Vì sao cuộc chiến Vinasun - Grab chưa dừng lại?

(PLO) - Sau thời gian gần 1 tháng ngồi lại đàm phán nhưng xem ra Vinasun và Grab đã không tìm được tiếng nói chung nên “cuộc chiến” lại tiếp tục bùng nổ.
“Cuộc chiến” giữa hai đế chế truyền thống và hiện đại của ngành vận tải ngày càng gay cấn, dai dẳng
“Cuộc chiến” giữa hai đế chế truyền thống và hiện đại của ngành vận tải ngày càng gay cấn, dai dẳng

Grab nói Vinasun muốn triệt tiêu cái mới

Ngày 26/12/2018, TAND TP HCM tiếp tục đưa vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường hơn 40 tỷ đồng ra xét xử sau gần 1 tháng tạm dừng. Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều ngày.

Trước đó, hồi cuối tháng 11/2018, khi quay lại phần xét hỏi, HĐXX nhận được đề nghị từ phía Vinasun và Grab xin cho tạm dừng phiên tòa để hai bên có thời gian ngồi lại với nhau nhằm đưa ra phương án hòa giải tốt nhất. Sau khi hội ý, HĐXX đã chấp nhận. Tại phiên tòa ngày 26/12/2018, phía bị đơn ngỏ ý muốn tiếp tục thương lượng hòa giải với nguyên đơn. "Nếu nguyên đơn muốn tiếp tục hòa giải thì chúng tôi sẽ đàm phán tiếp", đại diện Grab đề nghị. Tuy nhiên, đại diện Vinasun khẳng định không muốn tiếp tục hòa giải. Do đó, HĐXX tiếp tục tiến hành xét xử. 

Mở đầu phiên tòa, khi được HĐXX hỏi về quá trình hòa giải thương lượng suốt gần 1 tháng qua, hai bên đương sự cho biết việc hòa giải đã không có kết quả. Tuy nhiên, hai bên không nói rõ về những nội dung đưa ra để thương lượng vì cho rằng có nhiều vấn đề liên quan tới bí mật kinh doanh. Trong đó có nội dung Grab muốn mua cổ phần của Vinasun với giá chênh lệch 65 tỷ đồng nhưng phía Vinasun không chấp nhận.

Đại diện Grab nói: "Chúng tôi muốn ngồi lại với nhau để hoá giải những khúc mắc, hiểu lầm không đáng có. Mong muốn các bên hoà giải để dành thời gian tập trung vào hoạt động chứ không phải theo đuổi vụ kiện như thế này...Tuy nhiên việc hòa giải bất thành nên đề nghị HĐXX không đề cập đến những vấn đề đó nữa mà tiếp tục xét xử bình thường".

Luật sư của Grab bổ sung thêm: "Mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới của chúng tôi. Đây là mấu chốt của vấn đề mà phía Vinasun muốn hướng tới…".

Lý giải về vấn đề này, đại diện Grab cho rằng, nếu là mục tiêu thương mại thì với những đề nghị của Vinasun, Grab hoàn toàn có thể đưa ra giải pháp có lợi hơn yêu cầu của phía nguyên đơn. Dường như phía nguyên đơn cũng không biết họ muốn gì. 

Trả lời HĐXX về việc các tài xế tham gia chạy Grab có được đóng các loại bảo hiểm hay không? Đại diện Grab cho biết, các lái xe chạy Grab không thuộc thành phần người lao động của Grab, mà thuộc người lao động của các đối tác của Grab, cụ thể là của các hợp tác xã vận tải.

Luật sư phía Grab nhấn mạnh, nếu trong trường hợp toà án cho rằng toà có thẩm quyền xem xét vấn đề lao động, thì việc xem xét đó phải khách quan toàn diện, phải có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề đánh giá đề án thí điểm này. Vấn đề tiếp đến rất quan trọng của vụ kiện là tính chất thiệt hại, nhưng cơ quan, tổ chức giám định thiệt hại lại không xuất hiện tại phiên tòa...

Vinasun muốn kinh doanh lành mạnh

Nguyên đơn Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm như những phiên tòa trước và đề nghị tòa án tuyên buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng do gây ra thiệt hại cho công ty này. Phía Vinasun cho rằng, nội dung đàm phán mà phía Grab đưa ra trong thời gian qua không gắn với nội dung vụ án và mối quan hệ nhân quả nên công ty không chấp nhận.

"Chúng tôi không phải hoàn toàn vì khoản tiền đó mà mục đích khởi kiện để làm rõ  các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab… Đây không chỉ là lợi ích của chúng tôi mà là lợi ích chung với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng…", đại diện Vinasun quả quyết. 

Trả lời nội dung về việc Vinasun có sự nhượng quyền, vậy vấn đề quyền lợi của tài xế sẽ như thế nào, phía nguyên đơn cho rằng, tất cả các lái xe của hãng đều được thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiêp và bảo hiểm xã hội: "Việc Grab đàm phán mua lại cổ phần của chúng tôi với giá chênh lệch 65 tỷ đồng không liên quan tới vụ án, vì thế chúng tôi không chấp nhận", ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun chia sẻ. Đến cuối buổi xét xử, phiên tòa đã kết thúc phần hỏi, tòa công bố tạm nghỉ đến ngày 28/12/2018, đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Trước đó, hồi tháng 6/2017, Vinasun kiện Grab "vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường", hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây ra nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là hơn 40 tỷ đồng nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Phía Grab cho rằng, tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Họ không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi...

Chính vì thế, nhiều lần tại tòa, phía bị đơn bác bỏ kết quả giám định thiệt hại của Vinasun đưa ra vì không có cơ sở. Grab cũng công bố nghiên cứu thị trường cho thấy Vinasun mất khách hàng đến từ nhiều nguyên nhân như: thái độ của tài xế, thời gian chờ xe lâu, chất lượng xe... 

Đọc thêm