Với quyết định của hai cấp Tòa, “sợi dây” nghĩa tình cuối cùng đã đứt?

(PLO) - Nói về mẹ đẻ - mẹ kế, dân gian có những câu đúc kết rất chí lý như: “Cơm tẻ mẹ ruột”, “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”. Ấy vậy mà trong câu chuyện gia đình dưới đây ở Tuyên Quang, có những cô con gái đang làm đơn khẩn cầu khắp nơi để gia đình “thoát” khỏi lối hành xử quá đáng của người mẹ đẻ. 
Với quyết định của hai cấp Tòa, “sợi dây” nghĩa tình cuối cùng giữa bà Tròn và ông Minh, bà Tròn và hai cô con gái đã đứt lìa? Ảnh minh họa
Với quyết định của hai cấp Tòa, “sợi dây” nghĩa tình cuối cùng giữa bà Tròn và ông Minh, bà Tròn và hai cô con gái đã đứt lìa? Ảnh minh họa

Khi mẹ đẻ không là cơm tẻ

Trong đơn kêu cứu gửi Báo PLVN, chị Đinh Thị Phương Liên (SN 1979) hiện đang công tác tại Khoa Dược, Đại học Y Dược Thái Nguyên trình bày: Năm 1977, bố mẹ chị là bà Nông Thị Tròn (còn gọi là Nông Nguyệt Tròn – SN 1955) và ông Đinh Ngọc Minh (SN 1952) kết hôn với nhau và sinh được ba người con một trai, hai gái. Tuy nhiên, người con trai đầu đã mất từ rất sớm và vợ chồng ông Minh, bà Tròn chỉ còn lại hai cô con gái là Đinh Thị Phương Liên (SN 1979) và Đinh Thị Phương Hằng (SN 1982). Ông Minh trước khi kết hôn với bà Tròn là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, bà Tròn là cán bộ của Nông trường Sông Lô tỉnh Tuyên Quang. 

Năm 1985, bố mẹ họ đã đưa nhau ra tòa ly hôn, phá vỡ sự vẹn tròn của gia đình với hai cô con gái. Theo lời chị Liên, nỗi đau của gia đình chị cũng như của bố chị là trước khi ly hôn, bà Tròn đã có tình yêu với người khác và bỏ 3 bố con chị đến ở chỗ khác.

Năm 1984, khi bà Tròn đệ đơn xin ly hôn ra tòa lần thứ nhất tại TAND huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang (trước đó là tỉnh Hà Tuyên, đến năm 1991 chia tỉnh Hà Tuyên để tái lập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang-PV); ông Minh vì thương các con gái còn thơ dại (lớn 4 tuổi, nhỏ 2 tuổi) nên không đồng ý ly hôn, đã có đơn xin đoàn tụ. Vì thế, TAND huyện Yên Sơn đã tuyên xử bác đơn ly hôn của bà Tròn. Thế nhưng bà Tròn kháng cáo.

Năm 1985, TAND tỉnh Hà Tuyên xử phúc thẩm cho bà được ly hôn với ông Minh, giao phần con cái và tài sản chung về cấp sơ thẩm TAND huyện Yên Sơn giải quyết. Tuy nhiên, ngày 30/9/1986 TAND huyện Yên Sơn ra quyết định xếp vụ kiện dân sự ly hôn về việc giải quyết chia tài sản và con chung của ông Minh và bà Tròn vì lý do bà Tròn đã bỏ đi khỏi nơi cư trú từ tháng 3/1986 không rõ đi đâu.

Điều đáng nói ở đây là trước khi đệ đơn xin ly hôn, vì đã đắm chìm trong tình yêu ngoài vợ, ngoài chồng nên bà Tròn đã quyết định dứt bỏ tất cả để được ra đi rảnh tay. Chữ “tất cả” ở đây với bà Tròn đó là: ông chồng thương binh Đinh Ngọc Minh, hai đứa con gái non nớt trứng gà, trứng vịt và ngôi nhà gỗ ba gian, mái lợp ngói và mảnh đất tại thôn Sông Lô 5, xã An Tường, huyện Yên Sơn (nay là TP Tuyên Quang). Mảnh đất này (theo xác nhận của nguyên Giám đốc Nông trường Sông Lô) có diện tích là 360m2 do Giám đốc Nông trường quốc doanh Sông Lô cấp cho bà Nông Thị Tròn ngày 25/5/1982 (tức là trong thời kỳ bà Tròn - ông Minh vẫn là vợ chồng theo pháp luật) theo tiêu chuẩn cán bộ nông trường.

