Tòng “Thiên Mã” lừa đảo trăm tỷ như thế nào?

(PLO) - Ngày 30/3, TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa xét xử vụ đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” làm giấy tờ khống để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng. Để đưa vụ án ra xét xử, Tòa đã triệu tập hơn 70 đương sự bao gồm các bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Vụ án trên có 5 bị cáo, trong đó có 3 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng. Các bị cáo bao gồm: Phan Bá Tòng (44 tuổi, tức Tòng “Thiên Mã”, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã) và Trần Thị Diễm (48 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Thị Mai (61 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu - Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Cần Thơ), Lâm Chí Công (41 tuổi, nguyên Phó phòng Tín dụng xuất khẩu VDB Cần Thơ) và Huỳnh Thanh Trúc (38 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng VDB Cần Thơ) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

“Cam kết với nhân viên là sẽ chịu trách nhiệm” việc lập hồ sơ khống

Theo cáo trạng, Công ty Thiên Mã có quan hệ tín dụng với VDB Cần Thơ  từ năm 2008 gồm 2 loại tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu. Trong quá trình vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB Cần Thơ, Phan Bá Tòng đã sử dụng tiền vay tại 13 khế ước nhận nợ của các hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức của VDB Cần Thơ để trả cho các khoản nợ tại các ngân hàng khác và sử dụng tiền vào mục đích cá nhân. 

Đến hạn tất toán, do không có tiền chi trả, bị cáo Tòng đã chỉ đạo Diễm cùng một số nhân viên của Công ty lập giả báo cáo kết quả kinh doanh năm 2009, 2010 từ lỗ thành có lãi, đồng thời tạo dựng các hợp đồng, chứng từ mua bán cá nguyên liệu khống để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, tạo ra tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay nhằm giải ngân các hợp đồng tín dụng tại VDB Cần Thơ để tiếp tục chiếm đoạt, sử dụng cho các mục đích cá nhân, trả nợ. Trong quá trình lập khống hồ sơ vay vốn, bị cáo Tòng đã cam kết bằng văn bản với các nhân viên là sẽ chịu mọi trách nhiệm về việc chỉ đạo, nhân viên không phải chịu trách nhiệm. Nếu ai không làm thì viết đơn xin nghỉ việc. Với chiêu trò và thủ đoạn trên, bị cáo Tòng đã chiếm đoạt hơn 147,3 tỷ đồng vốn vay gốc của VDB Cần Thơ. 

Với vai trò là Kế toán trưởng của Công ty, bị cáo Diễm đã tích cực thực hiện theo sự chỉ đạo của Tòng trực tiếp lập giả báo cáo kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi; ký duyệt trên các chứng từ, bảng biểu lập khống trong các hồ sơ xin vay, hồ sơ xin giải ngân để Tòng vay vốn tại VDB Cần Thơ. Theo đó, cơ quan điều tra xác định, Diễm có vai trò giúp sức đắc lực trong việc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại VDB Cần Thơ của bị cáo Tòng. Ngoài ra, bị cáo Tòng và Diễm phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự đối với số tiền lãi phát sinh từ số tiền hơn 147,3 tỷ đồng nói trên lên đến hơn 219,5 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3/2016).

Riêng đối với các bị cáo thuộc VDB, cáo trạng nêu rõ, Mai, Công, Trúc là những người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thẩm định, xét duyệt, đề xuất cho Công ty Thiên Mã vay theo các khế ước nhận nợ nhưng đã không làm đúng theo quy định về điều kiện vay vốn tín dụng xuất khẩu, quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu để Tòng và Diễm chiếm đoạt hơn 147 tỷ đồng. Trong quá trình duyệt đề xuất, Mai đã không thực hiện kiểm tra năng lực tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, không thu thập thông tin về Thiên Mã tại các ngân hàng và các sở, ngành, cơ quan liên quan... nên không phát hiện được báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty là sai sự thật để Tòng, Diễm chiếm đoạt hơn 147 tỷ đồng không có khả năng thu hồi cho VDB Cần Thơ.

3 cựu cán bộ ngân hàng phản đối cáo trạng

Tại phiên tòa xét xử, sau khi lắng nghe cáo trạng,  đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” không đồng ý với cáo buộc chiếm đoạt 147 tỷ đồng và đề nghị Tòa giám định lại báo cáo tài chính kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty qua các năm vì bị cáo cho rằng đây là thời điểm Công ty kinh doanh thua lỗ 107 tỷ đồng nên không thể nói bị cáo chiếm đoạt 147 tỷ đồng. Đồng thời bị cáo Tòng còn xin lỗi nguyên Kế toán trưởng vì đã chỉ đạo lập báo cáo tài chính khống. 

Tại tòa, bị cáo Diễm kêu oan vì cho rằng chỉ làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Tòng. “Bị cáo chỉ làm công ăn lương, tất cả do ông Tòng quyết định. Nếu không làm thì bị cáo mất việc. Hơn nữa, ông Tòng nói sẽ chịu trách nhiệm nên bị cáo làm”, bị cáo Diễm khai.

Ba bị cáo Mai, Trúc, Công cũng không đồng ý với cáo trạng đã nêu.Trong đó, bị cáo Công không ngừng kêu oan. Bị cáo cho rằng mình không lợi dụng việc cho vay để mưu lợi cá nhân và bản thân bị cáo chỉ là người thực hiện chứ không phải là người quyết định.

Bị cáo Mai lại cho rằng, mình không thể cố ý làm trái quy định của Nhà nước, vì bị cáo không có quyền. “Đặc thù muốn cho vay phải trình bày ra Trung ương mới cho vay chứ không phải muốn vay là cho vay”, bị cáo Mai nói. Còn bị cáo Trúc lại cho rằng cáo trạng cáo buộc không thỏa đáng, mô tả không đúng tính chất việc làm của bị cáo.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài 5 - 7 ngày.

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./..

Đọc thêm