Vào viện tâm thần “trốn” cũng không thoát án tù chung thân

(PLO) - Biết tin người được mình thuê giao ma túy cho khách bị bắt, Duy vội vã vứt bỏ số điện thoại, bảo người thân đưa mình tới bệnh viện tâm thần để khám rồi ở lại điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Kế hoạch này khá hoàn hảo nhưng cũng không giúp được Duy thoát tội.
Bị cáo tại tòa
Bị cáo tại tòa

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Ngọc Duy (SN 1977, trú ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), bị Tòa cấp sơ thẩm kết án tù chung thân về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. 

Dùng đủ mọi kế để “đòi” lại ma túy

Theo nội dung bản án sơ thẩm, Phạm Ngọc Duy từng vào tù hai lần vì liên quan tới ma túy. Mới nhất là khoảng cuối năm 2003, Duy bị TAND TP Lạng Sơn tuyên phạt 9 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Quá trình cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an), anh ta có quan hệ kết giao với Hoàng Thế Mạnh. Sau khi ra trại, đôi bạn tù vẫn gặp nhau và cho nhau số điện thoại để tiện liên hệ.

Đêm 13/6/2015, Duy gọi điện, hẹn gặp Mạnh tại khu vực Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội). Tại đây, Duy đưa cho đồng bọn một túi nilon, bên trong đựng hơn 800 gram ma túy tổng hợp. Biết rõ gói hàng Duy đưa cho mình là ma túy nhưng Mạnh vẫn nhận vận chuyển đến một địa chỉ ở phố Đội Cấn giúp Duy để nhận 200.000 đồng tiền công. Tuy nhiên khi đến địa chỉ Duy bảo, Mạnh không gặp được ai nên quay lại địa điểm cũ để gặp đồng bọn. Khi gần tới điểm gặp ban đầu, Mạnh dừng xe, lấy điện thoại gọi cho Duy. Mạnh không ngờ khi vừa dừng xe, anh ta bị lực lượng Cảnh sát Cơ động đi tuần tra, phát hiện, thu giữ toàn bộ tang vật… 

Trong khi đó, không thấy Mạnh giao hàng cũng như không thấy anh ta liên lạc lại, Duy cho rằng Mạnh đã nảy lòng tham “ăn không” của mình số ma túy trên. Nhiều lần gọi điện cho Mạnh đòi lại hàng không được, Duy nhắn tin cảnh cáo, đe dọa người thân trong gia đình Mạnh. Tài liệu điều tra thể hiện, rạng sáng 14/6/2015, Duy gọi điện cho bố dượng và mẹ ruột của Mạnh để tìm và yêu cầu Mạnh mang trả mình gói hàng mà Mạnh đã chiếm đoạt. Duy còn đe dọa sẽ cắt gân Mạnh, làm hại những người trong gia đình Mạnh và công việc kinh doanh của gia đình ông Hưng.

Không dừng lại tại đó, Duy còn tìm gặp vợ Mạnh, nhắn tin với nội dung bảo người phụ nữ này nhắn chồng mang trả ông ta thứ đã cầm đi… Duy chỉ dừng việc khủng bố tinh thần, đe dọa gia đình Mạnh khi hay tin Mạnh đang bị cơ quan công an bắt giữ. Sau đó, anh ta còn vứt bỏ số điện thoại đã liên lạc với Mạnh cùng người thân của Mạnh. 

Nhưng kế hoạch của Duy đã tan tành, anh ta vẫn phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát

Bản án sơ thẩm thể hiện, ngay sau khi hay tin Mạnh bị bắt, Duy vội bảo người thân đưa vào một bệnh viện tâm thần để khám bệnh. Tại đây, anh ta được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt thể Paranoid F20.0. Tuy nhiên, kế hoạch này của Duy cũng chẳng giúp anh ta thoát tội bởi gần 1 năm sau (ngày 4/6/2016), Duy bị bắt giữ theo lệnh truy nã để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nêu trên. 

Hay tin này, người thân của Duy vội xuất trình cho CQĐT hồ sơ bệnh án thể hiện anh ta bị bệnh tâm thần. Nghi vấn về  bệnh tật của Duy, cơ quan tố tụng đã đưa anh ta đi giám định lại. Kết quả cho thấy trước, trong và sau khi phạm tội, Duy không bị hạn chế về nhận thức cũng như điều khiển hành vi. Biết dùng chiêu này không thể thoát tội, khi bị đưa ra xét xử, anh ta quay sang kêu oan. Duy cho rằng ở thời điểm Mạnh bị bắt quả tang, anh ta không hề thuê Mạnh mang ma túy đi giao dịch.

Theo lý giải của Duy, đêm 13/6/2015, Duy gọi điện nhờ Mạnh tìm “gái” hộ mình. Duy cho Mạnh vay 10 triệu đồng và 2 triệu tìm “gái” để dẫn về một khách sạn ở phố Đê La Thành cho mình bởi Duy lúc đó đã vào một nhà nghỉ đợi. Tuy nhiên, đợi mãi không thấy Mạnh nên anh ta mới gọi điện cho bố dượng và mẹ của Mạnh để tìm và đòi tiền. Duy cũng phủ nhận việc quen biết và liên hệ với vợ của Mạnh như cáo buộc.

Quá trình xét xử sơ thẩm, Duy tiếp tục chối tội. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ, lời khai nhân chứng… HĐXX TAND TP Hà Nội nhận thấy có đủ căn cứ khẳng định Duy phạm tội Vận chuyển trái phép chất ma túy nên tuyên phạt Duy tù chung thân. Do bị cáo Duy không có công ăn việc làm ổn định, chưa được hưởng lời do hành vi phạm tội của mình nên tòa không áp dụng hình phạt bổ sung.

Sau phiên tòa sơ thẩm trên, Duy làm đơn kháng cáo kêu oan. Quá trình xét xử phúc thẩm, mặc dù bị cáo quanh co, chối tội và kêu oan nhưng căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu xác đáng, TAND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Trên cơ sở đó, HĐXX phúc thẩm quyết định giữ nguyên mức án tù chung thân đối với Phạm Ngọc Duy. 

Đọc thêm