Vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình: “Thân chủ của tôi không thể dùng lưỡi hay tay để xác định còn tồn dư hóa chất“

(PLVN) - Đây là lời của luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) – người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO2 và bị cáo buộc để tồn dư hóa chất nói. Luật sư không đồng tình với cáo buộc thân chủ của mình có vai trò lớn nhất trong vụ án này.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc

Ngày 23/1, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 9 với phần tranh luận.

Tại phiên xét xử này, bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) – người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO2 và bị cáo buộc để tồn dư hóa chất, Luật sư Giang Văn Quyết cho rằng cáo buộc của VKS nói thân chủ mình để lại tồn dư hóa chất là không phù hợp.

Bởi trên thực tế, Quốc chưa làm xong công việc của mình. “Giả sử bị cáo Quốc làm xong mà vẫn để tồn dư thì mới có thể quy kết được”, Luật sư Quyết nói đồng thời cho rằng sau khi sửa chữa xong, thân chủ của mình không thể dùng lưỡi hay tay để xác định còn tồn dư hóa chất hay không mà phải mang mẫu nước đi xét nghiệm. “Vì chưa sửa xong nên không thể đảm bảo an toàn được”, Luật sư Quyết nói.

Ông Quyết thừa nhận thân chủ của mình chưa can ngăn quyết liệt khi thấy đơn nguyên thận nhân tạo đưa hệ thống vào vận hành khi chưa có kết quả xét nghiệm nước. Tuy nhiên, ông Quyết phản đối quan điểm của đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa khi cho rằng thân chủ của mình có vai trò lớn nhất. Luật sư cho rằng nếu không có việc ra quyết định vận hành hệ thống lọc máu khi chưa có kết quả xét nghiệm thì sự cố đã không xảy ra.

Cũng theo lời luật sư, bị cáo Quốc không sử dụng hóa chất cấm, còn việc đưa vào danh mục hay không là trách nhiệm của Bộ Y tế. Theo lời luật sư, Bộ Y tế chỉ xác định hai hóa chất HF và HCL mà bị cáo Quốc dùng chưa được cho phép sử dụng đối với trang thiết bị y tế nhưng Thông tư số 14 của bộ này quy định về danh mục các loại trang thiết bị y tế thì lại không có hệ thống RO mà chỉ có máy chạy thận.

Theo vị luật sư này, bị cáo Quốc không phải là người trực tiếp dẫn đến cái chết của 9 nạn nhân; quy trình sử dụng máy lọc nước của BVĐK Hòa Bình lỏng lẻo và sớm muộn cũng sẽ xảy ra sự cố. Luật sư cho rằng trong 18 tháng qua, bị cáo Quốc đã phải ngồi tù thay cho những nhân vật cộng hưởng trong vụ án. Bên cạnh đó, ông Quyết còn “cáo buộc” các bác sỹ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo đã “không xin lỗi gia đình các nạn nhân”.

“Đến hôm nay gia đình các nạn nhân ngồi ở khán phòng dưới đây không truy cứu tận cùng thân chủ của tôi, không muốn bác sỹ Lương phải đi tù,… không có nghĩa là đội ngũ y bác sỹ trong ca trực ngày 29/5/2017 đã làm đúng. Suy cho cùng, đó là sự vị tha, lòng bao dung của người dân trước một sự cố y khoa ngoài lỗi cố ý”, Luật sư Quyết nói và xin mọi người hãy nhìn nhận thẳng thắn vào sự thật để không bao giờ có một sự cố y khoa khủng khiếp nào tương tự xảy ra nữa. “9 bệnh nhân nghèo đã chết ở nơi mà họ đến để được sống, nhưng không một ai trong cả đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng viên thấy mình có trách nhiệm”, ông Quyết nêu trong bản luận cứ bào chữa.

Trước lời “nhắc khéo” của luật sư bào chữa cho bị cáo Quốc, bị cáo Hoàng Công Lương nói bản thân cảm thấy bị xúc phạm. Bị cáo Lương bảo mình đã có lời xin lỗi gia đình các nạn nhân tại tòa trong phiên xét xử lần 1 vào tháng 5/2018. Bị cáo này cũng phân trần, nói rằng điều mà anh đau đớn nhất là không cứu chữa được tất cả bệnh nhân. “Còn việc bị cáo có lỗi hay không thì phiên sơ thẩm lần một chưa thể xác định, do đó mới có phiên sơ thẩm lần này”, bị cáo Lương nói./.

Đọc thêm