Thái Bình: Cần xem xét, đánh giá thận trọng lại một vụ án tránh oan sai, lọt tội phạm

(PLVN) - Mới đây, Báo PLVN nhận được đơn kêu oan của bà Phạm Thị Luyến (trú tại Đội 2, thôn Đại Hà, xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) là vợ của bị cáo Nguyễn Xuân Bắc (sinh năm 1969) trong vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” được Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử ngày 7/11/2019. Bà Luyến cho rằng việc chồng bà bị kết án là oan.
Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm (Nguồn: Đài truyền hình tỉnh Thái Bình).
Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm (Nguồn: Đài truyền hình tỉnh Thái Bình).

Xuất, nhập cảnh có đúng quy định?

Theo nội dung kêu cứu của bà Luyến, chồng bà là ông Nguyễn Xuân Bắc nhân viên của Công ty cổ phần Asahi Group - chi nhánh Thái Bình. Ngày 22/02/2018, chồng bà và ông Trần Quang Sử được công ty giao nhiệm vụ vào TP HCM gặp chị Nguyễn Thị Trà Mi (Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục Hiền Mi) để trao đổi về tư vấn du học. 

Trong quá trình trao đổi công việc với Nguyễn Thị Trà Mi về vấn đề du học, ông Bắc và ông Sử đã được chị Mi trao đổi thêm về việc chị Mi đang có chương trình đưa người đi Hàn Quốc lao động bằng hình thức bảo lãnh hợp pháp. Người đi Hàn Quốc lao động sẽ đến đảo Jeju - Hàn Quốc rồi sau đó Mi sẽ bố trí cho doanh nghiệp Hàn Quốc bảo lãnh nhập cảnh vào lao động hợp pháp. 

Đầu tháng 4 năm 2018, có 14 công dân Việt Nam tự nguyện đăng ký tham gia chương trình sang Hàn Quốc lao động theo diện bảo lãnh hợp pháp. Theo kế hoạch của Nguyễn Thị Trà Mi, ngày 8/4/2018, ông Bắc được lãnh đạo công ty giao nhiệm vụ đưa 14 công dân Việt Nam xuất cảnh sang đảo Jeju (Hàn Quốc) để Mi ra đón và làm thủ tục bảo lãnh. 

Tại sân bay Nội Bài, ông Bắc và 14 công dân Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh hợp pháp. Khi đến sân bay Jeju - Hàn Quốc, ông Bắc liên lạc với Nguyễn Thị Trà Mi để làm thủ tục bảo lãnh cho mọi người. Nhưng không hiểu vì lý do gì, chị Mi đã không thực hiện đúng như đã cam kết. Vì vậy, ông Bắc đã gọi điện báo cáo với lãnh đạo công ty là anh Trần Văn Tứ và chị Trần Thị Tình. Sau đó, Ban lãnh đạo công ty bảo chồng tôi đưa 14 công dân này trở về Việt Nam.

Bà Luyến nói: “Ngày 13/04/2018 chồng tôi và 14 công dân Việt Nam về đến sân bay Nội Bài. Trong suốt quá trình từ khi xuất cảnh đến khi trở về sân bay Nội Bài, chồng tôi và 14 công dân Việt Nam không làm điều gì trái pháp luật, và cũng không bị phía Hàn Quốc trục xuất.” 

Cụ thể, bà Luyến cho rằng: “Theo các Công văn số 210/PA72 ngày 08/6/2018 của Phòng quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Thái Bình: 14 công dân do Nguyễn Xuân Bắc dẫn sang đảo Jeju ngày 8/4/2018 là những trường hợp được phép xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Cùng với Công văn số 1218/A08-P6 ngày 23/05/2019 của Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ công an: Không có tài liệu của cơ quan chức năng Hàn Quốc liên quan đến việc 14 công dân Việt Nam bị trục xuất về Việt Nam, thì việc xuất nhập cảnh của chồng tôi và 14 công dân Việt Nam là hoàn toàn đúng quy định. Sau khi về nước, toàn bộ số tiền mà 14 công dân Việt Nam nộp tạm ứng cho chuyến đi đã được Công ty cổ phần Asahi Group hoàn trả đầy đủ cho từng cá nhân.”

Nhiều vấn đề cần được xem xét ở phiên phúc thẩm

Tới đây vụ án sẽ được Tòa án cấp cao tại Hà Nội  xét xử phúc thẩm theo trình tự của pháp luật. Nhận định về vụ án, Luật sư Bùi Thế Vinh  (Đoàn luật sư Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Bắc nêu quan điểm: “Trong vụ án còn nhiều điểm mà toà cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá khách quan. Vì vậy, phiên toà sắp tới, hy vọng HĐXX sẽ xem xét lại toàn bộ vụ án, để tránh oan sai cũng như không bỏ lọt tội phạm.”

Theo luật sư Vinh, một số đánh giá, nhận định của Toà án cấp sơ thẩm chưa thực sự khách quan như:  Tòa án cấp sơ thẩm, chưa xem xét đánh giá khách quan văn bản có số tham chiếu 548/VKSTC-V13, đề ngày 19/9/2019 của Bộ Tư pháp Hàn Quốc. 

Cụ thể, luật sư Vinh dẫn chứng tại mục [3] phần nhận định của tòa án (Trang 13) Bản án sơ thẩm có ghi: “Tại văn bản của Bộ Tư pháp Hàn Quốc gửi cơ quan tố tụng Việt Nam đã có thông báo nội dung v/v Biên bản đoàn người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp tại sân bay Jeju ngày 08/4/2018 thể hiện lý do từ chối nhập cảnh; đoàn người nhập cảnh trái phép này đã bị cơ quan chức năng giám sát, theo dõi và khảng định có sự can thiệp của người môi giới, không đơn thuần là đoàn thăm quan du lịch thông thường, vậy nên nghi ngờ về mục đích nhập cảnh và từ chối không cho nhập cảnh”. 

