Vô cớ cướp mạng người còn xưng tên tuổi địa chỉ trước khi gây án

(PLO) -Nạn nhân và hung thủ không hề quen biết. Tuy nhiên, trước khi gây án, đối tượng đã tự xưng tên, địa chỉ nên cơ quan điều tra không gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh.
 Hình minh họa
Hình minh họa

Xưng tên ra oai

Khoảng 18h ngày 12/05/2015, Đặng Ngọc Cường (SN 1977, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chở bạn gái đến nhà một người quen để nhậu. Trong lúc mọi người không để ý, Cường đã trộm một con dao của chủ nhà giấu vào túi quần. 

Sau chầu nhậu túy lúy, trên đường về, Cường cùng bạn gái vào ăn cơm ở chợ Hóc Môn để “giải rượu”. Do thời điểm này quán khá đông khách nên việc phục vụ không được chu đáo như mọi khi, ăn cơm nửa chừng vẫn chưa thấy mang canh ra nên Cường lớn tiếng chửi mắng chủ quán.

Chị Nguyễn Thị Kim Chi đang ngồi ăn cơm ở bàn bên cạnh thấy vậy góp ý: “Anh làm gì mà lớn tiếng quá vậy?”. Gây ồn ào ở chỗ công cộng, bị người khác nhắc nhở, đáng ra phải biết lỗi và xấu hổ, tuy nhiên sẵn có hơi men trong người nên Cường quay sang gây sự với người phụ nữ vừa lên tiếng.

Chẳng biết “giang hồ thiệt” hay chỉ với mục đích hù dọa, nhưng trong lúc hai bên cự cãi, chị Chi bốc điện thoại ra gọi cho bạn, nói lớn: “Tụi bây tới đây liền, tao đang gặp chuyện”.

Cường cũng muốn ra oai nên quát lớn: “Tao là Lành (tên ở nhà của Cường – PV) ở Đông Thạnh, mày muốn gì”?

Tuy nhiên, xưng tên tuổi xong, người đàn ông này bắt đầu lo sợ, nếu phe đối phương kéo đến thì một mình không thể chống đỡ. Cường muốn bỏ đi nhưng lại sợ người phụ nữ kia ngăn cản nên đi về phía bàn của chị Chi đang ngồi, rút con dao trong túi quần vung nhiều nhát vào người phụ nữ rồi tẩu thoát.

Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hóc Môn nhưng đã tử vong ngay sau đó. Giám định pháp y xác định, vết thương đâm đứt quai động mạch chủ gây tử vong, nồng độ cồn trong máu 67mg/100ml.

Nạn nhân và hung thủ không hề quen biết. Mặt khác hung thủ là khách vãng lai nên chủ quán cũng không biết lai lịch đối tượng. Tuy nhiên, trước khi gây án, đối tượng đã tự xưng tên, địa chỉ nên cơ quan điều tra không gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh.

Biết không thể lẩn trốn, ba ngày sau khi gây án, Đặng Ngọc Cường đến trụ sở công an đầu thú.

Tranh cãi tiền cấp dưỡng con nạn nhân

Ngày 20/5, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm đối với Đặng Ngọc Cường về tội “Giết người”.

Phần xét hỏi diễn ra khá nhanh chóng, Cường thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân. Trước những câu hỏi yêu cầu mô tả tường tận diễn biến vụ án, nhiều lần bị cáo này lắc đầu: “Lúc đó tôi say quá, không nhớ được”.

Bị cáo Đặng Ngọc Cường

Bị cáo Đặng Ngọc Cường

Tuy nhiên, đến khi người chồng đại diện của bị hại yêu cầu bồi thường, không khí trong phòng xử bắt đầu “nóng”. Ngoài tiền mai táng, gia đình bị hại yêu cầu bị cáo mỗi tháng cấp dưỡng cho con gái bốn tuổi của nạn nhân số tiền 5 triệu đồng/tháng cho đến khi bé đủ 18 tuổi.

