Tranh cãi xung quanh tội danh và hành vi của Hoàng Công Lương

(PLVN) - Ngày 24/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình tiếp tục diễn ra. Trong phần này, VKSND TP Hòa Bình tiếp tục đối đáp quan điểm gỡ tội của hơn 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa sáng 24/1. Ảnh Dân trí
Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa sáng 24/1. Ảnh Dân trí

Theo lời bà Bùi Thị Thu Hằng (Phó Viện trưởng VKSND TP Hòa Bình), nguyên nhân gây ra sự cố y khoa là do hành vi sục rửa của bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh). Tiếp lời, nữ kiểm sát viên cho biết về quan điểm của luật sư cho rằng bị cáo Hoàng Công Lương không phải người ra y lệnh quyết định để chạy thận, VKS đã căn cứ văn bản trả lời của Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình). “Các công văn đều cho thấy, tại thời điểm xảy ra sự cố, bác sĩ Linh và Huyền không đủ điều kiện để ra y lệnh lọc máu”, bà Hằng nói.

Cũng theo lời đại diện cơ quan giữ quyền công tố, về trách nhiệm của bác sĩ trong việc phối hợp với kỹ thuật viên khi vận hành máy, VKS cho rằng đây là điều kiện tiên quyết để xác định nguồn nước phải đảm bảo thì mới được chạy thận. “Bệnh nhân là trên hết. Với chức năng cứu chữa bệnh thì bác sĩ phải luôn đảm bảo sự phối hợp này để ưu tiên an toàn của người bệnh”, bà Hằng khẳng định và cho biết bị cáo Lương phải đảm bảo an toàn cho người bệnh. “Bị cáo Lương phải xác minh được thông tin từ người chịu trách nhiệm chất lượng nước rằng hệ thống này đã đủ an toàn hay chưa”, nữ kiểm sát viên nói. 

Theo lời bà Hằng, bị cáo Lương đã bỏ qua mọi thông tin, mới chỉ nghe một điều dưỡng không có trách nhiệm báo cáo, đã ra y lệnh. Đây chính là nguyên nhân gây ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra tại BVĐK Hòa Bình. “VKS kết luận, Hoàng Công Lương hoàn toàn có đủ dấu hiệu phạm tội Vô ý làm chết người”, đại diện VKS nói.

Trước đó, gần chục luật sư liên tục thay nhau nêu quan điểm gỡ tội cho bị cáo Hoàng Công Lương. Trong đó, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, tài liệu tố tụng chưa chỉ ra được bị cáo Lương vi phạm điều, khoản nào của bộ luật nào, kể cả văn bản dưới luật. “Theo Luật Khám chữa bệnh thì Lương không vi phạm quy định”, luật sư Phúc nêu quan điểm và cho biết theo kết luận của Hội đồng chuyên môn và kết quả giám định của Bộ Công an, Hoàng Công Lương đã làm đúng quy trình của ngành trong việc xử lý sự cố, cấp cứu bệnh nhân.

Đặc biệt, luật sư Phúc còn đề cập tới chiếc đồng hồ đo độ dẫn điện của Đơn nguyên thận nhân tạo bị sai số, được thể hiện qua kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Theo bà Phúc, đồng hồ đo độ dẫn điện là công cụ duy nhất để xác định chỉ số an toàn trong mức cho phép. Nếu không vì đồng hồ sai chỉ số thì sự cố đã không xảy ra. Do đó, bị cáo Lương hoàn toàn vô can vì không có trách nhiệm trước sự sai số của đồng hồ.

Cùng bào chữa cho Hoàng Công Lương, luật sư Hoàng Ngọc Biên đề nghị Tòa tuyên thân chủ của mình vô tội. Bởi theo ông Biên, Luật Khám chữa bệnh 2009 và Quy chế 1895 về bệnh viện tuyến tỉnh của Bộ Y tế, hành vi ra y lệnh của Hoàng Công Lương là trách nhiệm về mặt chuyên môn…

Hôm nay, HĐXX tiếp tục làm việc. 

Đọc thêm