“Trùm giang hồ” huy động hơn 50 đàn em “truy sát” 2 thanh niên kêu oan tại tòa

(PLO) - Sau khi vụ án được đưa ra xét xử nhiều lần, đến thời điểm hiện tại bị cáo Trương Phong Hiền (tức Hiền “Kháp”)  vẫn một mực kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho rằng những lời khai trong bản cung là hoàn toàn bị ép.
Hai bị cáo tại phiên tòa xét xử
Hai bị cáo tại phiên tòa xét xử

Ngày 24/8, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử lưu động tại Cần Thơ vụ “trùm xã hội đen” huy động hơn 50 đàn em chém người theo đơn kháng cáo của  Hiền “Kháp” (37 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) và Châu Ngọc Thưởng (32 tuổi, ngụ thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).

Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, các bị cáo đã dùng mã tấu, bom xăng… bao vây nhà người khác để chém trả thù. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Trương Phong Hiền 20 năm tù, Châu Ngọc Thưởng 12 năm tù về tội “Giết người”. Sau đó 2 bị cáo đã làm đơn kháng cáo kêu oan vì cho rằng mình không phạm tội. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa xét xử, bị cáo Thưởng đã thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan thành xin giảm nhẹ hình phạt. 

Mặc dù vụ án xảy ra đã khá lâu nhưng dư âm vẫn kéo dài. Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 18h30 ngày 30/5/2013, Trần Ngọc Tuấn cùng nhóm bạn đến quán karaoke ở phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt do Chế Thị Lệ Trinh làm chủ để hát. Sau đó giữa Tuấn và Trinh xảy ra mâu thuẫn nên Trinh đã chỉ đạo đàn em đóng cổng quán và chém Tuấn. Tuấn gọi cho Hiền (anh em cô cậu ruột với Tuấn) cầu cứu.

Sau đó Hiền điện thoại cho em ruột là Trương Phong Khánh, Đặng Chí Tâm điều động đàn em, đem bao hung khí gồm, mã tấu, ống tuýp, bom xăng... đến quán karaoke tìm nhóm của Trinh trả thù. Hơn 50 đối tượng có mặt tại Thốt Nốt để cùng nhau bàn kế hoạch, chuẩn bị hung khí, khẩu trang bịt mặt… tiến đến quán của Trinh nhưng không gặp nhóm của Trinh, cả nhóm kéo về nhà của Trinh đứng phía ngoài la hét, chửi thề lớn tiếng.

Thấy Chế Hoàng Việt (em ruột Trinh) và bạn là Tô Văn Tuấn Em đang ở nhà đối diện nên cả nhóm xông vào nhà dùng mã tấu chém làm hư hỏng nhiều tài sản trong nhà. Việt và Tuấn Em chạy trốn nhưng cũng bị bọn chúng dùng mã tấu chém 10 nhát, gây thương tích cho anh Việt 64% và Tuấn Em 6%. Nghe tiếng người dân tri hô “công an tới”, cả bọn lên xe chạy trốn. 

Đến thời điểm hiện tại bị cáo Hiền vẫn không ngừng kêu oan. Bị cáo cho rằng mình không phạm tội và cũng không nhận tội, các bản cung ngày 7/5/2014 và ngày 18/9/2014 có ghi chép nội dung nhận tội là do bị ép cung. Ngược lại, bị cáo Thưởng đã thừa nhận mình có liên quan đến tội giết người với vai trò giúp sức. Với trường hợp của Thưởng, Kiểm sát viên đã cặn kẽ giải thích những chính sách pháp luật của Nhà nước cho bị cáo hiểu rõ. Nếu muốn được giảm nhẹ hình phạt thì phải thành thật khai báo, tự cứu mình vì ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không khai báo thành khẩn nên không được hưởng hình thức giảm nhẹ này. 

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã trình bày quan điểm cho rằng: “Mặc dù bị cáo Hiền không nhận tội nhưng qua lời khai của các bị cáo khác đã được cơ quan điều tra thu thập cho thấy ở giai đoạn ban đầu bị cáo Hiền có ít nhất 3 bản cung thừa nhận hành vi phạm tội của mình, trong đó có bản cung ngày 7/5/2014 bị cáo đã nêu rõ vai trò chủ mưu cầm đầu trong việc lôi kéo đồng phạm trả thù. Bị cáo cho rằng đó là do bị ép cung nhưng hoàn toàn không có căn cứ”.

Đồng thời, ở 2 bản cung ngày 13/5/2014 và bản cung 18/9/2014 bị cáo đã thể hiện rất rõ vai trò chủ mưu lôi kéo đồng phạm, những bản cung này có sự tham gia của luật sư nên không thể xảy ra tình trạng mớm cung hay ép cung. Đây là một trong những chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

 Ngoài ra, cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập chứng cứ, lời khai của các bị cáo khác và đều thấy rõ hành vi phạm tội của bị cáo Hiền. Vì vậy, nói bị cáo Hiền bị mớm cung, ép cung là không có căn cứ, đề nghị HĐXX quyết định bác kháng cáo của bị cáo Hiền.

Tại phiên tòa, mặc dù bị cáo Thưởng không thừa nhận Hiền gọi trực tiếp cho bị cáo kêu các đồng phạm khác tham gia phạm tội nhưng đã thừa nhận gọi cho Kiệt đi chém trả thù. Xét thấy bản án sơ thẩm bị cáo Hiền đã hưởng tình tiết giảm nhẹ với mức 12 năm tù là mức án đầu khung của tội giết người. Đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo Châu Ngọc Thưởng”, Kiểm sát viên cho biết. Tuy nhiên luật sư bào chữa cho Thưởng đã cung cấp tình tiết mới, gia đình Thưởng là gia đình có công với cách mạng để xin giảm án cho bị cáo.

Sau khi nghị án, HĐXX căn cứ hồ sơ vụ việc, chứng cứ, lời khai và kết quả tranh luận tại phiên tòa, xét thấy chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ giữa 2 người mà các bị cáo đã tập trung một lực lượng đông đảo, trên 50 người với nhiều hung khí nguy hiểm như mã tấu, bom xăng để gây án. Làm tắt nghẽn một đoạn đường dài gây kinh động cho người dân trong khu vực. Đồng thời các bị cáo chỉ dừng lại khi nghe có tiếng hô “có công an tới” và việc người bị hại không chết là do may mắn được cứu chữa kịp thời và ngoài ý thức của các bị cáo. 

Xét thấy đến thời điểm này, bị cáo Hiền vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà chỉ thừa nhận thông báo Tuấn và không có lời kích động hay xúi giục nào. Tuy nhiên, đối chiếu với các lời khai của các bị cáo thì Hiền có hành vi hô hào xúi giục dẫn đến xảy ra vụ việc. Đây được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên cần có mức hình phạt thỏa đáng. Vì vậy, ở cấp sơ thẩm kết luận phạm tội là có căn cứ nên HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hiền, giữ nguyên bản án sơ thẩm về mức án 20 năm tù về tội “Giết người”.

Đối với bị cáo Thưởng, luật sư bào chữa đã cung cấp tình tiết gia đình bị cáo có công với cách mạng và có giấy tờ chứng minh nên HĐXX chấp nhận kháng cáo, áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, tuyên bị cáo Thưởng 10 năm tù về tội “Giết người” thay cho mức án 12 năm mà tòa sơ thẩm đã tuyên trước đây.

Đọc thêm