Chủ tọa phiên tòa giải thích: Bị cáo chỉ phải chịu phần cấp dưỡng thay nạn nhân, tức là mẹ của cháu bé, chứ không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nuôi cháu bé đến khi trưởng thành. Số tiền nuôi dưỡng bé sẽ được chia làm đôi, cha cháu bé chịu một nửa, bị cáo một nửa. Do vậy, HĐXX yêu cầu gia đình bị hại xác định lại số tiền yêu cầu cấp dưỡng như vậy có quá cao hay không?

Do bị hại và chồng đều là công nhân, lương chỉ 5-6 triệu/tháng, không lẽ lương hai người chỉ để dành nuôi con, mà không phải chi phí ăn ở, sinh hoạt của gia đình?

Dưới khán phòng, người nhà của bị cáo xì xào: “Một em bé ở dưới quê, nuôi ăn học chỉ hết 2-3 triệu một tháng, có phải học trường quốc tế đâu mà tốn đến cả chục triệu đồng?”.

Chồng bị hại phân trần: “Đúng là một cháu bé bình thường thì tiền ăn học không đến 3 triệu/tháng. Tuy nhiên bé nhà tôi sinh ra không may mắc bệnh tự kỷ, đến nay bốn tuổi rồi mà chưa biết nói, nên việc học hành, chăm sóc đều tốn kém hơn các cháu bé khác”.

Mẹ chồng bị hại cho biết thêm, cháu bé phải theo học lớp đặc biệt để phục hồi khả năng. Mỗi ngày, gia đình phải chở cháu từ quận 12 sang Gò Vấp, học mỗi ca hai tiếng, phí 200 ngàn đồng/ca. Chỉ tính riêng tiền học của cháu mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, chưa kể phải có riêng một người chăm sóc ăn uống, sinh hoạt cho bé, do cháu không không điều khiển được hành vi nên rất dễ tự gây nguy hiểm cho bản thân.

Chồng bị hại rưng rưng: “Trước mẹ cháu còn sống, lương hai vợ chồng chỉ đủ tiền ăn học cho con. Tiền ăn, sinh hoạt trong gia đình nhiều khi không đủ vẫn phải nhờ ông bà nội, ngoại trợ giúp. Do con bị bệnh, chúng tôi phải dành tất cả tiền bạc để chữa chạy cho cháu nên dù con đã bốn tuổi nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa dám sinh thêm bé nữa. Cô ấy mất đi, cuộc sống của cha con tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Chia sẻ của gia đình bị hại khiến nhiều người có mặt trong khán phòng xúc động. Ban đầu bị cáo đề nghị HĐXX xem xét giảm tiền bồi thường, tuy nhiên, sau khi nghe tâm sự của chồng bị hại, bị cáo Cường đồng ý mức cấp dưỡng theo yêu cầu.

Trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền lợi của bị cáo cho rằng, bị hại cũng có một phần lỗi: Thứ nhất, bị hại đã gọi thêm người khác đến để giải quyết mâu thuẫn khiến bị cáo hoảng sợ. Thứ hai, tại thời điểm vụ án xảy ra, bị hại cũng có nồng độ cồn trong máu rất cao. Luật sư dẫn quy định trong luật giao thông đồng bộ, với nồng độ cồn như trên, bị hại đã không điều khiển được hành vi và sẽ bị phạt hành chính nếu tham gia giao thông.

Tuy nhiên, nhận định trên đã bị đại diện VKS bác bỏ. Theo kiểm sát viên, nạn nhân có nồng độ cồn trong máu cao nhưng tại thời điểm vụ án xảy ra, nạn nhân không tham gia giao thông, không có hành động nào vi phạm pháp luật. Do đó, xác định nạn nhân không có lỗi trong vụ án này.

Đồng quan điểm với VKS, HĐXX nhận định Đặng Ngọc Cường có nhân thân xấu, trước đây đã có một tiền án hai năm tù về tội “cố ý gây thương tích”; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt đã dùng dao gây ra cái chết cho nạn nhân là phạm vào tội giết người, với tình tiết có tính chất côn đồ. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội “giết người”, đồng thời mỗi tháng phải cấp dưỡng 5 triệu đồng cho con nạn nhân đến khi cháu bé đủ 18 tuổi.

Đọc thêm