênh lệch rất lớn mà không có hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều phủ nhận việc nhận tiền chênh để bán căn hộ như lời khai của các bị hại. Trước lời phủ nhận của bị cáo Nguyễn Thị Tình (nguyên Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Housing - Cty Housing Group), nhiều bị hại tỏ ra bức xúc và mong được HĐXX xem xét đúng sự thật.

Một bị hại trong vụ án cho hay, để có tiền mua nhà, bà đã phải bán đất tổ tiên, vay ngân hàng và mất hơn 200 triệu đồng tiền chênh lệch để được mua căn hộ. “Ai cũng phải nộp tiền chênh hết”- bị hại này nói.

Bị hại Phạm Thị Hoa kể, bà đã đến gặp Tình để thỏa thuận mua nhà. Bị Tình đòi 15 triệu/m2, bà Hoa mặc cả 14,5 triệu. Hôm sau, bà Hoa được Tình đến đón ra ngân hàng lấy tiền nộp cho Tình. Vì tin tưởng, bà Hoa không lấy giấy biên nhận. “Khi đó, chị ấy nói đây là suất ngoại giao của anh công an, tôi phải mua chênh. Khi tôi gặp bị cáo Tình tại tòa, Tình chối không biết bà là ai và còn dọa sẽ tố cáo bà vì đã vu khống. Tôi rất bức xúc, chị ấy dọa tố cáo tôi tội vu khống”- bà Hoa nói.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện cho một bị hại trong vụ án cũng cho hay, để được ký hợp đồng đầu tư, vợ chồng anh phải nộp hơn 500 triệu đồng tiền chênh qua hai người môi giới. Hai người môi giới này cho biết, họ chỉ được 30 triệu đồng, số còn lại đưa cho Tình. Theo người bị hại này, thực tế số tiền mà bà Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo của khách hàng còn nhiều hơn rất nhiều so với con số hơn 377 tỷ đồng như cáo trạng nêu vì nhiều người phải nộp tiền chênh mà không có hóa đơn chứng từ. “Tôi cho là tiền này đi vào túi của Housing Group và túi của bà Nga”, anh Tuấn nói.

Nghe vậy, vị chủ tọa nói các bị hại hãy nộp đơn tới cơ quan công an để được xem xét, làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.

Cũng trong phiên tòa, nhiều đối tác của Công ty Housing Group không đồng ý trả lại tiền cho bà Nga. Cụ thể, Cty CP Hãng phim truyện Việt Nam - đơn vị mà bà Nga chi 8,2 tỉ đồng để hợp tác sản xuất phim “Trái tim kiêu hãnh” không đồng ý trả lại số tiền chênh lệch hơn 1,4 tỉ đồng sau khi thanh lý hợp đồng. Tổng Cty CP  Xây dựng công nghiệp Việt Nam - nơi bà Nga đã chi 650 triệu đồng mua cổ phần cũng nói không đồng ý mua lại số cổ phần này.

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật,/,

Đọc thêm