Theo luật sư Vinh, nhận định này của Toà án cấp sơ thẩm là không khách quan. Bởi lẽ, tại văn bản này, phía Hàn Quốc đã khảng định; “Công dân Việt Nam có thể vào Jeju miến thị thực nên họ đến mà không cần visa”. Như vậy, theo quy định của phía Hàn Quốc, công dân Việt Nam đến đảo Jeju không có visa vẫn là hợp pháp.

Việc ngày 08/4/2018, bị cáo Bắc và 14 người trong đoàn có mặt tại Jeju là hoàn toàn phù hợp theo quy định của phía Hàn Quốc và họ không vi phạm pháp luật Hàn Quốc, phía Hàn Quốc có thể nghi ngờ mục đích nhập cảnh của họ, từ chối cho họ nhập cảnh. Nhưng tại thời điểm ấy họ không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào. Vì vậy, tòa án không thể lấy lý do: “Vì phía Hàn Quốc nghi ngờ mục đích nhập cảnh của Bắc cùng 14 công dân VIệt Nam”, để buộc tội bị cáo Bắc.

Mặt khác, cũng tại văn bản này, phía Hàn Quốc có đề cập đến việc họ nhận được báo cáo liên lạc từ phía Việt Nam với nội dung: “Có một môi giới người Việt Nam tại Hà Nội đã nhận tiền của mỗi người từ 7 triệu đến 10 triệu won và hướng dẫn cho họ cách trả lời phỏng vấn…”. Tuy vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm không làm rõ, (phía Việt Nam) được Bộ tư pháp Hàn Quốc ghi trong văn bản này là ai?

Ngày 8/4/2018 tại sân bay Nội Bài, Cơ quan quản lý xuất cảnh Việt Nam đã đồng ý cho phép bị cáo Bắc cùng 14 người xuất cảnh và Cơ quan quản lý xuất cảnh cũng xác nhận bị cáo Bắc cùng 14 người xuất cảnh hợp pháp; Vậy ai là người gửi văn bản đến Hàn Quốc?  Người gửi văn bản nhằm với mục đích gì? Những tình tiết này chưa được làm rõ ở phiên tòa sơ thẩm.

Bên cạnh đó,  luật sư Vinh cũng cho rằng không có hành vi phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” như phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Tại (Trang 15) mục [5] phần nhận định của tòa án, Bản án sơ thẩm có ghi: “Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, theo quy định tại Điều 349 Bộ luật hình sự”. Luật sư Vinh cho rằng, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định như vậy là không khách quan dẫn đến làm oan người vô tội.

Bởi lẽ, ngày 8/4/2018, bị cáo Bắc cùng với 14 công dân Việt Nam đã làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp, nội dung này đã ghi trong Công văn số 210/PA72 ngày 08/6/2018 của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Thái Bình (Bút lục số 412).

Khi sang đến đảo Jeju họ cũng không có hành vi vi phạm pháp luật của nước sở tại, không ai có hành vi trốn ở lại Hàn Quốc, ngày 13/4/2018 bị cáo Bắc cùng với 14 người quay trở về Việt Nam, việc họ trở về là hoàn toàn tự nguyện, họ không bị phía Hàn Quốc trục xuất, nội dung này đã ghi trong Công văn số 1218/A08-P6 ngày 23/05/2019 của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An (Bút lục số 535). 

Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Thái Bình và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An, là những đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất nhập cảnh; Bởi vậy, họ hiểu rõ hơn ai hết trong trường hợp nào thì trật tự quản lý Nhà nước về xuất, nhập cảnh bị xâm phạm và trong trường hợp nào thì trật tự quản lý Nhà nước về xuất, nhập cảnh không bị xâm phạm.

Trong vụ án này Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Thái Bình và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An, đã có công văn khảng định việc ngày 8/4/2018 bị cáo Bắc cùng với 14 người xuất cảnh là hợp pháp và họ không bị phía Hàn Quốc trục xuất, việc ngày 13/4/2018 họ trở về Việt Nam cũng không trái pháp luật.

“Vậy căn cứ vào đâu để kết luận, hành vi bị cáo Bắc cùng với 14 người đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính về xuất nhập cảnh? Căn cứ vào đâu để quy kết bị cáo Bắc phạm tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép?”, Luật sư Vinh nêu quan điểm.

“Chúng ta đều biết rằng, phải có hành vi trốn đi khỏi Việt Nam hoặc có hành vi trốn ở lại nước sở tại, như vậy mới có thể cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Theo đó, dấu hiệu đặc trưng của hành vi trốn đi, được thể hiện qua việc: “Ra nước ngoài mà không qua thủ tục xuất cảnh” và dấu hiệu đặc trưng của hành vi trốn ở lại nước sở tại được thể hiện qua việc: “Ở lại nước ngoài mà không có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền”.

Trong vụ án này, bị cáo Bắc và 14 người cùng đi không có hành vi trốn khỏi Việt Nam và cũng không có hành vi trốn ở lại Hàn Quốc. Bởi vậy, hành vi của bị cáo Bắc không thể cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, như phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm.” – Luật sư vinh bày tỏ quan điểm và tin tưởng rằng Hội đồng xét xử sẽ xem xét thấu đáo và kết luận khách quan về nội dung này tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới.

Đọc thêm