Minh chứng cho hành vi “dứt bỏ tất cả” này của bà Tròn đó là tờ “đơn xin giao con và tài sản” có chữ ký của bà Tròn xác nhận nội dung: “Tôi là Nông Thị Tròn là vợ anh Đinh Ngọc Minh mất sức, thị trấn nông trường Sông Lô. Nay theo đề nghị của tôi được anh Minh chấp nhận. Vậy tôi làm giấy này xin giao lại hai đứa con là Đinh Thị Phương Liên và Đinh Thị Phương Hằng với toàn bộ tài sản, quyền sở hữu đất đai để anh Minh sử dụng và có trách nhiệm nuôi con cái. Tôi được tự do. Giấy này có hiệu lực từ ngày 20/2/1984, người làm đơn: Nông Thị Tròn”. Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND thành phố Tuyên Quang, ông Minh đã thừa nhận chữ viết là của ông Minh, bà Tròn thừa nhận nội dung và chữ ký là của bà (Bản án số 179/HNGĐ-ST ngày 01/9/2017).

“Nhát dao cuối cùng” cắt đứt dây nghĩa

Chị Đinh Thị Phương Liên trình bày: Theo đơn khởi kiện của bà Nông Thị Tròn, TAND TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã mở phiên tòa sơ thẩm ngày 01/9/2017, xét xử sơ thẩm vụ án chia tài sản chung sau ly hôn giữa nguyên đơn là bà Nông Thị Tròn, bị đơn là ông Đinh Ngọc Minh. Theo như lời khai và yêu cầu của bà Tròn tại phiên tòa thì: tờ đơn xin giao con và tài sản viết ngày 20/2/1984 và cũng là căn cứ để chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Đinh Ngọc Minh vào năm 1992 là không có sự thỏa thuận và không có ý chí của bà; ngôi nhà gỗ 3 gian lợp ngói và mảnh đất 360m2 là tài sản chung vợ chồng của bà và ông Minh; bà khi ly hôn không được chia tài sản gì; yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn với ông Minh là toàn bộ phần đất trống ông Minh đang dùng để trồng cây hiện nay...

Về phần mình, ông Đinh Ngọc Minh đã trình ra trước tòa tờ “đơn xin giao con và tài sản” có chữ ký của bà Tròn. Ông cho biết mình đã thực hiện việc nuôi các con khôn lớn đúng cam kết và việc ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1992 cũng là trên cơ sở tờ đơn tự nguyện xin giao con và tài sản của bà Tròn.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Tuyên Quang đã tuyên xử: giao cho bà Nông Thị Tròn được quản lý, sử dụng, định đoạt 110,3m2 đất trong diện tích mà ông Đinh Ngọc Minh đang quản lý, sử dụng, định đoạt (bao gồm cả phần đất do Nông trường Sông Lô cấp trước đây và phần đất do ông Minh khai khẩn thêm sau này). Phiên tòa phúc thẩm ngày 07/12/2017 của TAND tỉnh Tuyên Quang cũng đã giữ nguyên phán quyết này. Trước quyết định của hai cấp Tòa, ông Đinh Ngọc Minh đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 14/2017 ngày 07/12/2017 của TAND tỉnh Tuyên Quang.

... Như vậy, với quyết định của hai cấp Tòa, sợi dây nghĩa tình cuối cùng giữa bà Tròn với người chồng cũ và hai cô con gái đã đứt lìa. Về mặt tình cảm con người, cách hành xử đó của một người phụ nữ đối với người chồng cũ, là thương binh, nạn nhân da cam, nghỉ mất sức từ lúc 28 tuổi, không quản ngại khó khăn mấy chục năm vất vả, nuôi nấng hai đứa con gái của mình nên người mà không có sự chăm sóc, cấp dưỡng của người mẹ - đang tâm dứt bỏ các con của mình, đi tìm hạnh phúc riêng, không một lần ngoảnh lại, liệu có xứng đáng? 

Về mặt pháp luật, pháp luật dân sự, pháp luật về hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta, xuyên suốt nhiều năm nay đều quy định và thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa vợ chồng; trong đó quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng là ngang nhau. Vợ chồng luôn có quyền sở hữu bình đẳng đối với tài sản chung; huống gì giữa ông Minh và bà Tròn đã có văn bản thỏa thuận “giao con và tài sản” (hiện ông Minh đang giữ bản gốc) có nội dung thỏa thuận không trái pháp luật, không thể hiện bất kỳ sự cưỡng ép nào.

Nhận định của TAND tỉnh Tuyên Quang cho rằng “tại thời điểm năm 1984 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 đang có hiệu lực thi hành không có quy định chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại” (trang 14)... để không chấp nhận nội dung văn bản thỏa thuận “giao con và tài sản” của ông Minh và bà Tròn liệu có phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và hôn nhân và gia đình? Hơn nữa, việc ông Minh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1992 cũng cho thấy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công nhận tính hiệu lực pháp luật của văn bản thỏa thuận này. Do đó, quyết định của hai cấp Tòa như vậy đã “đạt lý, thấu tình”, có thỏa đáng và công bằng? 

Đọc thêm