Vợ chồng Phạm Công Danh “phất” lên từ đâu?

(PLO) - Ngày 9/8, TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ đại án 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Bị cáo Phạm Công Danh cùng các bị cáo tại phiên tòa.
Bị cáo Phạm Công Danh cùng các bị cáo tại phiên tòa.

Trả lời HĐXX về qúa trình hình thành phát triển của Tập đoàn Thiên Thanh, bà Quách Kim Chi- vợ bị cáo Phạm Công Danh cho biết hai vợ chồng bà cưới nhau rồi mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Đến năm 2000 thì thành lập công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Năm 2010 thành lập Tập đoàn Thiên Thanh với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, trong đó bà chiếm 20% (tương đương 200 tỷ đồng), còn chồng là ông Danh chiếm 80% (tương đương 800 tỷ đồng).

Về số vốn điều lệ 1.000 tỷ này gồm những tài sản gì thì bà Chi không nắm rõ mà cho biết chồng bà nắm rõ hơn. Khi HĐXX quay sang hỏi bị cáo Phạm Công Danh- Tổng Giám đốc Tập đoàn thì bị cáo cho biết có gồm cả tiền mặt và các tài sản khác, nhưng bị cáo không nhớ hết mà xin được làm việc với Luật sư của mình để hệ thống lại.

Tiếp tục phiên tòa, Luật sư Lê Văn Đức hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết với trường hợp cho IDICO vay vốn. Bị cáo Quyết  cho rằng hồ sơ cho IDICO vay đã khai thì là đầy đủ. IDICO là công ty con của Tập đoàn IDICO và có nhiều hoạt động. Về tài sản thì có khách sạn Sơn Trà… còn việc xử lý khắc phục hậu quả thì bị cáo Quyết khẳng định xử lý theo tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Người vay có trách nhiệm trả nợ còn ngân hàng có trách nhiệm thu hồi nợ.

Luật sư đặt vấn đề với bị cáo Phạm Công Danh, trong trường hợp khoản vay của IDICO như vậy thì ông có thể dùng tài sản là khách sạn Sơn Trà để khắc phục hậu quả không? Nếu khách sạn này vẫn không đủ để trả nợ thì có dùng tài sản của Thiên Thanh để góp phần khắc phục không?

Bị cáo Danh đáp ”mong muốn của tôi là khắc phục hậu quả. Tôi sẵn sàng dùng tài sản của IDICO để khắc phục. Còn về Thiên Thanh thì bản thân tôi hiện tại vẫn chưa nhận thức rõ được quan hệ dân sự giữa tôi và vợ tôi, bởi đây là tài sản chung của vợ chồng tôi nên tôi không rõ trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản này vì còn quyền của vợ tôi nữa”.

Về phần mình bà Quách Kim Chi- vợ bị cáo Danh cho rằng, đối với những khoản vay mà bà cũng như thành viên của Tập đoàn thì xin HĐXX thực hiện đúng theo pháp luật. Còn đối với những việc không nằm trong tầm thì sẽ bàn bạc cụ thể hơn với chồng. Tất cả tài sản của Tập đoàn là tài sản chung của vợ chồng.

Đối với bị cáo Phan Tuấn Anh (Quyền trưởng phòng tín dụng VNCB hội sở chính) vẫn cho rằng, việc bổ nhiệm chức danh quyền trưởng phòng tín dụng hội sở là đúng quy trình. Bị cáo Phan Tuấn Anh cho biết không quen biết giám đốc công ty nào trong số các doanh nghiệp “ma” do bị cáo Danh lập ra trước đó. Bị cáo cũng không nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo nào, làm theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Trước đó, bị cáo Lê Khắc Thái (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) khai chỉ trình lên duyệt lãnh đạo 2 hồ sơ vay tiền. Bị cáo Thái lập luận rằng sở dĩ 2 hồ sơ này không có báo cáo tài chính là vì 2 Cty này chưa tới thời điểm lập báo cáo, mặt khác căn cứ vào thực tế, bị cáo thấy có đủ điều kiện để Thái trình lên cấp trên xem xét cấp vay.

Còn bị cáo Bình, HĐXX cho rằng ngày 11/3/2014, Lê Xuân Trinh (nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh) gọi cho Bình để cùng đến VNCB chi nhánh Lam Giang ký hồ sơ vay tiền. Tại đây, Bình ký vào hồ sơ vay tiền, dù Bình ký vay tiền theo chỉ đạo của HĐQT Cty IDICO, nhưng trên thực tế Cty IDICO không có hoạt động kinh doanh và làm ăn thật. Hành vi của Bình đã cùng những người khác đã giúp sức cho Phạm Công Danh cho vay trái pháp luật 220 tỷ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB 36 tỷ đồng.

Một số bị cáo khác cũng cho rằng mình đã làm đúng quy định của pháp luật và quy trình của ngân hàng về vấn đề thẩm định trước khi cho vay.

Đọc thêm