Vì sao VKS Cấp cao kháng nghị vụ BS Chiêm Quốc Thái bị vợ thuê giang hồ chém?

(PLVN) - VKSND Cấp cao tại TP.HCM sau khi xem xét toàn bộ vụ án đã nhận thấy có rất nhiều tình tiết cần được làm rõ nên quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị tòa cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị tăng án đối với vợ cũ ông Chiêm Quốc Thái
VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị tăng án đối với vợ cũ ông Chiêm Quốc Thái

Ngày 26/7, VKSND cấp cao tại TP.HCM cho biết, đã có quyết định kháng nghị bản án vụ án bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị vợ cũ thuê giang hồ truy sát trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Vũ Thuỵ Hồng Ngọc (SN 1978) được xác định chủ mưu, khởi xướng vụ truy sát ông Chiêm Quốc Thái nhưng án sơ thẩm chỉ tuyên phạt 18 tháng tù không nghiêm và chưa tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội.

Bị cáo Phan Nguyễn Duy Thanh (giám đốc công ty bảo vệ Song Thanh) sau khi được bị cáo Ngọc thuê đã tổ chức chặt chẽ, cầm đầu, chỉ huy các bị cáo còn lại thực hiện hành vi chém ông Thái ngay trung tâm thành phố, thể hiện sự coi thường pháp luật, mang tính côn đồ nhưng mức án lại nhẹ hơn các bị cáo còn lại là chưa tương xứng.

Các bị cáo trong vụ án này có nhân thân khác nhau, hành vi phạm tội khác nhau nhưng cấp sơ thẩm tuyên cùng một mức án, và cao hơn bị cáo Thanh là không phân hóa vai trò và hình phạt của từng bị cáo trong vụ án, bỏ lọt tình tiết định khung có tổ chức, có tính chất côn đồ.

Có 3 bị cáo từng phạm tội và bị tuyên các mức án khác nhau, nhưng cấp sơ thẩm lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là không đúng quy định, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Ngoài các nội dung nêu trên, VKSND Cấp cao tại TP.HCM còn cho rằng, trong hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi Thanh nhận tiền từ bà Ngọc đã phân công đối tượng tên Tú (tự Tú Chùa) chở Phạm Văn Ngôn đi chém ông Thái. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa tiến hành điều tra, truy bắt đối tượng Tú để xử lý theo pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt đối tượng phạm tội.

Bên cạnh đó, bà Trần Hoa Sen có vai trò liên quan trong vụ án. Tuy nhiên quá trình điều tra, truy tố thu thập và đánh giá chứng cứ về vai trò của bà Sen chưa được kịp thời, đầy đủ và toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Bà Sen là người gọi điện thoại cho Ngọc và Thanh đến nhà, tạo điều kiện cho Ngọc và Thanh vào phòng ngủ để bàn bạc thỏa thuận việc chém ông Thái. Bà Sen nhận tiền của Ngọc đưa tiền cho Thanh cũng tại nhà của bà này, từ đó vụ án xảy ra, sau đó còn xác định với Ngọc là Thanh đã làm xong việc.

Như vậy, dù bà Sen cho rằng không biết Ngọc và Thanh bàn bạc. Hai bị cáo Ngọc và Thanh cũng thay đổi lời khai theo hướng bà Sen không liên quan, tuy nhiên tài liệu chứng cứ khách quan, hợp pháp trước khi thay đổi lời khai có trong hồ sơ vụ án, đã thể hiện bà Sen là người có liên quan.

Ngoài ra, lời khai của các bị cáo còn nhiều mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với lời khai của bị hại, nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ. Hung khí dùng để gây án cũng chưa được xác định chính xác kích thước và chủng loại để từ đó xác định chính xác tội danh cũng như tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ động cơ của nhóm tổ chức, thực hiện việc truy sát ông Thái nhằm xác định tính chất, mức độ, vai trò của của từng bị cáo làm cơ sở xét xử đúng pháp luật.

Từ các nhận định nói trên, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, bản án sơ thẩm có nhiều sai sót, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng tuyên hủy án sơ thẩm của TAND TP.HCM. 

Trước đó, VKSND TP.HCM cũng đã kháng nghị một phần bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Thanh. Còn ông Chiêm Quốc Thái cũng kháng cáo, đề nghị làm rõ động cơ bà Ngọc thuê người truy sát ông là đánh dằn mặt hay cố sát. Bởi theo ông Thái, các bị cáo dùng hung khí nguy hiểm, chém vào khu vực nguy hiểm trên cơ thể ông. Ông Thái cũng đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét đến hành vi của bà Trần Hoa Sen trong vụ án tránh bỏ lọt tội phạm./.

Đọc thêm