Tuyên án đường dây làm giả chứng chỉ tin học ngoại ngữ ở Hà Nội

(PLO) - Khách hàng chỉ cần để lại thông tin cá nhân, chỉ 1 đến 2 ngày sau, Hoàng Thu Hoài (SN 1981, trú ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã có thể cấp văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà không cần qua đào tạo, thi tuyển. Mỗi hồ sơ Hoài thu từ 70 đến 350 ngàn đồng.
Ba bị cáo tại tòa
Ba bị cáo tại tòa

Hai ngày đã có chứng chỉ 

Ngày 4/8, TAND TP.Hà Nội đưa Hoài ra xét xử tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đồng phạm trong vụ án trên là Nguyễn Thị Thu Huyền (SN 1992, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Lê Khắc Vũ (SN 1982, trú xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên).

Quá trình xét xử làm rõ: Nắm được nhu cầu của nhiều người cần chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để xin việc làm nên Hoài thường tìm đến cổng một số trường đại học nhận cung cấp. Muốn có văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì khách hàng chỉ cần chuyển thông tin cá nhân và ảnh trực tiếp cho Hoài hoặc thông qua zalo.

Chỉ 1 đến 2 ngày sau, Hoài đã “chế” được những văn bằng, chứng chỉ giao cho khách mà không cần phải qua đào tạo và thi tuyển. Mỗi chứng chỉ giả, Hoài thu của khách từ 70.000 đồng đến 350.000 đồng.

Để làm giấy tờ giả, Hoài vào mạng Internet đặt hàng từ nhiều đối tượng không quen biết với giá thấp hơn giá bán cho khách để hưởng chênh lệch. Bằng thủ đoạn này, tính đến tháng 7/2016, Hoài đã bán được hàng chục chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giả.

Khi bị cơ quan công an phát hiện vào trung tuần tháng 7/2016, Hoài còn giao nộp 76 chứng chỉ giả, trong đó có 31 chứng chỉ chưa kịp tiêu thụ.

Quy trình làm giả giấy tờ

Mở rộng vụ án, CQĐT nhanh chóng lần ra các giấy tờ giả trên do Hoài “đặt” từ Lê Khắc Vũ và Nguyễn Thị Thu Huyền. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể làm rõ một số “mắt xích” giữa Hoài và Huyền, Vũ.

Kết quả điều tra chứng minh, xuất phát từ việc chị gái làm chủ một công ty về văn hóa và giáo dục nên Vũ nảy ra mánh khóe làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để bán. Quá trình “chế tác” văn bằng, chứng chỉ, Vũ thuê Huyền đánh máy, căn chỉnh văn bản và in ấn, còn đối tượng trực tiếp ký giả chữ ký của các cơ sở đào tạo và đóng dấu bậy lên các giấy tờ giả.

Các bị cáo khai nhờ sản xuất, buôn bán văn bằng, chứng chỉ giả, Hoài thu lợi bất chính 9,4 triệu đồng, Vũ thu được 10 triệu đồng và Huyền cũng được trả công 6 triệu đồng/tháng.

Tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi làm giả tài liệu, con dấu của mình. Bị cáo Vũ trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân trước đây bị tai nạn giao thông nên thần kinh có vấn đề. Con gái lớn của bị cáo thiểu năng trí tuệ, người vợ cũng thần kinh không ổn định nên mong tòa cho hưởng khoan hồng của pháp luật.

Các bị cáo khai do không hiểu biết pháp luật nên mong HĐXX mở lượng khoan hồng, sớm trở về với gia đình. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Hoài 30 tháng tù, Huyền 18 tháng tù về với tội danh nêu trên. Còn Vũ do hoàn cảnh khó khăn nên được tòa tuyên phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo.

Đọc thêm